Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 291 HTX nông nghiệp và 01 LHHTX nông nghiệp, trong đó có 58% HTX xếp loại khá, tốt. Doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/năm/HTX. Có 12 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP với tổng số 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm công nhận 4 sao và 9 sản phẩm công nhận 3 sao; Có 56 HTX tham gia thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và đưa lại hiệu quả kinh tế, nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như: hồ tiêu, cà phê, sản xuất rau củ quả công nghệ cao, cao dược liệu, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, canh tác lúa theo hướng tự nhiên... Các hợp tác xã này tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, chú trọng chuẩn hóa sản phẩm để tiến tới xây dựng và tham gia vào chương trình OCOP.
Cùng với đó, ngày càng có nhiều hợp tác xã liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã thực hiện thành công và mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho thành viên, điển hình như: Mô hình liên kết chanh leo giữa HTX Tây Vĩnh Thủy và Công ty Nafoods Tây Bắc với tổng diện tích tham gia liên kết là 80 ha, trong đó HTX có 18 ha và đầu mối thu gom, phân loại, sơ chế sản phẩm chanh leo với các HTX, THT và các hộ trồng trên địa bàn toàn tỉnh thêm gần 70 ha; Mô hình liên kết của HTX Thiên Hưng với Công ty TNHH Thức ăn Chăn nuôi GOLDEN STAR chăn nuôi gà thịt thương phẩm quy mô 15.000 con/lứa; Trong lĩnh vực liên kết gỗ rừng trồng có: Mô hình liên kết của HTX Hà Xá với LM HTX tỉnh Thừa Thiên Huế tiêu thụ gỗ rừng trồng tiêu chuẩn VNFC quy mô 400 ha; mô hình liên kết của HTX Phú Hưng với Công ty Scancia Pacific tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với quy mô 170 ha; Mô hình liên kết gạo sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong có chứng nhận hữu cơ với Công ty Vitamart Đà Nẵng và Tổng công ty cổ phần Công ty Thương mại Quảng Trị với tổng diện tích sản xuất lúa canh tác tự nhiên của HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu phong là 52 ha, trong đó có 11 ha được chứng nhận hữu cơ. Hiện nay HTX tham gia liên kết với công ty Vita Mart Đà Nẵng là 15 ha/năm và Tổng công ty cổ phần Công ty Thương mại Quảng Trị là 10 ha/năm, sản lượng lúa còn lại được HTX xay xát, đóng gói và bán ra thị trường thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các đại lý trên toàn quốc…
Mặc dù hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về chất và lượng, nâng cao thu nhập cho thành viên, tạo việc làm ổn định cho người dân, khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tuy nhiên trong quá trình phát triển, các hợp tác xã vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Nhận thức của một số bộ phận cán bộ và nhân dân về bản chất của HTX kiểu mới chưa thấu đáo, chưa hiểu đúng về bản chất của Luật HTX năm 2012 nên công tác triển khai thực hiện chưa triệt để và chưa thực sự đem lại hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của hợp tác xã còn hạn chế, lợi nhuận thấp, lợi ích mang lại cho thành viên còn ít. Việc xây dựng liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau trên cùng 01 địa bàn và với doanh nghiệp để mua chung một dịch vụ đầu vào và cùng nhau đàm phán ký kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ chưa thông thoáng và khó áp dụng vào thực tiễn như: chính sách tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị trong hàng hóa… Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn hợp tác liên doanh - liên kết với HTXNN để sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn, đặc biệt là nâng cao hơn nữa vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bản chất, nguyên tắc và giá trị mô hình HTX kiểu mới, tạo được môi trường tâm lý thuận lợi cho sự phát triển hợp tác xã, vận động thành lập mới HTX, thu hút thêm thành viên; Củng cố và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng và tăng cường củng cố các hợp tác xã, lấy hợp tác xã làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển cây con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP thông qua vai trò của hợp tác xã. Tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và nước ngoài hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh về đất đai, tín dụng nhằm tạo điều mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã; khuyến khích các hợp tác xã xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng cửa hàng tiện ích, điểm bán bán sản phẩm… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã; Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng hợp tác xã tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hàng nông sản của tỉnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội chợ xúc tiên thương mại để tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và có cơ hội để gặp gỡ, kết nối.