Những thách thức trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 20/07/2016 03:41
Đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn nông thôn mới ở xã Húc, huyện Hướng hóa
Đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn nông thôn mới ở xã Húc, huyện Hướng hóa
      Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay Chương trình đã hoàn thành giai đoạn 2011-2015, Triển khai xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, với xuất phát điểm thấp, lợi thế cạnh tranh  và nguồn lực địa phương còn hạn chế,  vì vậy quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị gặp không ít những khó khăn, nhưng với quyết tâm trong chỉ đạo của BCĐ xây dựng nông thôn mới các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể và đặc biệt là người dân nông thôn đã thể hiện được vai trò chủ thể của mình trong việc góp công, góp sức để xây dựng nông thôn mới. Kết quả có thể thấy rõ nhất đó là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới với cơ sở hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư theo chuẩn nông thôn mới (đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế,  trường học, chợ…) đã đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn.
      Đến nay toàn tỉnh có 18/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 15% số xã của tỉnh), đạt mục tiêu Nghị quyết tỉnh  đảng bộ  lần thứ XVI nhiệm kỳ 2011-2015, mức đạt bình quân chung của tỉnh là trên 12 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là đến năm 2020 toàn tỉnh có 40-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có 01-02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
     Tuy vậy, đối với giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện Chương trình MTQG sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức mà chủ yếu tập trung vào các yếu tố sau:
     Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều giữa các địa phương, còn một khoảng cách giữa các khu vực, đặc biệt là 42 xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh, chiếm 35,8% tổng số xã (bao gồm 28 xã thuộc Chương trình 135, biên giới, các xã thuộc huyện nghèo Đakrông và 14 xã bãi ngang ven biển) trong đó, một nhiệm vụ nặng nề đặt ra ngoài dự kiến đó là giải quyết  hậu quả ô nhiễm môi trường biển ở 14 xã bãi ngang ven biển hiện nay.  Các xã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015  có thể nói là những xã đứng hàng đầu và khá của tỉnh,  với những điều kiện thuận lợi nhất định và đã được tỉnh, huyện tập trung nguồn lực để đạt chuẩn, các xã còn lại là những xã khó khăn so với tốp đầu, vì vậy, giai đoạn 2016-2020 số lượng xã phấn đấu đạt chuẩn sẽ khó khăn hơn, nếu không có sự nỗ lực vượt bậc,  đột phá trong xây dựng nông thôn mới.
      Chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí còn thiếu bền vững; kể cả các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015 cũng mới đạt ở mức tối thiểu, trong thời gian tới Chính phủ sẽ sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng tiêu chí, các địa phương phải rà soát, đánh giá lại theo đúng thực chất hiện trạng thì chắc chắn mức đạt bình quân chung của tỉnh sẽ giảm xuống, cần thiết phải có kinh phí tương đối lớn cho việc đầu tư  nhằm duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn.
      Phần lớn tiêu chí về cơ sở hạ tầng thiết yếu đạt chuẩn còn ở mức thấp như: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, chợ, .v.v.  nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, yêu cầu phải đầu tư xây mới...; đặc biệt là các xã khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong khi kinh phí đầu tư là rất lớn, nguồn ngân sách khó đáp ứng được.
      Tiêu chí hộ nghèo và thu nhập là hai tiêu  quan trọng nhưng hiện nay đạt còn thấp mà việc thực hiện đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, có nhiều cơ chế, chính sách đột phá. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao so với mặt bằng chung của cả nước, công tác giảm nghèo chưa bền vững, tổng số hộ nghèo ở khu vực nông thôn: 21.498 hộ (Chiếm 18,9% so với tổng số hộ dân cư nông thôn); tổng số hộ nghèo ở vùng khó khăn miền núi và bãi ngang ven biển là 8.114 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 33% so với hộ nghèo toàn tỉnh. Thu nhập của hộ nghèo có mức thu nhập trên chuẩn nghèo nhưng thiếu hụt 03 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên có 9.103 hộ (chiếm 37%), hộ nghèo có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo là 15.476 hộ (chiếm 63%).
      Để phấn đấu đến năm 2020 có 01- 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã chọn 02 huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh để chỉ đạo điểm, tuy vậy theo Quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới​ và thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới​, trong đó có quy định huyện đạt chuẩn phải có 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới. So với quy định thì hiện nay 2 huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ cũng phải nỗ lực rất lớn, đặc biệt là phải đưa các các xã khó khăn hiện nay đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 như:  xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, xã Vĩnh Ô, xã Vĩnh Hà, xã Vĩnh Khê của huyện Vĩnh Linh. Ngoài ra tỉnh và huyện Đakrông cũng phải phấn đấu đạt chỉ tiêu không để huyện trắng xã đạt chuẩn nông thôn mới vì hiện nay huyện Đakrông chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.
      Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới sẽ siết chặt đầu tư công, cắt giảm nhiều chương trình, dự án (giai đoạn 2016-2020 chỉ còn lại 02 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững), yêu cầu việc huy động nguồn lực không quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, vì vậy, việc tập trung nguồn lực cũng như việc huy động xây dựng nông thôn mới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
       Thiên tai, hạn hán và biến đổi khí hậu trong những năm tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế và đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn của tỉnh, các công trình hạ tầng thiết yếu cũng nhanh chóng xuống cấp ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
       Để khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên, giai đoạn 2016-2020 đề xuất cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:
      Tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị xã hội và toàn thể người dân về xây dựng nông thôn mới; phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền;  phân công, phân nhiệm rõ ràng; gắn công tác chỉ đạo với đôn đốc, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
      Tập trung nguồn lực cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời chú trọng, ưu tiên cho các xã khó khăn, xã bãi ngang, ven biển của tỉnh, bố trí kinh phí cho các xã đã đạt chuẩn nhằm duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí.
      Đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng việc phát triển sản xuất, chính sách tín dụng trong nông nghiệp nông thôn và chính sách của tỉnh theo Quyết định 21/2015/QĐ- UBND ngày 14/9/2015 ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020.
      Huy động có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,  nông thôn, huy động các nguồn vốn của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, vốn vay từ ngân hàng thế giới, xây dựng và thực hiện có hiệu quả “Quỹ nông thôn mới” cấp xã, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực tại chỗ của người dân, đặc biệt là hiến đất, hiến công, kêu gọi nguồn đóng góp của con em xa quê v.v   
       Tăng cường thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh áp dụng các thiết kế, dự toán mẫu, giao cho cộng đồng dân cư chủ động thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù.
       Tập trung thực hiện có hiệu quả 02 Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gắn với phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”.
       Chỉ đạo 02 huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh xây dựng đề án, kế hoạch, lộ trình cụ thể và ưu tiên các nguồn lực để phấn đấu huyện đạt chuẩn giai đoạn 2016-2020, chỉ đạo huyện Đakrông chọn một số xã để tập trung chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn đảm bảo mục tiêu của tỉnh.
       Sữa đổi và ban hành chính sách khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới trong đó có các xã tự nỗ lực đạt chuẩn, xã tăng nhiều tiêu chí, xã đạt chuẩn và liên tục giữ vững tiêu chí, ngoài ra khen thưởng và động viên các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
       Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp đó cần phải xác định xây dựng nông thôn là một quá trình chứ không phải là đích đến; không được nóng vội, chạy theo thành tích, hạ thấp các tiêu chí khi công nhận; không được để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; việc huy động sự đóng góp của người dân phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công khai, không được huy động quá sức dân; phải xác định xây dựng nông thôn mới là hướng đến sự hài lòng của người dân. 

Tác giả bài viết: Trần Trọng Tuấn - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập516
  • Hôm nay1,837
  • Tháng hiện tại32,386
  • Tổng lượt truy cập9,581,971
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây