Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Cam Lộ

Thứ ba - 21/11/2023 09:19
Cùng với việc thực hiện chính sách theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Cam Lộ ban hành Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trực tiếp đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 nhằm tăng cường hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng cho lao động nông thôn của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cam Lộ
Đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng cho lao động nông thôn của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cam Lộ

       Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Thanh Bắc cho biết, giai đoạn 2010-2020, toàn huyện đã đào tạo nghề cho hơn 5.700 lao động nông thôn từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và của địa phương. Trong năm 2022, huyện đào tạo nghề cho gần 700 lao động, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm hơn 70%. Triển khai tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cho hơn 2.000 lượt người lao động. Ước tính có 80% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm và thu nhập cao hơn trước khi học nghề. Phấn đấu năm 2023, huyện đào tạo nghề cho 500 - 550 lao động nông thôn.
       Thời gian qua, thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả nhằm tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân, địa phương đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế nông nghiệp. Kết quả của công tác này đã góp phần đưa Cam Lộ về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Qua đào tạo nghề nông nghiệp, người dân được tiếp cận những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích. Nhiều lao động đã hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn như chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê, trồng và chăm sóc cà gai leo, cây hồ tiêu, cây lạc, cây dược liệu, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Với nghề phi nông nghiệp, nhiều học viên sau khi học các lớp học nghề điện dân dụng, cơ khí nông nghiệp đã tự mở cơ sở kinh doanh, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng thông thường cho các loại máy móc, công cụ phục vụ sản xuất.
Với những ngành nghề đào tạo đa dạng như nấu ăn, may mặc, xây dựng, trang điểm... đã tạo cho học viên nhiều sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Do vậy, bên cạnh mang lại hiệu quả về kinh tế, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp người dân nâng cao hiểu biết về ngành nghề mình đang làm, tự tin và sáng tạo hơn trong công việc.
       Phó Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Cam Lộ Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, để phục vụ phát triển KT-XH địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, sát hạch cấp chứng chỉ nghề để triển khai đào tạo đúng địa chỉ. Muốn làm tốt công tác này cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp cho người lao động; các chính sách về đào tạo nghề được tuyên truyền đến tận người dân. Nội dung tuyên truyền được rút gọn và niêm yết trên bảng tin của UBND các xã, thị trấn, trung tâm học tập cộng đồng các thôn, bản, khu phố nhằm giúp người dân hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
       Theo ông Nguyễn Thanh Bắc, huyện Cam Lộ có trên 20 nghìn lao động trực tiếp làm việc trong khu vực nông thôn. Thời gian qua, huyện rất nỗ lực trong công tác đào tạo nghề để phục vụ phát triển KT-XH, đặc biệt là quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề từ nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn địa phương, trong đó huyện luôn khuyến khích người lao động đăng ký những nghề mới. Tuy nhiên, số lượng người lao động có nhu cầu học nghề mới vẫn chưa nhiều; một số nghề chỉ có thể đào tạo ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì theo quy định phải đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong khi học viên lại có nhu cầu học nghề tại địa phương mình ở nên việc phát triển những nghề mới còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nguồn kinh phí phân bổ cho công tác đào tạo nghề nông thôn thời gian qua rất hạn chế; địa phương không có nguồn lực để tổ chức thực hiện nên gây khó khăn cho công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.
       Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tới, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo nghề cho huyện. Các phòng, ban, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Một việc làm quan trọng nữa là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đây là giải pháp đột phá góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động thời gian tới. Xác định nhu cầu lao động cần được đào tạo và nhu cầu thị trường lao động để đào tạo nghề gắn với thị trường nhằm giúp thêm nhiều lao động nông thôn được giải quyết việc làm.

Nguồn tin: Bài và ảnh Tuệ Linh, báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay5,192
  • Tháng hiện tại71,532
  • Tổng lượt truy cập8,481,174
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây