Triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là chương trình OCOP); UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4565/KH-UBND ngày 17/10/2018 để làm cơ sở cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức thực hiện.
Theo số liệu điều tra khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, trong đó có 6 nhóm sản phẩm, gồm: Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược, Vải và may mặc, Lưu niệm, nội thất và trang trí; Dịch vụ du lịch nông thôn và có hơn 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển. Tuy các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh và có thế phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm chưa được xây dựng nhãn hiệu… nên thường gặp hạn chế, khó khăn khi kết nối với thị trường tiêu thụ do đó cần nhiều sự tác động, can thiệp của các cấp chính quyền cũng như chính các chủ thể sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng, phát triển thành sản phẩm OCOP.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, tỉnh có nhiều sản phẩm có lợi thế có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu… Việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm cần được đẩy mạnh nhằm hướng đến sản xuất với quy mô lớn hơn; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành thương hiệu để việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
Và để làm được điều đó thì công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện chương trình OCOP các cấp và các chủ thể sản xuất đóng vai trò quan trọng, là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công của chương trình. Nhận thấy điều đó, Ban điều hành chương trình OCOP tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp – là đơn vị tư vấn và hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình. Qua buổi Hội nghị, đơn vị tư vấn đã giới thiệu về các chuyên đề trong đó đặc biệt chú trọng đến các chu trình triển khai OCOP từ công tác tuyên truyền, hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm, ý tưởng kinh doanh, triển khai kinh doanh đến đánh giá, xếp hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại cũng như các tiêu chí đánh giá sản phẩm, nguyên tắc thực hiện, lợi ích của chủ thể khi tham gia OCOP. Sau khi kết thúc các chuyên đề, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã sôi nổi tham gia thảo luận, đặt ra những câu hỏi cũng như những vấn đề còn chưa rõ để có phương pháp triển khai thực hiện tại địa phương.
Theo kế hoạch, sắp tới Ban điều hành chương trình OCOP tỉnh sẽ tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình nhằm mục tiêu hoàn thiện và nâng cấp, tiêu chuẩn hóa khoảng 40 sản phẩm thế mạnh hiện có, phát triển mới 15 sản phẩm, phát triển 1-2 làng du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa và có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia trong giai đoạn 2019-2020.
Tác giả bài viết: Thùy Vân - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn