Hộ ông Lê Công Nghĩa, ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành là hộ tham gia thực hiện dự án. Khu vực nuôi cá có diện tích 5.000 m2 được xây dựng đầy đủ các hạng mục phục vụ nuôi cá như hệ thống bể xi măng nuôi cá trong nhà và ngoài trời, nhà nuôi giun quế, ao đất nuôi cá sinh sản, ao chứa nước thải, nhà kho, nhà quản lí, hệ thống đường đi, sân bãi, khu vực trồng cây xanh tạo môi trường thoáng mát. Người tham gia mô hình được đi tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi cá ở các tỉnh phía Nam nên nắm khá kĩ kĩ thuật nuôi cá lóc. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, do chưa tự sản xuất được cá giống tại chỗ nên trong vụ nuôi đầu tiên, ông Nghĩa phải mua cá giống từ miền Nam về thả nuôi với số lượng 4 vạn con. Thời gian đầu, cá được cho ăn giun quế. Khi cá thả được 20 ngày trở đi thì cho cá ăn các nguồn thức hỗn hợp như cá tạp băm nhỏ, thức ăn công nghiệp dành cho nuôi cá lóc… Trong quá trình nuôi, ông Nghĩa tuân thủ đúng các quy trình kĩ thuật như chọn thức ăn cho cá đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, không cho cá ăn thức ăn ôi thối, cho ăn vừa đủ để cá không ăn lẫn nhau, cách phòng chống các loại bệnh trên cá, thay nước hằng ngày từ 1- 2 lần… Sau 4 tháng nuôi, hộ ông Nghĩa thu hoạch 14,8 tấn cá lóc thương phẩm, trọng lượng mỗi con từ 0,3- 0,4 kg, sản phẩm cá sạch, an toàn sinh học đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cá bán với giá 50.000 đồng/kg, ông Nghĩa thu về 740 triệu đồng.
Với 1 kg cá bán lãi khoảng 15.000 đồng, nếu tính cả vốn đầu tư cố định ban đầu và lưu động (710,6 triệu đồng) thì chỉ trong vụ nuôi đầu tiên này, gia đình ông Nghĩa lãi gần 29,4 triệu đồng. Nhưng nếu khấu hao chi phí cố định dần dần thì ông Nghĩa thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Kết quả ban đầu của dự án nuôi cá lóc đầu nhím tại hộ ông Nghĩa khẳng định được tính thích nghi cao của mô hình nuôi cá nước ngọt này, cho thấy khả năng nhân rộng mô hình này là rất tốt do mô hình mang lại hiệu quả về nhiều mặt, cả kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian tới, ông Nghĩa sẽ nuôi cá lóc sinh sản để chủ động nguồn giống tại chỗ, giảm giá thành sản xuất, có thể cung cấp cá giống cho các hộ nuôi khác trong tỉnh khi nhân rộng mô hình.
Sản phẩm cá lóc đầu nhím thương phẩm nuôi tại xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh được thị trường trong tỉnh tiêu thụ khá tốt, thương lái thu mua tận nơi. Cá được nuôi với nguồn thức ăn có kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh đầy đủ nên chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Vĩnh Linh Võ Văn Trà cho biết: “Từ kết quả thử nghiệm ban đầu, thời gian tới sẽ mở rộng mô hình nuôi cá lóc đầu nhím trong bể xi măng. Việc mở rộng quy mô nuôi cá theo mô hình thâm canh này sẽ tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời hình thành được nghề nuôi mới trong nuôi trồng thủy sản của địa phương, đặc biệt là nuôi được trên nhiều địa hình khác nhau, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề vùng nông thôn, nhất là thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện”.
Mô hình nuôi cá lóc đầu nhím tại hộ ông Nghĩa còn khẳng định trình độ ứng dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kĩ thuật vào nuôi cá thâm canh của nông dân hiện nay đã được nâng cao. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã tuân thủ đúng quy trình từ công đoạn vệ sinh ao nuôi, chọn giống đến chăm sóc, phòng bệnh… Đồng thời đã năng động tìm kiếm con nuôi mới nhằm làm phong phú loài nuôi thủy sản trên địa bàn đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Mở rộng nuôi cá nước ngọt theo hình thức thâm canh trong bể xi măng giúp kiểm soát tốt môi trường nuôi, tạo thành chu trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo bảo vệ môi trường tốt trong quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như góp phần nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.