Không chạy theo phong trào
Thưa ông, trong phiên chất vấn tại Quốc hội mới đây, có ý kiến cho rằng báo cáo của Bộ NNPTNT số liệu lúc nào cũng rất đẹp, nhưng thực chất nội tại của ngành còn nhiều bất ổn, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đề án tái cơ cấu vẫn còn nhiều “nút thắt”, ông nghĩ sao về điều này?
- Trước hết phải khẳng định đề án tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) đang đi đúng hướng. Chúng ta không thể phủ nhận những kết quả mà quá trình TCCNN đã đem lại, đặc biệt là công sức của bà con nông dân khi đã có những đóng góp rất lớn vào tổng sản phẩm của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Con số đóng góp đó đã được tổng hợp, thống kê khá đầy đủ, tôi tin tưởng con số báo cáo đó đã phần nào phản ánh xác thực tình hình ngành nông nghiệp cũng như kết quả mà đề án TCCNN đã thực hiện được.
Biến đổi khí hậu gay gắt đang khiến nông dân nhiều địa phương ở ĐBSCL gặp khó khăn trong sản xuất. Ảnh: I.T
Đương nhiên trong quá trình vận hành cũng có khó khăn chỗ này chỗ khác, ví dụ như sản phẩm làm ra đôi chỗ, đôi lúc còn chậm tiêu thụ, giá bán bấp bênh. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sản lượng tăng quá nhiều trong một thời điểm. Khi một mặt hàng bị dư thừa, thì sẽ dẫn tới câu chuyện được mùa mất giá. Đó cũng là điều dễ hiểu trong cơ chế thị trường hiện nay.
Để hạn chế điều này, việc sản xuất một mặt hàng cụ thể nào đó phải được tính toán, có kế hoạch, có sự tham gia của các cấp, các ngành chứ riêng Bộ NNPTNT không thể làm hết được. Ví dụ, Bộ Công Thương phải vào cuộc, tham gia tìm thị trường tiêu thụ ở đâu, nắm được sắp tới mặt hàng này có thể bán cho ai, nhu cầu của họ là bao nhiêu…
Mặt khác, hơn ai hết, người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì thì cũng phải hiểu, chủ động có kế hoạch sản xuất. Khi ngành chức năng có khuyến cáo, có quy hoạch thì bà con cũng nên chịu khó lắng nghe. Đừng vì thấy nhà hàng xóm trúng mùa trúng giá mà chạy theo, dẫn tới sản xuất ồ ạt thì sẽ không bao giờ hết được cảnh trúng mùa, rớt giá.
Coi trọng liên kết vùng
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quá trình tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm, chưa thích ứng kịp với biến đổi khí hậu và yêu cầu thị trường. Nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp, tính liên kết vùng còn yếu. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Đó cũng chính là những điểm yếu của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay. Tôi cho rằng Bộ NNPTNT và các tiểu vùng, các địa phương phải ngồi lại với nhau tính toán, đánh giá tổng quát xem đã thực hiện liên kết như thế nào.
Ví dụ, Bộ NNPTNT đã đưa ra quy hoạch sản xuất ở các tiểu vùng, nhưng nếu các địa phương trong tiểu vùng không ngồi lại với nhau, không tổ chức liên kết thì sẽ không thành công được. Vùng này sẽ nuôi con gì, trồng cây gì, xây dựng thương hiệu ra sao, thị trường tiêu thụ ở đâu, thời gian nào… đều phải có kịch bản.
Nếu nói giao thẳng trách nhiệm này cho Bộ NNPTNT đơn phương làm thì không thể tái cơ cấu thành công. Người nông dân lúc này phải thay đổi tư duy sản xuất, sẵn sàng thích ứng với quy hoạch, sẵn sàng liên doanh liên kết, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hiện đại, an toàn thì các doanh nghiệp mới dám chấp nhận mạo hiểm, đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông nghiệp.
Đặt trong bối cảnh của tỉnh Cà Mau, biến đổi khí hậu đang diễn ra rất gay gắt, vậy theo ông “chìa khoá” để Cà Mau thực hiện TCCNN là gì?
- Đối với tỉnh Cà Mau, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp, thường xuyên. Những hiện tượng xâm nhập mặn, triều cường dâng cao ngày càng nghiêm trọng. Nông dân Cà Mau cũng đã dần thích ứng với việc sản xuất theo quy hoạch, ví dụ vùng nào thích hợp nuôi tôm, vùng nào thích hợp trồng cây ăn trái…
Mặc dù các kịch bản về biến đổi khí hậu đã có, tuy nhiên khi đưa vào thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến cảnh báo không sâu, không rộng nên một số địa phương vẫn bị thiệt hại. Năng lực quy hoạch để có các giải pháp ứng phó còn yếu. Đơn cử như quy hoạch bà con trồng cây gì, nuôi con gì vào thời điểm nào và quy hoạch về thị trường tiêu thụ... là việc vẫn chưa làm được.
Để có giải pháp TCCNN gắn với biến đổi khí hậu hiệu quả, một mình nông dân không thể làm được mà cần phải có nguồn ngân sách Trung ương, sự vào cuộc khẩn trương của bộ, ngành. Ví dụ, ngăn triều cường dâng lên tấn công vào vùng sản xuất của bà con, hay chống xói lở thì ngân sách tỉnh hiện không thể đảm đương được, muốn làm gì cũng phải có sự hỗ trợ của Trung ương.
Tôi cho rằng, “chìa khoá” quan trọng nhất ở đây chính là nguồn vốn, không có vốn thì làm gì cũng khó.
Xin cảm ơn ông!
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Đưa nông dân tham gia cách mạng khoa học 4.0 Trong 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao, hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả cao hơn, bền vững hơn trong thời gian tới, các sở, ban, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu quả công việc. Tiếp tục quan tâm đào tạo nghề để nông dân chủ động tham gia vào cuộc cách mạng khoa học 4.0, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đình Thắng (ghi) Hội nghị sơ kết 5 năm "Đề án tái cơ cấu nông nghiệp": Sẽ tôn vinh, khen thưởng nông dân Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp vừa có ý kiến đồng ý với nội dung báo cáo và đề nghị của Bộ NNPTNT về tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ dự lễ tôn vinh, khen thưởng nông dân, doanh nghiệp tiêu biểu (ngày 9.11.2018) và chủ trì hội nghị toàn quốc (ngày 10.11.2018). Chí Kiên |
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn