Hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá lồng

Chủ nhật - 01/12/2019 20:01
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng thế mạnh có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Ô Lâu, Ô Giang… có chất lượng nước tốt và tốc độ dòng chảy thuận lợi, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng trên sông đã được huyện Hải Lăng tập trung đầu tư, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình này đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Phát triển nghề nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ dân ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng vươn lên khá giả​
Phát triển nghề nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ dân ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng vươn lên khá giả​
 Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, anh Phạm Văn Thiện ở thôn Văn Trị, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng cho biết: “Tất cả là nhờ nuôi cá lồng cả đấy. Mấy năm nay thời tiết tương đối ổn định nên cá phát triển tốt, đặc biệt là cá chình, cá leo vừa được mùa, vừa được giá nên chúng tôi có nguồn thu nhập khá, thoát khỏi cảnh ngụp lặn trên sông bắt tôm, bắt cá như trước đây”. Hiện anh có tổng cộng 5 lồng nuôi cá trên sông với các đối tượng nuôi chính là cá chình, cá leo và cá trắm cỏ. Theo anh Thiện, với 2 lồng nuôi cá chình có thể tích 13 m3 mỗi lồng, mỗi lồng thả nuôi hơn 300 con cá chình giống kích cỡ 5 - 6 con/ kg. Nếu nuôi tốt, bình quân một năm cá đạt trọng lượng từ 1 - 1,2 kg/con. Hiện nay mỗi lồng nuôi cá chình của anh hằng năm cho thu hoạch từ 1 - 1,2 tạ cá, với giá bán hiện nay khoảng 500.000 đồng/kg thì mỗi năm từ 2 lồng nuôi cá chình đã mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 100 - 120 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thả nuôi thêm 3 lồng cá leo và cá trắm cỏ, hằng năm mang về cho gia đình từ 10 - 15 triệu đồng mỗi lồng. “Với cá trắm cỏ và cá leo do có thời gian nuôi ngắn hơn nên khi cá đạt kích cỡ tôi thường thu hoạch toàn bộ lồng. Riêng đối với cá chình, để đạt hiệu quả cao nhất tôi không thu hoạch đồng loạt mà áp dụng phương thức thu tỉa thả bù. Theo đó, hằng năm chỉ thu hoạch những cá thể đạt kích cở từ 1,5 kg trở lên, đồng thời thả thêm cá giống để nuôi tiếp”, anh Thiện cho hay.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tân Nguyễn Khánh Tặng, tận dụng mặt nước trong sạch của các con sông Ô Giang và Ô Lâu, nhiều năm qua người dân trên địa bàn xã đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông. Hiện tại toàn xã có hàng chục hộ tham gia nuôi cá lồng với tổng số 94 lồng nuôi cá, trong đó có 53 lồng nuôi cá chình, 11 lồng nuôi cá leo, còn là cá trắm cỏ. Trung bình mỗi lồng thả nuôi từ 200 - 400 con. Theo ông Tặng, bình quân mỗi lồng nuôi cá chình sau từ 1,5 - 2 năm nuôi có thể mang lại thu nhập hơn 120 triệu đồng, trừ chi phí người nuôi lãi ròng hơn 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, một số hộ nuôi còn đưa vào nuôi cá leo. Đây là đối tượng nuôi mới, có thời gian sinh trưởng ngắn, sau 2 - 3 tháng nuôi có thể đạt kích cỡ 0,6 - 1 kg/con. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lồng nuôi cá leo có thể mang lại lợi nhuận hơn 11 triệu đồng. Để hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng trên sông, UBND xã Hải Tân đã có chính sách hỗ trợ với kinh phí 2 triệu đồng đối với lồng nuôi làm bằng kim loại và 1 triệu đồng đối với lồng bằng khung sắt bọc lưới. “Việc phát triển nuôi cá lồng đã giúp hàng chục hộ chuyên sống bằng nghề sông nước thoát được cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống. Có hộ gia đình thu nhập từ nuôi cá lồng mỗi năm hơn 100 triệu đồng”, ông Tặng khẳng định.
 
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẫm, do là vùng trũng, có nhiều sông, hồ nên huyện Hải Lăng đã xác định chủ trương phát triển nghề nuôi cá lồng là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện của đa số các hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Thời gian qua, để thúc đẩy phong trào nuôi cá lồng, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của người dân, huyện đã có các chính sách ưu đãi như hỗ trợ chi phí làm lồng, con giống, thức ăn, tập huấn kĩ thuật… Qua đó, góp phần mở rộng diện tích nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT, đến nay toàn huyện Hải Lăng đã có hơn 200 lồng nuôi cá với các đối tượng nuôi có giá trị cao như cá chình, cá leo, cá trắm cỏ, cá trê lai… tập trung chủ yếu ở các xã Hải Tân, Hải Chánh, Hải Trường, Hải Sơn và Hải Lâm. Không chỉ nuôi cá lồng trên sông, một số hộ dân còn tận dụng các hồ chứa nước để phát triển mô hình nuôi cá lồng. Thông qua các mô hình nuôi cá lồng đã giúp cho nhiều hộ dân bao đời nay sinh sống bằng nghề chài lưới thoát nghèo và vươn lên khá giả. Đặc biệt là tránh được việc người dân dùng xung điện để đánh bắt cá, qua đó bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường ở địa phương.
 
Tuy nhiên, theo ông Trẫm, mặc dù được cho là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp và mang giá trị cao cho người dân, song để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, cũng như việc mở rộng quy mô cá lồng cá hiện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Nguyên nhân là do các hộ nuôi chưa nắm bắt đầy đủ các yêu cầu kĩ thuật về lựa chọn con giống, mật độ nuôi cá thích hợp, cách phòng trị bệnh thường gặp ở cá lồng; lượng thức ăn dư thừa, chất thải của cá làm ô nhiễm môi trường nước; chưa có biện pháp xử lí cá bị chết làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng; tình hình mưa lũ thất thường; một số hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất lại gặp khó về vốn do chi phí đầu tư ban đầu cho các lồng cá khá cao…
 
Ông Trẫm cho biết, trong thời gian tới, huyện Hải Lăng tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển mô hình nuôi cá lồng ở những nơi có điều kiện phù hợp. Đồng thời tổ chức tập huấn, bổ sung các kiến thức, tiến bộ kĩ thuật, giống cá mới… cho các hộ nông dân đảm bảo duy trì ổn định số lượng và chất lượng lồng cá; gắn phát triển nuôi cá lồng với liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cá lồng trên sông, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc quản lí nguồn thức ăn, hóa chất và thuốc phòng trị bệnh, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá lồng tập trung; tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, thông tin thị trường để việc nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá lồng nói riêng phát triển bền vững. “Trong điều kiện ngành chăn nuôi đang chịu ảnh hưởng khá lớn của dịch tả lợn Châu Phi như hiện nay thì việc phát triển các mô hình nuôi cá lồng là một hướng đi mới hiệu quả cho người dân; đồng thời nâng cao giá trị thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương”, ông Trẫm cho hay.


   
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay4,153
  • Tháng hiện tại35,659
  • Tổng lượt truy cập9,585,244
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây