“Điểm tựa của bản làng”
Ông Hồ Văn Láo hướng dẫn người dân chăm sóc cây lúa nước |
Hơn chục năm nay, người dân thôn Tà Mên, xã Ba Nang, huyện Đakrông đã quen với hình ảnh Trưởng thôn Hồ Văn Láo không quản ngại khó khăn vượt suối, băng rừng đến với từng gia đình hướng dẫn cách làm ăn, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Thôn Tà Mên nhờ có vị trưởng thôn tận tụy và nỗ lực của bà con dân bản nên đã thay da đổi thịt từng ngày, người dân có cuộc sống ấm no, yên bình.
Năm 2006, sau khi nghỉ hưu, ông Láo được bầu làm bí thư chi bộ, từ năm 2010 đến nay là đại biểu HĐND xã Ba Nang kiêm trưởng thôn Tà Mên. Tà Mên nằm cách trung tâm xã Ba Nang hơn 10 km, có 90 hộ, hơn 500 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều sinh sống. Đường vào Tà Mên gập ghềnh, nhiều đèo dốc, suối, khe chia cắt, diện tích đất trồng lúa nước ít. Những khó khăn về địa lí cộng với trình độ dân trí còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đây. Trước thực trạng đó, với vai trò là trưởng thôn, ông Láo đã cùng các đoàn thể trong thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đồng thời giữ gìn đoàn kết trong nhân dân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông đã vận động nhân dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, gắn với sản xuất hoa màu, nuôi cá nước ngọt, áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân…
Những việc làm của ông đã được người dân địa phương, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Ông đã nhận được nhiều giấy khen của UBND xã, huyện về các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Năm 2018, ông được UBND tỉnh Quảng Trị bình chọn, tôn vinh trong chương trình “Điểm tựa bản làng”. Bằng tinh thần, trách nhiệm và sự gương mẫu của mình, Trưởng thôn Hồ Văn Láo đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thôn Tà Mên.
Góp phần giữ bình yên nơi biên giới
Đã 8 năm nay, ông Hồ Văn Đô được biết đến là già làng có uy tín và trách nhiệm cao trong đời sống của những người dân xã biên giới A Bung.
Ông Hồ Văn Đô tuyên truyền người dân bảo vệ đường biên cột mốc |
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó khăn thôn La Hót, xã A Bung, ông Đô luôn trăn trở tìm mọi cách để gia đình mình cũng như dân bản thoát nghèo. Nguyên là phó chủ tịch UBND xã A Bung, năm 2006, ông Đô nghỉ hưu và được dân bản tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản La Hót. Suy nghĩ mình phải làm gì để cho dân bản làm theo nhằm cải thiện đời sống, ông tận dụng vùng đất trống của gia đình, mua lưới B40 về khoanh vùng hơn 8 ha để trồng rừng và chăn nuôi. Ban đầu ông đầu tư nuôi lợn gà, dê và vài con bò. Lấy ngắn nuôi dài, ông bán dê, gà lấy vốn để trồng rừng. Hiện nay, ông đã có 6 ha rừng tràm, 12 con bò, 30 con dê và hàng trăm con gà…Mô hình của ông trở thành nơi học tập kinh nghiệm của người dân trong thôn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ông thường đến từng nhà thăm hỏi bà con.
Ngoài câu chuyện về xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn làm kinh tế, ông Đô còn kết hợp vận động người dân chung tay tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh biên giới quốc gia. Giờ đây, người dân xã A Bung nói chung và các thôn tiếp giáp vùng biên giới Việt- Lào nói riêng đã từng bước nâng cao nhận thức về Luật Biên giới, cùng nhau xây dựng đường biên hòa bình, ổn định và phát triển. Thông qua các cuộc hội họp của thôn bản hay dòng họ, ông Đô thường xuyên tuyên truyền về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Ông còn là “trung tâm đoàn kết”, tạo sự đồng thuận trong dân bản cùng chung tay xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc, giữ bình yên nơi vùng biên cương của Tổ quốc.
Người được dân bản tin yêu
Ở thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, ai cũng biết đến ông Hồ Đức Diệp. Dù đã bước qua tuổi 60, ông vẫn còn rất mạnh khỏe, khuôn mặt sáng, nói tiếng Kinh rất lưu loát. Thời trẻ ông có thời gian là bộ đội Biên phòng đóng quân ở đồn Tây Sơn (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay), sau 3 năm thì xuất ngũ, trở về quê làm cán bộ địa chính hơn 10 năm. Nghỉ hưu, ông bắt tay vào làm kinh tế gia đình với mong muốn để bà con trong thôn làm theo. Ban đầu, gia đình ông khai hoang trồng lúa nước với diện tích 3.000 m2 , trồng 5 ha rừng, 4,3 ha các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi trâu, dê. Ngoài ra gia đình ông cùng với 5 hộ khác nhận chăm sóc, bảo vệ 20 ha rừng phòng hộ. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông hơn 120 triệu đồng.
Ông Hồ Đức Diệp vận động người dân phát triển kinh tế gia đình |
Khi nhà nước có chủ trương xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn thôn Kỳ Ne, gia đình ông gương mẫu thực hiện và vận động 21 gia đình khác cùng di dời để tạo mặt bằng, đồng thời đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, nhờ đó thôn Kỳ Ne có được 8,7 ha ruộng nước sản xuất 2 vụ trong năm. Ông còn tận tụy hướng dẫn người dân sản xuất đúng thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung của địa phương, tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn đầu tư vào sản xuất, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Ông cũng là người nỗ lực trong xây dựng khối đại đoàn kết, tham gia giải quyết những vướng mắc từ cơ sở, không để phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, góp phần bảo vệ an ninh biên giới vững chắc.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn