Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tại Hội nghị. Đến nay, cả nước đã có 1.965 xã (22%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4,9% so với cuối năm 2015; còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,65%). Riêng 6 tháng đầu năm nay, bình quân cả nước đạt 13 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 và 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015.Cả nước đã có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện còn 10 đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét công nhận đạt chuẩn.
Mục tiêu đến hết năm 2016 cả nước phấn đấu có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 30 - 35 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm từ 1-1,2 tiêu chí so với năm 2015. Tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%, giảm số xã dưới 5 tiêu chí xuống 250 xã.
Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu kế hoạch năm 2016 phù hợp với định hướng thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tập trung hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế chính sách để cải thiện một bước về môi trường nông thôn một cách toàn diện.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại một số địa phương, nhất là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng... trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.
Năm 2016, dự kiến cả nước huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng từ các nguồn để thực hiện Chương trình; trong đó, ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỷ đồng.
Kết luận và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và đã trở thành phong trào thu hút sự tham gia sâu rộng của người dân.
“Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã tạo ra đột phá lớn trong phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát huy được dân chủ, vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền và quan trọng hơn là nâng cao đời sống cư dân nông thôn về vật chất và tinh thần”, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình đánh giá.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đưa nội dung thực hiện NTM vào chương trình công tác cho 5 năm tới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi bộ để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình; tập trung rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia NTM cho cả cấp huyện và xã.
Theo đó, Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ Khung khổ của bộ tiêu chí này về số lượng các tiêu chí, làm rõ hơn nội hàm của các tiêu chí, nhất là đối với các tiêu chí “mềm” liên quan tới sinh kế, việc làm, thu nhập và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn.
“Đặc biệt là tăng cường thẩm quyền của cấp tỉnh khi xây dựng chất lượng của các tiêu chí để phù hợp với điều kiện của mỗi vùng miền, mỗi địa phương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Đồng thời, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương có biện pháp củng cố, phát huy các giá trị đã đạt được để trở thành NTM kiểu mẫu cho các xã khác tham khảo, thực hiện. Ngoài ra là việc rà soát, hướng dẫn bổ sung lại các quy hoạch về sản xuất, dân cư, hạ tầng… phù hợp với quy hoạch của tỉnh, vùng để NTM không phải là phép cộng cơ học của các tiêu chí.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT phải hoàn thành thẩm định Chương trình giai đoạn 2016-2020 chậm nhất trong nửa đầu tháng 7/2016 để các Bộ, ngành và các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
“Không để tình trạng có tiền mà không đầu tư được NTM”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ khác cũng phải hoàn thành việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí liên quan trong thời gian này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn 2016-2020 là vừa làm trên diện rộng, nhưng có trọng điểm, tập trung hỗ trợ vào những vùng khó khăn như số xã đạt dưới 5 tiêu chí, hơn 400 xã biên giới, bãi ngang…; tiếp tục nâng bình quân số tiêu chí NTM của các xã trên cả nước.
Nhằm động viên gương điển hình trong xây dựng NTM, Trưởng Ban Chỉ đạo đặt ra yêu cầu tiêu chuẩn thi đua cần phải cao hơn, tập trung vào những tiêu chí liên quan tới sản xuất (tổ chức sản xuất lại nông nghiệp theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng…), văn hóa, an ninh, xã hội, môi trường… Công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh các tập thể cá nhân tiêu biểu cần được làm hàng năm để động viên khuyến khích kịp thời.
Về cách thức triển khai Chương trình trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng người dân phải là chủ thể thực hiện và theo quan điểm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.
“Có những tỉnh như Tuyên Quang đã làm theo phương thức này và có hiệu quả rõ rệt: Chỉ sau 5 năm toàn tỉnh đã làm được 2.700 km đường nông thôn. Dân làm không chỉ là đóng tiền, bỏ sức ra, mà quan trọng là tham gia cho ý kiến cả khi lập quy hoạch, chủ trương đầu tư, thiết kế, thi công và giám sát”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các cơ quan liên quan cần thu hút mạnh mẽ hơn người dân ở khu vực thành thị, doanh nghiệp tham gia đóng góp cho Chương trình.
Không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mớiTheo báo cáo của 52/62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Đồng Nai), tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tính đến hết 31/1/2016 là khoảng 15.212 tỷ đồng.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn của Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết, Nông thôn mới đạt được kết quả như hiện nay là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của các chính quyền địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước còn khó khăn. Việc xem xét, đánh giá chính xác nguyên nhân, nội dung nợ đọng trong xây dựng NTM là rất cần thiết để có giải pháp xử lý, không cản trở phong trào xây dựng NTM.
Đối với việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp hợp lý, không nên xử lý “cào bằng”, mà chỉ xử lý những công trình, dự án có tiêu cực, bảo đảm vừa chấn chỉnh được thực trạng này vừa phát triển được Chương trình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải quyết triệt để và không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới./.