Ghé thăm nhà ông Hồ An, ông đang cùng bà con trong bản bàn chuyện làm ăn. Ông kể rằng: Trước đây bà con ở đây chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn, nhiều hộ thiếu đói. Thế nhưng hơn 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ năm 2005 khi có Dự án đầu tư mô hình bố trí lại dân cư vùng biên giới, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa người Kinh lên ở xen kẽ với đồng bào Vân Kiều, ông cũng như nhiều hộ khác đã học tập kinh nghiệm của người miền xuôi xây dựng nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, giảm dần lúa rẫy, khai hoang đất bằng làm ruộng nước, mở rộng diện tích cây sắn và các loại cây công nghiệp dài ngày. Từ đó cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình đã khấm khá lên, nhiều hộ đã trở nên giàu có.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, xã đã quy hoạch khu dân cư, quy hoạch đất đai và tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cho đến nay 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia, được dùng nước sạch tự chảy hợp vệ sinh, hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng các thôn bản đều có đường cấp phối, trong đó có hơn 4 km bê tông. Một trong những vấn đề luôn được xã quan tâm đó là tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với lợi thế có quỹ đất dồi dào, tổng diện tích tự nhiên hơn 2900 ha, trong đó đất nông nghiệp gần 2100 ha, trong những năm qua xã có định hướng và tuyên truyền cho người dân làm ăn theo phương thức lấy ngắn nuôi dài để giảm nghèo một cách bền vững.
Cùng với việc mở rộng diện tích lúa nước lên 52 ha, giảm lúa rẫy chỉ còn 32 ha, duy trì diện tích cây ăn quả 35 ha, người dân đã nhận chăm sóc, bảo vệ hơn 60 ha và tập trung phát triển cây sắn nguyên liệu, toàn xã hiện có 569 ha. Bên cạnh đó đã trồng hơn 10 ha hồ tiêu, hơn 50 ha cà phê, bời lời hơn 70 ha và hơn 400 ha cây cao su tiểu điền, trong đó có gần 200 ha đã cho thu hoạch. Mặt khác, tận dụng lợi thế có nhiều đồng cỏ, người dân trong xã đã chú trọng khâu lựa chọn giống, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Hiện tại toàn xã có tổng đàn dê, trâu bò, lợn hơn 900 con, đàn gia cầm hơn 3700 con, diện tích ao cá gần 8 ha. Với hướng đi này, xã A Dơi đã nâng thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao và tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 28%.
Cùng với phát triển kinh tế, xã đã quan tâm đến lĩnh ực văn hóa xã hội, đặc biệt triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Không như trước đây, bây giờ ở A Dơi cơ sở vật chất trường học từ mẫu giáo cho đến Trung học cơ sở đã được xây dựng kiên cố, nhờ vậy sự nghiệp giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Xã đã duy trì phổ cập giáo dục Tiểu học, chống mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ lệ 95%. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao có những chuyển biến tích cực, nhất là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, các hủ tục lạc hậu dần dần được xóa bỏ, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, 8/10 thôn bản đật chuẩn làng văn hóa cấp huyện. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được quan tâm, các chương trình y tế quốc gia thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt đối với A Dơi là một xã biên giới, Đảng ủy, chính quyền luôn tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, kết nghĩa và hỗ trợ giúp đỡ cho các bản thuộc nước bạn Lào cũng như thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, cùng nhau giữ gìn an ninh chính trị khu vực vùng biên.
Điện về thắp sáng vùng cao Tuy nhiên đối với A Dơi do địa bàn rộng, địa hình có nhiều đồi dốc, các bản ở cách nhau quá xa nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông còn gặp không ít khó khăn vì cần phải có nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó thời tiết, khí hậu ở đây còn khắc nghiệt, mặt bằng dân trí còn thấp, nhiều hộ vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, kinh tế phát triển thiếu bền vững.
Theo ông Hồ Văn Ngoai, Bí thư Đảng ủy xã: Đối với một địa phương ở quá cách xa trung tâm huyện mà người dân có được cuộc sống như hôm nay và xã đã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình nỗ lực vượt qua bao khó khăn. Trong những năm tới xã có định hướng tập trung các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tận dụng và khai thác các lợi thế, ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện. Xã và các tổ chức đoàn thể có các biện pháp hỗ trợ về vốn, giống, tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân nhân rộng mô hình đa cây, đa con, xây dựng trang trại, nhất là mở rộng diện tích cây cao su, cà phê, bời lời, cây ăn quả. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. Muốn đạt được điều đó, Đảng ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số.