Qua 10 năm thực hiện cho thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ làm cho chị em thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiết kiệm mà còn tạo thành nguồn quỹ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt giúp nhau vốn để sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Chị Hồ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Rụt chia sẻ với chúng tôi rằng: Lâu nay chị em người đồng bào dân tộc thiểu số ở trong địa phương chưa biết đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Nhiều người không làm ra tiền, và có một số chị khi có tiền cũng chưa biết tiết kiệm.
Sau khi tiếp thu về cách thức tổ chức mô hình này và được huyện chọn là 1 trong những xã làm điểm, chúng tôi đã tổ chức các buổi sinh hoạt, phổ biến và tuyên truyền, vận động chị em tham gia. Từ chổ chỉ có vài chục người hướng ứng, đến nay toàn xã đã hình thành 56 nhóm tiết kiệm 100% hội viên tham gia với hơn 1.000 thành viên. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các nhóm lựa chọn những người có khả năng, trình độ, thành lập Ban quản lý. Mỗi tháng nhóm tổ chức sinh hoạt 2 lần, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, mỗi hội viên đóng góp tiền tiết kiệm, số quỹ thu được dùng để quay vòng, cho vay với lãi suất ưu đãi. Với số tiền tiết kiệm là 564 triệu đồng, trong những năm qua đã giải ngân cho hàng trăm lượt thành viên vay làm ăn. Chị Hồ Thị Hơn, 1 trong những người được vay nguồn vốn này cho hay: Trước đây cả gia đình không biết tiết kiệm, làm ra đồng nào tiêu hết đồng nấy, nay nghe Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, chị tham gia nhóm và mỗi tháng cố gắng tiết kiệm 20.000 đồng. Năm 2015, chị vay 30 triệu đồng mua 2 con bò nái và nuôi thêm gà thả vườn cộng thêm thu nhập từ trồng 1,5 sào lúa và 5 sào sắn, đến nay đã thoát nghèo.
Mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản ở Đakrông được triển khai từ năm 2009 ở 7 xã đầu tiên gồm A Bung, Mò Ó, A Ngo, Tà Rụt, Hướng Hiệp, Tà Long, Đakrông. Quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ, đến nay sau 10 năm đã nhân rộng ở 14/14 xã, thị trấn, thành lập được 289 nhóm tiết kiệm với gần 4.100 thành viên tham gia, tổng số vốn huy động được hơn 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tư vấn, hướng dẫn cách quản lý vốn và mở các lớp tập huấn kỹ thuật cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Plan xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững. Chị em đã vay nguồn quỹ này, sử dụng đúng mục đích, đầu tư trồng rừng, trồng rau, mở rộng diện tích trồng sắn, trồng chuối, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, kết quả có 623 hộ phụ nữ thoát nghèo.
Ngoài ra nguồn quỹ này còn dành vào việc thăm hỏi, động viên các thành viên khi ốm đau, gặp hoạn nạn. Chị Lê Thị Lệ Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đakrông cho biết: Thông qua mô hình cho thấy, đây cũng là 1 kênh tín dụng ưu đãi, đáp ứng một phần nhu cầu về vốn vay của phụ nữ. Hơn thế nữa, giúp cho chị em có thói quen tiết kiệm, biết tính toán trong chi tiêu và góp phần gắn kết, thắt chặt hơn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Do vậy, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng trên địa bàn, phấn đấu có 100% chi hội có mô hình này và 100% hội viên tham gia tiết kiệm. Đồng thời, củng cố, kiện toàn các Ban quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm tiết kiệm, làm tốt công tác giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành viên. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ các chương trình, dự án, nhất là Tổ chức Plan, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, giúp cho phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và có sinh kế bền vững.