Là một xã bán sơn địa, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, nhiều năm qua cùng với phong trào hoạt động của địa phương, Hội Phụ nữ xã Hải Lệ đã vận động, khuyến khích hội viên phụ nữ xây dựng nhiều mô hình kinh tế bằng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Chăn nuôi lợn, nuôi hươu lấy nhung, trồng nghệ, trồng cây ăn quả, nuôi cá và nuôi gà thương phẩm... Từ việc phát triển mô hình kinh tế đã giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Chị Nguyễn Thị Hà, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Tích Tường cho biết, được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã và thị xã, gia đình chị đã triển khai mô hình nuôi hươu lấy nhung. Nhờ dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn như lá cây, cỏ, phụ phẩm hoa màu các loại rất có sẵn ở địa phương nên hươu phát triển tốt. Hiện nay trong chuồng nuôi của gia đình chị luôn có từ 7 - 8 con hươu, hằng năm xuất bán hàng chục cặp nhung hươu mang lại thu nhập cao cho gia đình. Nhờ đàn hươu mà gia đình chị có thu nhập ổn định, các con được học hành chu đáo.
Theo Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Lệ Phan Thị Hà, qua thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn xã đã có 26 hộ nuôi hươu lấy nhung với tổng số 75 con. Bên cạnh đó còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt của chị em phụ nữ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong đó nổi bật là mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gà thương phẩm, vịt đàn, trồng chè, trồng nghệ..., nhiều mô hình mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Để hỗ trợ chị em hội viên, Hội Phụ nữ xã còn chủ động nắm bắt tình hình biến động về giá cả, cũng như nhu cầu thị trường tiêu thụ để khuyến khích vận động chị em đưa vào chăn nuôi và trồng trọt những loại cây, con mang tính bền vững. Ngoài việc phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, trang trại, Hội Phụ nữ xã còn vận động thành lập các tổ tiết kiệm như nuôi heo đất, hủ gạo tình thương... giúp các chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống bằng cách cho mượn tiền không lấy lãi để chăn nuôi quay vòng.
Nhằm phát huy nội lực, tạo nguồn vốn tại chỗ, thời gian qua, Hội LHPN thị xã Quảng Trị đã chú trọng việc thành lập các tổ tiết kiệm tín dụng để giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn thị xã đã xây dựng được gần 50 mô hình kinh tế của phụ nữ, thu hút hàng trăm lao động tham gia. Trong đó hiệu quả nhất là mô hình trồng nghệ, gừng nguyên liệu; trồng rau sạch; nuôi gà thương phẩm; kinh doanh dịch vụ; sản xuất khuôn đậu, làm bún phở... Trung bình mỗi mô hình kinh tế đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ và con em phụ nữ trên địa bàn. Ngoài ra còn hỗ trợ hội viên phụ nữ thông qua các hình thức trao con giống, các phương tiện sinh kế, tập huấn nâng cao kiến thức, tín chấp cho vay vốn… Bằng việc giúp chị em hội viên phát triển kinh tế gia đình nên năm 2018 toàn thị xã đã có 29 hộ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, 6 tháng đầu năm 2019 có 15 hộ thoát nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN thị xã Quảng Trị Lê Thị Kim Hoa chia sẻ: “Hằng năm chúng tôi đều cùng nhau đánh giá lại những kết quả làm được và chưa được trong chương trình phát triển kinh tế và giúp nhau xóa đói giảm nghèo của toàn Thị hội. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục xây dựng các phương án hỗ trợ và duy trì phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mô hình nào không hiệu quả thì chúng tôi sẽ xóa bỏ và thay vào mô hình khác phù hợp hơn. Hiện tại, ngoài các mô hình kinh tế nông nghiệp ở các xã Hải Lệ, phường An Đôn, chúng tôi đang mở rộng và xây dựng thêm một số mô hình phi nông nghiệp như làm bánh kẹo, sản xuất bún phở và các cơ sở kinh doanh. Tất cả các mô hình kinh tế, các cơ sở sản xuất... đều có trách nhiệm tương tác với nhau trong quá trình sản xuất, như tạo công ăn việc làm cho chị em và con em các hộ phụ nữ nghèo, hỗ trợ nhau nguồn vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ để kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã. Phát huy hiệu quả thiết thực của các mô hình tổ tiết kiệm tín dụng trong việc giúp chị em phụ nữ nghèo có đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình. Thông qua mô hình tổ tiết kiệm tín dụng của Hội LHPN thị xã đã giúp chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và ổn định cuộc sống. Đây cũng là động lực thu hút thêm chị em tham gia vào hội và ngày càng gắn bó với hội nhiều hơn”.
Thông qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN thị xã đã bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của hội viên, phụ nữ; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác liên kết phát triển sản xuất; tiếp cận với các tiến bộ khoa học kĩ thuật, các nguồn vốn đầu tư, cập nhật các thông tin, chính sách, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… “Hội LHPN thị xã đề ra mục tiêu là cố gắng duy trì để khi các hộ phụ nữ đã thoát nghèo thì phải thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng thị xã Quảng Trị ngày càng giàu đẹp”, chị Lê Thị Kim Hoa khẳng định.
Nguồn tin: ubmttqvn.quangtri.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn