Nông dân Gio Linh thi đua phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 11/04/2018 04:22
5 năm qua, các cấp Hội Nông dân ở huyện Gio Linh đã tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; tìm nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, học nghề. Nhờ vậy, nông dân trong huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới.
Nông dân tìm hiểu các chức năng của máy gặt đập liên hợp trước mùa gặt mới
Nông dân tìm hiểu các chức năng của máy gặt đập liên hợp trước mùa gặt mới

Mấy năm trở lại đây, người dân xã Gio An có thu nhập cao từ loại cây trồng mà trước đây chỉ trồng nhỏ lẻ, phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình, đó là cây nghệ. Ông Lê Quang Phước ở thôn Tân Văn, xã Gio An cho biết, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, cách đây 4 năm gia đình ông đã chuyển đổi những vùng đất trước đây trồng khoai sắn và màu, hiệu quả thấp sang trồng nghệ. Vụ đầu tiên ông trồng thử nghiệm xen canh giữa lô cao su, thấy cho nhiều củ, bán được giá, thu nhập tăng lên rõ rệt. Điều đáng nói là cây nghệ trồng ở đất Gio An cho củ to tròn, chắc, ruột vàng tươi, có mùi thơm nhẹ nên tiêu thụ rất dễ và giá cao hơn thị trường 1 - 2 ngàn đồng/kg. Không dừng lại ở đó, gia đình ông mượn thêm đất rừng cao su của các hộ trong thôn, trồng trên diện tích 4 ha, niên vụ 2017 vừa qua thu hoạch được hơn 60 tấn, thu về gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng. Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết: “Phong trào trồng nghệ vàng đã phát triển mạnh trên địa bàn. Hiện toàn xã có trên 300 hộ tham gia trồng nghệ trên diện tích 120 ha. Mỗi héc ta trồng nghệ thu về trung bình 15 tấn nghệ tươi, có giá trị tương đương hơn 220 triệu đồng. Cùng với việc bán nghệ củ tươi, các hộ gia đình còn đầu tư máy móc, dụng cụ để chế biến tinh bột nghệ, tạo ra sản phẩm rất được khách hàng ưa chuộng, để được lâu, dễ bảo quản và bán với giá cao hơn nghệ củ”.

 

Không chỉ người dân ở các xã vùng gò đồi biết tìm chọn và đưa vào sản xuất, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị cao, cùng với cải hoán, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản, ngư dân các xã vùng biển Gio Linh đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Điển hình như chị Nguyễn Thị Thiếc ở thị trấn Cửa Việt, từ một doanh nghiệp thu mua chế biến sứa đã tận dụng khu nhà xưởng xây dựng mô hình trồng nấm rơm, nấm sò với quy mô 5.000 bịch, đem lại thu nhập khá lớn. Ông Phan Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cửa Việt cho biết: “Việc vận động ngư dân chuyển đổi nghề ban đầu gặp không ít khó khăn nhưng chúng tôi đã có cách làm hay, đó là hỗ trợ kinh phí và tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình thành công nên ngày càng có nhiều hộ tham khảo, học tập, nhân rộng, sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Điều đáng nói hơn là ngư dân đã biết liên kết, thành lập nhóm, tổ hợp tác cùng nhau làm ăn, điển hình như Tổ hợp tác nuôi cá vược lồng với 11 hộ tham gia đã tận dụng lợi thế của địa phương nằm bên cửa biển, dọc theo bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu tổ chức nuôi đạt kết quả cao”.

 

Tùy theo đặc điểm, tình hình của từng nơi, nông dân huyện Gio Linh đã tận dụng lợi thế, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt tìm chọn một số loại cây, con mới đưa vào thử nghiệm thành công. Bên cạnh đó, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, liên kết, cùng nhau góp vốn, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức sản xuất mang tính hàng hóa, xây dựng các mô hình kinh tế có quy mô và hướng đến tạo ra nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp cho hội viên và nông dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp Hội Nông dân huyện Gio Linh đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ. Ngoài việc nhận ủy thác, tín chấp vay vốn các ngân hàng thông qua các tổ tiết kiệm, tổng dư nợ hiện tại gần 160 tỷ đồng cũng như xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 2,5 tỷ đồng, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ các hộ mua máy móc, nông cụ, phân bón trả chậm, xây dựng thương hiệu cho một số loại sản phẩm. Đặc biệt, hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hội nghị đầu bờ, các lớp dạy nghề có nội dung sát với thực tiễn tình hình của địa phương và đáp ứng nhu cầu của người dân như chăm sóc và khai thác mủ cao su, chăm sóc cây tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vi sinh, hữu cơ, sửa chữa tàu thuyền, nuôi bò vỗ béo, nuôi gà an toàn sinh học. Nhờ vậy đã góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện, giảm tỷ lệ hộ nghèo và trên địa bàn có gần 3.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 

Cùng với hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân ở huyện Gio Linh đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới như tuyên truyền, vận động nông dân hiến cây, hiến đất, hiến công trình, góp công, góp tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cũng như chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy ước, hương ước của làng, thôn, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình gương mẫu. Mặt khác, các cấp hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên cũng như đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Gio Linh xác định nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục tuyên truyền, vận động gắn với tư vấn, hỗ trợ, giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, bám sát đề án cơ cấu lại nông nghiệp, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư một số dự án trên lĩnh vực nông nghiệp có quy mô và thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục động viên và hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu, thuyền, ngư lưới cụ, ứng dụng công nghệ mới vào đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và có nhiều đóng góp hơn nữa vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,299
  • Tổng lượt truy cập9,580,884
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây