Kinh nghiệm cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn tại Vĩnh Linh

Thứ tư - 06/11/2019 02:43
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với những địa phương mà nguồn thu của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, huyện Vĩnh Linh đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển sản xuất.
Cao su được xác định là một trong những cây công nghiệp chủ lực của huyện Vĩnh Linh​
Cao su được xác định là một trong những cây công nghiệp chủ lực của huyện Vĩnh Linh​
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, huyện Vĩnh Linh đã ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào nông, lâm, ngư nghiệp; đưa cơ giới vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Thực hiện bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và phù hợp với điều kiện của từng vùng.
 
Cùng với đó, huyện cũng quan tâm xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại 26 HTX trên địa bàn với diện tích lên đến trên 800 ha. Đã hình thành các vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích 3.400 ha nhằm đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu thị trường. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh, thâm canh, khai thác tiềm năng đất đai và lợi thế vùng. Hình thành vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung, phát triển khá ổn định với các loại cây chủ lực như cây cao su, hồ tiêu.
 
Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh đã trồng được 6.582 ha cao su (tăng 716 ha so với năm 2010) và diện tích hồ tiêu đạt 1.300 ha (tăng 450 ha so với năm 2010). Ngoài ra, nhiều loại cây thực phẩm truyền thống như từ, tía, sắn dây, đậu xanh, ném, lạc… cũng được địa phương mở rộng diện tích và chuyển dần sang sản xuất chuyên canh, thâm canh cao nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
 
Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, huyện Vĩnh Linh còn đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ như mô hình trồng dưa, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500 m2 tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tú. Xây dựng mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh với quy mô trên 1.300m2 tại xã Vĩnh Trung. Cùng với đó, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khá cao như ổi, chanh leo, vải thiều, thanh long ruột đỏ… cũng được chú trọng phát triển tại xã Vĩnh Thủy; xây dựng các vườn trồng chuyên canh tập trung cây ăn quả có múi tại các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy và thị trấn Bến Quan với tổng diện tích trên 80 ha… Bên cạnh chuyển đổi, phát triển về trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng được huyện duy trì về số lượng và tăng chất lượng đàn.
 
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu con nuôi, địa phương khuyến khích người dân đầu tư quy trình kĩ thuật công nghệ tiên tiến. Ứng dụng kĩ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi như chọn giống, sử dụng thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 46 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản được cấp phép đạt tiêu chí theo thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT với thu nhập bình quân đạt 1,2 tỉ đồng/trang trại/năm.
 
Trong phát triển thủy sản, huyện đã khuyến khích nuôi trồng thủy sản đa dạng, theo quy hoạch, phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường. Đồng thời tăng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi thâm canh và nuôi công nghiệp đối với tôm thẻ chân trắng; nuôi thâm canh và bán thâm canh đối với tôm sú, đầu tư mở rộng diện tích các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn… Đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, địa phương đã đưa vào nhiều đối tượng nuôi mới như cá chình, cá diêu hồng, cá rô đầu vuông, lươn. Chuyển đổi một số vùng nuôi cá nhỏ lẻ kém hiệu quả sang nuôi thủy sản tập trung, nuôi kết hợp mô hình cá lúa, cá lợn…Diện tích nuôi trồng thủy sản tại địa phương tăng từ 717 ha (năm 2010) lên 768 ha trong năm 2019.
 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản địa phương tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, huyện Vĩnh Linh chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản chủ lực. Trong thời gian gần đây, đã xây dựng được 8 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như: Ném Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, đậu xanh Vĩnh Giang, thanh long Vĩnh Thủy... Bên cạnh đó, địa phương còn hợp tác với các công ty, siêu thị, doanh nghiệp dịch vụ thương mại bao tiêu sản phẩm giúp ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Tập trung chỉ đạo các HTX , các vùng sản xuất thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP cho nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện.
 
Nhờ vậy, nhiều sản phẩm của huyện Vĩnh Linh có đủ các điều kiện để đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, công ty thương mại trên toàn quốc. Để hỗ trợ các thành viên tham gia sản xuất hiệu quả, có kết nối và hợp tác hỗ trợ cùng nhau phát triển, ngoài 57 HTX hiện có, huyện đã chỉ đạo thành lập thêm các HTX chuyên sản xuất, dịch vụ đối với các loại hàng hóa nông sản mới như dưa lưới, rau củ quả sạch trong nhà màng và các loại cây ăn quả. Tiêu biểu như: HTX Trường Sơn, HTX cây ăn quả Bến Quan, HTX nông sản Tây Vĩnh Thủy…
 
Chương trình xây dựng NTM đã đem lại những đổi thay rõ nét tại các vùng nông thôn của huyện Vĩnh Linh. Đến nay toàn huyện đã có 15/19 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ 79% và 2 xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Kim đạt NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có thêm xã Vĩnh Thái đạt chuẩn NTM. Một trong những kinh nghiệm mà địa phương rút ra trong quá trình nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần xây dựng NTM đó là, huyện đã ban hành các cơ chế chính sách, cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM.
 
Cùng với đó, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả của các mô hình, rút kinh nghiệm từ những yếu tố thành công, thất bại, và đưa ra các bài học kinh nghiệm, giải pháp thực hiện để xây dựng mô hình hiệu quả hơn. Việc xây dựng nhãn mác, thương hiệu để tăng giá trị cho sản phẩm cũng được địa phương quan tâm thực hiện.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay20,742
  • Tháng hiện tại35,529
  • Tổng lượt truy cập8,445,171
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây