Từ bỏ công việc tương đối ổn định tại Sài Gòn, hai vợ chồng anh Vũ Văn Bắc (sinh năm 1983) và chị Trương Thị Thanh Tâm (sinh năm 1984) quyết định về quê tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ để khởi nghiệp lần nữa bằng cách chăn nuôi gà Cùa. Trải qua bao nhiêu khó khăn, giờ đây anh chị đã xây dựng cho mình một trang trại gà quy mô lớn, góp phần mang thương hiệu gà Cùa của địa phương vươn xa trên thị trường.
Vợ chồng anh Bắc cưới nhau từ năm 2009. Khi ấy, anh vẫn còn là tổ trưởng của một nhà máy sợi tại Sài Gòn và chị Tâm là nhân viên kiểm hàng tại công ty xe hơi. Thế nhưng 3 năm sau đó, vì lí do sức khỏe không cho phép anh Bắc tiếp tục làm việc tại nhà máy sợi, gia đình nhỏ của anh chị phải chuyển về quê. Vợ chồng anh chị đã từng có một thời gian ngắn sống tại Nam Định, tuy nhiên cuộc sống lúc ấy thật sự bấp bênh, cả hai anh chị đều thất nghiệp, những khoản tiền ít ỏi anh Bắc kiếm được không đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình và việc học hành của con. Năm 2013, sau nhiều lần bàn bạc, suy tính, vợ chồng anh Bắc quyết định trở về quê ngoại – vùng đất Cam Chính để khởi nghiệp, xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài.
Những ngày mới chuyển về sống tại Cam Chính, huyện Cam Lộ với gia đình chị Tâm mà nói là những ngày khó khăn chồng chất khó khăn. Nhớ lại quãng thời gian đó, chị Tâm cho biết: “Hai vợ chồng tôi xác định lập nghiệp lại ở quê là việc không đơn giản nhưng cũng chẳng thể ngờ nó lại đến như vất vả đến thế. Mọi thứ bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Bây giờ nhiều đêm nghĩ lại vẫn rớt nước mắt”.
Lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, với tiền vốn ít ỏi chắt chiu từ ngày còn làm công nhân ở Sài Gòn, vợ chồng anh chị đã thử chăn nuôi nhiều con giống như gà, ngan, vịt, bò,…; trồng trọt các loại nông sản như cà rốt, bắp cải, rau muống,… để so sánh hiệu quả kinh tế. Sau cùng nhận thấy năng suất và giá trị kinh tế cao mà gà Cùa mang lại, vợ chồng anh Bắc đã tập trung đầu tư chăn nuôi gà Cùa với số lượng lớn. Anh chị dồn tiền để mua lứa gà đầu tiên với 150 con. Thế nhưng, nuôi một vài con gà thì dễ, nuôi cả đàn gà mấy trăm con thì hoàn toàn không dễ chút nào, đặc biệt là với những người “tay ngang” như anh Bắc, chị Tâm. Thiếu kinh nghiệm, kiến thức trong chăn nuôi gà là khó khăn lớn nhất của vợ chồng anh chị. Do đó số lượng gà ban đầu anh chị nuôi không bán được với giá cao, kém phát triển, chết nhiều khiến năm đó vợ chồng anh Bắc thua lỗ.
Không nản chí trước khó khăn, để có thể nuôi lứa gà mới chất lượng hơn, đạt năng suất cao hơn anh Bắc đã không ngừng học tập kiến thức chăn nuôi từ sách vở, đài báo. Anh còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, học tập kinh nghiệm từ các hộ gia đình nuôi gà thành công trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, vợ chồng chị Tâm đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách, thuê mảnh đất rộng chừng 0,5 hecta của xã để làm trang trại, đầu tư con giống. Từ những điều học được, anh Bắc thay đổi cách chăn nuôi, xây dựng chuồng trại quy mô, có hệ thống lọc nước tự động cho gà, chọn lọc nguồn thức ăn chất lượng, xay nhuyễn cỏ, bắp chuối, ngô, khoai, sắn cho gà ăn. Thay dép tại các hố vôi khi vào chuồng để ngăn chặn bệnh dịch cho gà. Nhờ thế mà gà trong trang trại của gia đình anh Bắc luôn khỏe mạnh và đảm bảo an toàn, chất lượng.
Hiện tại, từ số lượng gà ban đầu là 100 con, trang trại của vợ chồng anh Bắc đã nuôi được 2.500 con gà, giống gà Cùa 100%. Mỗi lứa gà được nuôi trong khoảng 4 tháng là có thể đem bán ra thị trường với giá là 80 nghìn đồng/kg. Nhờ việc chăn thả khoa học, nuôi bằng nguồn nước, thức ăn sạch, thịt gà của trang trại vợ chồng anh Bắc rất chắc thịt và thơm ngon, đảm bảo an toàn, được thị trường đón nhận. Thông qua quen biết, mạng xã hội Facebook và các mô hình liên kết sản xuất, thịt gà của trang trại anh Bắc giờ đây đã là thực phẩm được rất nhiều người ở khắp nơi biết đến. Không chỉ thị trường Cam Lộ, Đông Hà mà còn nhiều nơi khác như Lao Bảo, Đà Nẵng,… cũng đặt mua gà của trang trại anh chị. Từ hai bàn tay trắng, trải qua biết bao khó khăn, giờ đây, thu nhập của anh chị mỗi năm xấp xỉ 200 triệu đồng. Anh Bắc cho biết những dự định trong tương lai của mình: “Chúng tôi mong muốn được sản xuất và duy trì giống gà Cùa của địa phương, cung cấp cho hợp tác xã và mang ra những thị trường rộng lớn hơn”.