Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh có 69/101 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 68,3%), trong đó có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình quân tiêu chí đạt toàn tỉnh là 14,58 tiêu chí/xã.
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2019, huyện Cam Lộ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) và đang phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao năm 2023 và đến năm 2025 đạt huyện NTM kiểu mẫu. Đến nay, huyện Cam Lộ đã đạt 3/9 tiêu chí với 25/38 chỉ tiêu đạt chuẩn (theo bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao). Trong khi đó, các huyện Triệu Phong, Hải Lăng đang phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM năm 2023, huyện Vĩnh Linh phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2024, huyện Gio Linh phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025. Đến thời điểm này, các huyện nêu trên đã đạt từ 3 - 4 tiêu chí cấp huyện và đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Đối với cấp thôn, vườn mẫu toàn tỉnh có 4 thôn đặc biệt khó khăn, thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt chuẩn thôn NTM; 78 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; có 24 vườn hộ gia đình được công nhận vườn mẫu NTM.
Theo đánh giá, kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra. Tại các địa phương, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 tỉnh phấn đấu có 73/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỉ lệ 72,3%), có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỉ lệ 11,8%); các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hoàn thành các tiêu chí huyện NTM, huyện Cam Lộ cơ bản đạt các tiêu chí huyện NTM nâng cao; có 21 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đạt chuẩn thôn NTM.
Nhiều giải pháp trọng tâm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM tại địa phương là bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu khó thực hiện, cần nhiều nguồn lực, thời gian để hoàn thiện, trong khi mới được ban hành vào tháng 7/2022. Do vậy, quá trình thực hiện các địa phương vẫn còn lúng túng trong đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí do thiếu cơ sở. Nhiều xã bị rớt tiêu chí, đặc biệt hiện nay trong số 69 xã đã được công nhận đạt chuẩn chỉ còn 21 xã duy trì 19 tiêu chí.Bên cạnh đó, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023 - 2025 chủ yếu là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN, vùng bãi ngang ven biển; một số tiêu chí cấp huyện cần nguồn lực đầu tư lớn và phải có lộ trình thời gian để hoàn thiện.
Kết quả xây dựng NTM của một số vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn (như huyện Triệu Phong đạt bình quân 17,8 tiêu chí/xã, trong khi huyện Hướng Hóa đạt bình quân 7,9 tiêu chí/xã). Ngoài ra, các xã trên địa bàn tỉnh đều có xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ. Nguồn lực huy động tại chỗ ở một số xã gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn từ quỹ đất và đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, hiện nay, nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG do vướng mắc về cơ chế chính sách nên hầu hết chưa triển khai thực hiện được. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023) đang còn chậm…Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, phát huy nội lực, sáng tạo, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Hoàn thành xây dựng quy hoạch chung các xã, quy hoạch vùng huyện phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia và các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, mô hình xã, thôn NTM thông minh, tạo dựng hình ảnh của những miền quê đáng sống, gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Một trong những giải pháp tiếp theo là tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ngày càng chuyên nghiệp; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình, đặc biệt là lồng ghép giữa các Chương trình MTQG, gắn với công tác đỡ đầu của các sở, ban ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN xây dựng NTM, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Đối với các xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn, cần tổ chức rà soát, đánh giá chi tiết hiện trạng các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, giải pháp, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Đối với các xã còn lại cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; đặc biệt tại một số xã đã đạt chuẩn nhưng bị sụt giảm tiêu chí, cần tập trung khắc phục nhằm đảm bảo đạt đầy đủ 19 tiêu chí NTM theo quy định.
UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ cần chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành phụ trách tiêu chí trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc liên quan để có sự chỉ đạo, tháo gỡ; cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các tiêu chí và tổ chức đánh giá thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh đối với các thị trấn trên địa bàn huyện…
Phấn đấu có 76 xã đạt chuẩn NTM
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Trị phấn đấu có 76/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỉ lệ 75,2%), trong đó có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 43 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM.
Và đến năm 2025, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Quảng Trị là có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 81/101 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 9 xã vùng đồng bào DTTS&MN, 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu).
Nguồn tin: Bài và ảnh Đức Nghĩa, tạp chí Nông thôn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn