Thực hiện quy hoạch trong xây dựng NTM, trong giai đoạn 2011-2020, có 8 xã chỉ đạo điểm của tỉnh được Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp tiến hành lập quy hoạch và được UBND tỉnh phê duyệt; đối với quy hoạch của các xã còn lại do UBND cấp huyện phê duyệt. Bên cạnh công tác lập quy hoạch, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho việc cắm mốc chỉ giới quy hoạch, xây dựng đề án quy hoạch NTM.
Nhờ vậy, trong giai đoạn 2011-2020 có 117/117 xã hoàn thành công tác quy hoạch NTM. Riêng quy hoạch cấp huyện, theo tiêu chí quy hoạch đối với huyện NTM, trên địa bàn tỉnh chỉ huyện Cam Lộ triển khai xây dựng quy hoạch vùng huyện và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Giai đoạn 2021-2025, đồ án quy hoạch xây dựng NTM của xã giai đoạn 2011-2020 đã hết hạn quy hoạch. Hiện nay, các địa phương đang triển khai lập quy hoạch chung xây dựng xã (đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM) và lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã/điểm dân cư mới (đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao). Một số huyện đã bố trí ngân sách cấp huyện để triển khai quy hoạch của các xã.
Trong năm 2022, UBND tỉnh đã bố trí nguồn sự nghiệp ngân sách trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho 9 xã phấn đấu đạt chuẩn, đạt chuẩn nâng cao để lập mới quy hoạch, với mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/xã.
Đối với quy hoạch cấp huyện, thực hiện tiêu chí quy hoạch nhằm phấn đấu có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện NTM kiểu mẫu. Hiện nay, các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt dự toán quy hoạch xây dựng vùng huyện và bố trí kinh phí triển khai quy hoạch.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy hoạch trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số bất cập, khó khăn. Đối với các huyện, xã dự kiến phát triển thành đô thị, việc lập quy hoạch phát triển đô thị thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và các quy chuẩn, tiêu chuẩn của đô thị.
Thế nhưng, khi thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, các xã đều đã có quy hoạch chung xây dựng NTM được duyệt. Do đó, việc quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển NTM có sự mâu thuẫn với quá trình phát triển đô thị. Hiện nay không có công cụ quản lý riêng cho các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa này.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM tại các xã, huyện dự kiến phát triển đô thị là bước đệm trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM không phù hợp sẽ gây đầu tư lãng phí, không thích ứng với định hướng đô thị hóa trong tương lai. Hiện nay, đang thiếu các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp cho các địa phương trong thời kỳ chuyển giao này. Đối với các xã thực hiện đô thị hóa ngay, việc thực hiện xây dựng NTM là không phù hợp.
Đối với các xã chuẩn bị lên đô thị (giai đoạn ngắn hạn) rất cần được định hướng phát triển nhằm mục tiêu vẫn phát triển kinh tế, sử dụng đất đai hiệu quả, có sự chuẩn bị cho việc lên đô thị; việc xây dựng NTM là cần thiết, tuy nhiên cần có sự gắn bó mật thiết với quá trình đô thị hóa, tránh đầu tư lãng phí. Các dự án cho xây dựng NTM cần có sự kế thừa khi phát triển lên đô thị, do đó quá trình này cần có các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp như chuyển đổi nghề, đào tạo nhân lực, thích ứng dần thói quen sinh hoạt, liên kết cộng đồng… sẵn sàng cho nâng cấp lên đô thị.
Đối với các xã có định hướng lên đô thị nhưng trong giai đoạn dài hạn, việc xây dựng NTM là phù hợp cho giai đoạn phát triển trước mắt. Cần ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng NTM có sự kế thừa khi phát triển lên đô thị. Việc xác định rõ dự án ưu tiên đầu tư để đạt tiêu chí xã NTM, huyện NTM trước mắt nhưng có tính hiệu quả, kế thừa khi phát triển lên đô thị còn gây nhiều lúng túng cho các địa phương.
Một số xã nằm trong vùng quy hoạch các khu dịch vụ du lịch, khu kinh tế cũng gặp khó khăn, chồng chéo trong thực hiện quy hoạch xây dựng NTM và quy hoạch xây dựng các khu chức năng. Nếu dựa trên quy hoạch các khu chức năng, số vốn đầu tư quá lớn, địa phương không đủ tiềm lực để thực hiện nhưng không thể cấp đất, giao đất xây dựng trái với quy hoạch… từ đó ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Đối với việc triển khai công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn, nhìn chung công tác quy hoạch của các xã đã tuân thủ theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đồ án quy hoạch của một số xã còn rập khuôn, chất lượng chưa cao, tính khớp nối, liên kết của các hồ sơ quy hoạch còn thấp, năng lực của một số đơn vị tư vấn còn hạn chế, vai trò của người dân, cộng đồng trong tổ chức, quản lý lập quy hoạch chưa phát huy cao. Tiến độ triển khai ban hành quyết định quản lý quy hoạch xây dựng NTM của từng xã còn chậm, nhiều xã đến năm 2018 mới được ban hành, do đó khó khăn trong công tác quản lý…
Cùng với đó, các đồ án thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện… Một khó khăn nữa là đa số các xã khi lập quy hoạch xây dựng NTM có mức đầu tư cao so với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước, khả năng nguồn lực của địa phương nên khi triển khai thực tế nguồn lực đầu tư không đáp ứng đủ theo đề án quy hoạch đã lập.
Các xã sau khi được sáp nhập chưa kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Việc xác định chi phí lập đồ án, nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng xã theo đề xuất của các huyện chưa cụ thể, thiếu sự thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn khi xác định mức bố trí từ nguồn sự nghiệp ngân sách trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để hỗ trợ công tác quy hoạch cho các xã.
Để tiếp tục thực hiện thành công tiêu chí quy hoạch trong xây dựng NTM, đối với quy hoạch chung xây dựng xã cần có sự điều chỉnh, nhấn mạnh nội dung kiến trúc cảnh quan. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về NTM, tạo thuận lợi cho việc triển khai lập đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã cho giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, tăng cường tính tự chủ cho chính quyền địa phương và cộng đồng. Một số xã nằm trong quy hoạch phát triển đô thị mới cần làm rõ định hướng và giải pháp xây dựng NTM trong quy hoạch chung đô thị…