Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững

Thứ hai - 20/05/2019 03:36
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, sản xuất nông nghiệp nói chung và lương thực nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị những năm qua đã có bước phát triển theo hướng chuyển dần từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng và giá trị. An ninh lương thực được đảm bảo vững chắc, tốc độ tăng giá trị nông, lâm, ngư nghiệp bình quân tăng khá cao, năm 2018 đạt 5,56%, tăng 3,36% so với năm 2008. Sản xuất nông nghiệp đã tạo việc làm và ổn định đời sống cho dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình phát triển nông nghiệp, việc áp dụng khoa học kĩ thuật đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng công tác phổ biến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chế biến. Nhiều dự án, mô hình nông nghiệp côngnghệ cao lần đầu tiên được triển khai mang lại hiệu quả tích cực. Chẳng hạn như tỉnh kí kết hợp đồng với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phát triển vùng nguyên liệu dứa để xây dựng Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại Quảng Trị, đã trồng được gần 150 ha dứa với màng phủ nilon trên vùng đồi, vùng cát kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa. Kí kết với Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi- Ong biển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đã triển khai được gần 500 ha trong 4 vụ; xây dựng và phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) để thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản, áp dụng công nghệ nhà màng, giá thể đất cát, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân tại vùng cát ven biển. Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Tú và xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh với công nghệ hệ thống nhà lưới, nhà màng để trồng rau màu thủy canh, dưa hấu, dưa lưới với quy mô 4.500 m2 . Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, tỉnh tăng cường hợp tác, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như chấp thuận Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu nông sản PAM (Tập đoàn FLC) thực hiện Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với tổng vốn đầu tư 371 tỉ đồng; phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện mô hình phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp; chấp nhận Công ty ISE-FOOD Nhật Bản đầu tư phát triển ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng;liên kết với Tập đoàn Nafoods để triển khai vùng sản xuất chanh leo xuất khẩu tại Hướng Hóa và hiện đã có những lô hàng chanh leo đầu tiên xuất khẩu…

 

Bên cạnh đó hệ thống cơ sở phục vụ dự tính, dự báo, phát hiện sâu bệnh được đầu tư nâng cấp, đảm bảo phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác điều tra dự tính, dự báo được đào tạo có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã liên tục khảo nghiệm và tìm được nhiều giống cây trồng mới để bổ sung vào cơ cấu bộ giống sản xuất trên địa bàn theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; đẩy mạnh chương trình thụ tinh nhân tạo cho bò; hỗ trợ giống thủy sản; hỗ trợ giá các đối tượng nuôi thủy sản; xây dựng được đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và lực lượng này đang phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là cầu nối giữa các cơ quan quản lí nhà nước về nông nghiệp với người nông dân; là lực lượng nòng cốt làm công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho nông dân ở cơ sở.

 

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, sản xuất nông nghiệp nói chung và việc đảm bảo an ninh lương thực nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được thành quả quan trọng. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phát triển ổn định và khá toàn diện. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong sản xuất đã đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp kĩ thuật mới, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cánh đồng lớn; tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn nhưng vẫn giữ được diện tích trồng lúa hiện có, đảm bảo an ninh lương thực. Công tác xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ các nông sản được tăng cường, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hạn chế cơ bản hiện nay trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống thủy lợi cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hai huyện Hướng Hóa và Đakrông chưa đồng bộ, dẫn đến một số diện tích cây trồng thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, mất cân đối giữa các vùng, miền. Công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản chưa hiện đại, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tạo được nhiều thương hiệu, địa chỉ sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, khả năng cạnh tranh với thị trường còn yếu. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm kết quả chưa cao. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không đủ điều kiện để tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị…

 

Để nông nghiệp phát triển bền vững, trong thời gian tới cần tiếp tục chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ số lượng sang chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh việc ổn định diện tích sản xuất các loại cây trồng chủ lực, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản, tiến tới hình thành vùng sản xuất công nghệ cao, vùng sản xuất hữu cơ, sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến, bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, đáp ứng các mục tiêu xuất khẩu nông sản. Huy động, lồng ghép các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.Ứng dụng các quy trình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, như canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho vùng cát, vùng khô hạn. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao kĩ thuật và quy trình sản xuất mới. Thay đổi phương thức tổ chức sản xuất cho các hợp tác xã theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, bền vững. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác, tìm kiếm thị trường để xuất khẩu nông sản của tỉnh ra các thị trường tiềm năng.Từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập408
  • Hôm nay1,343
  • Tháng hiện tại31,892
  • Tổng lượt truy cập9,581,477
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây