Không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư - 29/06/2016 16:50
Sau hơn 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã có 18/117 xã đạt chuẩn và phấn đấu đến năm 2020 có 40 đến 50% số xã đạt chuẩn. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng tránh chạy theo thành tích, đặc biệt không để xảy ra tình trạng huy động tiền đóng góp của người dân quá lớn và nợ trong xây dựng cơ bản.
Bộ mặt nông thôn xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh
Bộ mặt nông thôn xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh
    Tuy là địa bàn miền núi, có 1 bản là người dân tộc thiểu số nhưng trong năm 2015 xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa đã sớm hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận. Có được điều đó chính là nhờ Đảng ủy xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền  nâng cao ý thức làm chủ của người dân, xây dựng Nghi quyết chuyên đề với những giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.
    Trong hơn 5 năm qua, xã đã huy động được hơn 126 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện cho người dân khai thác lợi thế của địa phương nằm trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và có vùng đất đỏ ba zan màu mỡ để phát triển kinh tế. Người dân đã bỏ vốn tự có hơn 350 tỷ và vay Ngân hàng 64 tỷ tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, các loại hình thương mại, dịch vụ cũng như mở rộng diện tích cây công nghiệp, lập trang trại, phát triển chăn nuôi có quy mô. Nhờ vậy, đến cuối năm 2014 thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 21 triệu đồng, hộ khá và giàu trên 60% và hộ nghèo giảm còn 3,8%.
    Ông Võ Viết Sinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa cho biết: Phương châm của địa phương trong xây dựng nông thôn mới là huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, huy động sức dân để lo cho dân. Cái được lớn nhất sau 5 năm xây dựng nông thôn mới và mang tính quyết định đó là nhận thức của người dân đã được nâng lên. Người dân không chỉ đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi mà đã chú trọng tìm nhiều biện pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo và làm giàu cũng như có ý thức trong chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa ở gia đình, nếp sống văn hóa ở cộng đồng thôn bản. Đặc biệt trong đó cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trên tất cả các lĩnh vực.

Người dân Tân Hợp tự nguyện phá dở tường rào xây dựng đường giao thông nông thôn
   
   Tỉnh Quảng Trị có 117 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm 3 xã đạt chuẩn năm 2014 và 15 xã đạt chuẩn năm 2015, 10 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 52 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 37 xã đạt 5 đến 9 tiêu chí.
    Toàn tỉnh đã huy động nguồn lực hơn 7000 tỷ đồng để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân hơn 1100 tỷ đồng, chính nhờ vậy bộ mặt nông thôn đã có thêm nhiều thay đổi, có thêm nhiều công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Đặc biệt tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề để nâng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Bên cạnh đó ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư.
   Theo kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu có thêm từ 13 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020 có 40 đến 45% số xã và 2 huyện đạt chuẩn. Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã ban hành cơ chế hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2016 với tổng kinh phí trên 103,7 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương, tỉnh hỗ trợ gần 15 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần, hướng đến sự hài lòng của người dân, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường mức hưởng thụ cho dân cư nông thôn, bảo đảm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
    UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới không được chạy theo số lượng, thành tích vì nguồn lực địa phương còn hạn hẹp, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản như một số tỉnh thành khác. Đặc biệt cần kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân 16 xã vùng biển đang gặp khó khăn do sự cố cá chết bất thường xảy ra vừa qua.
   Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để phấn đấu trong 5 năm tới đạt kế hoạch để ra, tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời triển khai các biện pháp, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích hoặc 1 chu kỳ sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển bãi ngang, xây dựng được nhiều mô hình làng văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi lót bạt trên cát
   
   Xây dựng nông thôn mới là cả 1 quá trình lâu dài và thường xuyên, do đó tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn cần nghiên cứu nâng cấp các tiêu chí đã đạt được, các xã còn lại cần tham khảo, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo và mang tính đột phá, nhất là trong việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập572
  • Hôm nay1,511
  • Tháng hiện tại32,060
  • Tổng lượt truy cập9,581,645
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây