Giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư - 29/06/2016 10:39
Theo báo cáo của 52/62 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, tổng số nợ đọng trong xây dựng NTM khoảng 15,212 nghìn tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “NTM thực sự là phong trào của toàn dân”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “NTM thực sự là phong trào của toàn dân”
Đây là một vấn đề lớn cần được xử lý dứt điểm... Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG Xây dựng NTM, chỉ đạo.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 được tổ chức tại Hà Nội sáng 28/6 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
Nợ đọng hơn 15 nghìn tỷ đồng
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đến hết tháng 5/2016, cả nước đã có 1.965 xã (22%) đạt chuẩn NTM (tăng 4,9% so với cuối năm 2015); còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,65%). Bình quân cả nước đạt 13,0 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 và 3,0 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nam đánh giá, tuy đã đạt nhiều thành tựu, song chương trình vẫn còn một số vướng mắc: Sau khi nhập các dự án thuộc các chương trình MTQG thực hiện trước đây vào chương trình MTQG xây dựng NTM thì nhiều nội dung đầu tư trên địa bàn liên xã, ở cấp huyện, tỉnh sẽ không được bố trí vốn của chương trình để tiếp tục thực hiện. Như vậy, đối với những công trình/dự án đang thi công dở dang, chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng đang không có nguồn để tiếp tục triển khai.
Ngoài ra, sau 5 năm thực hiện, đến nay, cả nước có 42,4% số xã đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện ở các địa phương, trong 19 tiêu chí, chất lượng đạt chuẩn tiêu chí môi trường chưa thực sự bền vững và đang là vấn đề bức xúc của xã hội, kể cả đối với những địa phương (huyện, xã) đã được công nhận đạt chuẩn.
“Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương đang là vấn đề lớn, vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của 52/62 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, tổng số nợ đọng (tính đến hết 31/1/2016) khoảng 15.212 tỷ đồng. 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc”, Thứ trưởng Nam nói.
Do đó, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2016 cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM; có 30-35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt huyện NTM; số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống 250 xã... vẫn đang là những thách thức lớn đối với chương trình này.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện các Bộ: Tài chính, KH-ĐT... phân tích thêm, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, thì việc đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm, hoặc chạy theo thành tích của một số địa phương làm cho tình trạng nợ đọng càng thêm trầm trọng. Ngoài ra, tại nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng phê duyệt các dự án vượt khả năng cân đối.
“Nợ đọng, nếu chia cho 10.000 xã, bình quân mỗi xã nợ hơn 1 tỷ, thì quả là con số lớn. Nhiều dự án không nằm trong quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển của địa phương vẫn được quyết định đầu tư…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Trí nói.
Linh động trong xây dựng tiêu chí
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp hợp lý, không nên xử lý “cào bằng”, mà chỉ xử lý những công trình, dự án có tiêu cực, bảo đảm vừa chấn chỉnh được thực trạng này vừa xây dựng NTM hiệu quả.
“Các bộ, ngành liên quan cần tổng hợp và hoàn thiện Dự thảo báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình MTQG xây dựng NTM. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chương trình, nhất là về chất lượng công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM của các địa phương cũng như vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cơ giới hóa giúp tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân

  Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và đã trở thành phong trào thu hút sự tham gia sâu rộng của người dân.
“Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã tạo ra đột phá lớn trong phát triển hạ tầng KT-XH, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát huy được dân chủ, vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền và quan trọng hơn là nâng cao đời sống cư dân nông thôn về vật chất và tinh thần”, Phó Thủ tướng nói.
Thời gian tới, theo Phó Thủ tướng, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi bộ để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình; tập trung rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia NTM cho cả cấp huyện và xã. “
Bộ NN-PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ số lượng các tiêu chí, làm rõ hơn nội hàm của các tiêu chí, nhất là đối với các tiêu chí “mềm” liên quan tới sinh kế, việc làm, thu nhập và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn. Đặc biệt là tăng cường thẩm quyền của cấp tỉnh khi xây dựng chất lượng của các tiêu chí để phù hợp với điều kiện của mỗi vùng miền, mỗi địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương có biện pháp củng cố, phát huy các giá trị đã đạt được để trở thành NTM kiểu mẫu cho các xã khác tham khảo, thực hiện. Ngoài ra là việc rà soát, hướng dẫn bổ sung lại các quy hoạch về SX, dân cư, hạ tầng… phù hợp với quy hoạch của tỉnh, vùng để NTM không phải là phép cộng cơ học của các tiêu chí.
Ngoài ra, định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn 2016-2020 là vừa làm trên diện rộng, nhưng có trọng điểm, tập trung vào những vùng khó khăn như hơn 300 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và hơn 400 xã biên giới, bãi ngang; tiếp tục nâng bình quân số tiêu chí NTM của các xã trên cả nước.
Về cách thức triển khai, Phó Thủ tướng cho rằng người dân phải là chủ thể thực hiện và theo quan điểm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. “Tuyên Quang đã làm theo phương thức này và có hiệu quả rõ rệt: Chỉ sau 5 năm toàn tỉnh đã làm được 2.700 km đường nông thôn. Dân làm không chỉ là đóng tiền, bỏ sức ra, mà quan trọng là tham gia cho ý kiến cả khi lập quy hoạch, chủ trương đầu tư, thiết kế, thi công và giám sát”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Nợ đọng tiền thưởng
Theo Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, việc các xã, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015 nhưng đến nay chưa nhận được tiền thưởng từ ngân sách là phổ biến. “Hiện mới chỉ có 2 huyện đạt chuẩn NTM được nhận thưởng (mỗi huyện 10 tỷ đồng) và 27 xã đạt chuẩn NTM được nhận thưởng (mỗi xã 1 tỷ đồng). Còn lại 521 xã, 27 huyện 6 tháng qua vẫn chưa được nhận thưởng với tổng số tiền hơn 1.480 tỷ đồng”, đại diện Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương thống kê.

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập585
  • Hôm nay1,584
  • Tháng hiện tại32,133
  • Tổng lượt truy cập9,581,718
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây