Vĩnh Linh ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo bước đột phá trong sản xuất và đời sống

Thứ hai - 28/10/2019 23:30
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình, huyện Vĩnh Linh xác định ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH&CN) vào sản xuất và đời sống là một trong những định hướng, nhiệm vụ quan trọng tạo ra bước đột phá. Chính vì vậy trong thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao KH&CN vào các lĩnh vực. Nhiều đề tài dự án, mô hình cây trồng con nuôi đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, cải thiện đời sống của người dân.
Vĩnh Linh ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo bước đột phá trong sản xuất và đời sống

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện Vĩnh Linh từ lâu đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, coi trọng. Đặc biệt, từ sau khi UBND tỉnh ban hành Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020 và Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND về “Ban hành quy chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” thì huyện Vĩnh Linh đã triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Huyện nhanh chóng kiện toàn Hội đồng KH&CN cấp huyện, trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh bố trí được cán bộ chuyên trách về KH&CN. Đồng thời bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều đề tài, dự án thiết thực. Từ năm 2016 đến nay, huyện Vĩnh Linh đã có 13 mô hình ứng dụng KH&CN được cấp trên hỗ trợ với tổng ngân sách gần 3 tỷ đồng.

Nói đến bước đột phá nhờ ứng dụng tiến bộ KH&CN tại huyện Vĩnh Linh trước hết phải nói đến lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất đã có nhiều mô hình mới đem hiệu quả kinh tế cao, được người dân tiếp nhận và nhân rộng ngay trong quá trình thực hiện. Tiêu biểu như: mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với sản lượng cao gấp 1,2 lần so với quy trình nuôi thông thường; mô hình trồng cây dừa xiêm lùn tại xã Vĩnh Thái cho năng suất trung bình từ 140-150 trái/cây/năm; mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 867 ha ứng dụng tiến bộ KHKT và cơ giới hóa đồng bộ cho năng suất đạt trung bình từ 58-60 tạ/ha; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với các loại rau, củ, quả sạch góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; mô hình dưa lưới, dưa hấu nhà màng trên diện tích 2.200 mét vuông tại xã Vĩnh Tú qua 3 vụ sản xuất đem lại lợi nhuận trên 103 triệu đồng…

Bên cạnh đó, hoạt động ứng dụng KH&CN còn đóng vai trò lớn trong việc phát triển các loại giống cây, con mới tại địa phương. Cụ thể, nhiều loại cây trồng con nuôi mới được đưa vào thử nghiệm cho nhiều kết quả khả quan như: chuối dacca tại xã Vĩnh Hiền; thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, cam Vân Du tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Trung; bơ sáp 034 tại xã Vĩnh Nam; cá leo thương phẩm tại xã Vĩnh Sơn; mô hình cá lóc thương phẩm, lợn thịt ngoại quy mô hộ gia đình và trang trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho bà con nông dân…

Trong các đề tài, dự án nông nghiệp của huyện Vĩnh Linh, hiện có 8 mô hình đã được thẩm định hỗ trợ theo Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh để phát triển thành hàng hóa và các sản phẩm có giá trị của địa phương. Có 4 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Ném Vĩnh Linh,  đậu xanh Vĩnh Giang, dưa hấu Vĩnh Tú và khoai môn Vĩnh Linh. Sản phẩm tiêu của các xã Vĩnh Nam, Hồ Xá, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa được chỉ dẫn địa lý “Tiêu Quảng Trị”. Với việc ứng dựng hiệu quả tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn huyện có trên 9.650 ha diện tích canh tác cho giá trị thu nhập cao từ 70 triệu đồng mỗi năm trở lên, trong đó có hơn 4.000 ha cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Trong lĩnh vực CN-TTCN, một số công nghệ mới ở trong và ngoài nước được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng vào quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm như công nghệ sản xuất giấy bao bì và giấy vệ sinh của Trung Quốc, dây chuyền chế biến cao su mủ cốm của Việt Nam, sản xuất gạch bằng công nghệ không nung, sản xuất nước bằng công nghệ thẩm thấu ngược R/O của Mỹ, ứng dụng KHKT trong xử lý môi trường ngày càng được quan tâm. Các công nghệ kĩ thuật hiện đại được đẩy mạnh ứng dụng vào quá trình sản xuất các sản phẩm truyền thống như nước mắm, dầu lạc, dầu mè, tinh bột nghệ… Qua đó góp phần đưa giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện tăn lên đáng kể; chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2019 ước đạt  678,54 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kì.

Việc nghiên cứu, sáng kiến, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực y tế và giáo dục cũng đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ. Nhiều phương pháp điều trị hiện đại được ứng dụng góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như ứng dụng phương pháp phaco trong mỗ trĩ, mổ nội soi túi mật, sỏi niệu quản; sử dụng máy xét nghiệm nhiều thông số, siêu âm đa chiều; nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc kháng sinh sau mổ, nghiên cứu bệnh viêm khớp dạng thấp ở người cao tuổi, bệnh lao.. hay ứng dụng phần mềm quản lý trong khám chữa bệnh, thuốc BHYT, điều tra và thống kê dịch bệnh… Trong giáo dục, ứng dụng KH&CN đã góp phần đổi mới phương pháp dạy và học. Nhiều phần mềm quản lý đã được sử dụng như quản lí nhân sự, quản lý học sinh, quản lí tài chính, quản lý phổ cập giáo dục, hỗ trợ soạn giảng… Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về KH&CN được ứng dụng đạt hiệu quả cao. Thực hiện chương trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 vào hoạt động của cơ quan hành chính, đến nay toàn huyện đã có 37 quy trình được áp dụng tại các phòng ban trên 27 lĩnh vực của đời sống xã hội; 22/22 xã, thị trấn ứng dụng phần mềm một cử điện tử, một cửa liên thông.

Song song với những kết quả đã đạt được, hoạt động ứng dụng KH&CN trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện tại vẫn còn gặp phải một số khó khăn như công tác phối kết hợp giữa các đơn vị còn hạn chế; lực lượng cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất cho nghiên cứu dụng và phát triển công nghệ còn mỏng; năng lực, trình độ của cán bộ nhất là cán bộ cơ sở có phần hạn chế nên việc tham mưu, tổ chức thực hiện các nội dung KH&CN trong một số lĩnh vực chưa đạt hiệu quả tối ưu nhất. Ở một số đơn vị việc chỉ đạo còn thiếu trọng tâm nên chưa tạo được phong trào ứng dựng rộng rãi trong nhân dân. Để từng bước khắc phục những tồn tại này và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động ứng dụng KH&CN, huyện Vĩnh Linh đã đưa ra nhiều giải pháp, định hướng cụ thể trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thị Khởi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện sẽ tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động KH&CN và có chế độ chính sách cụ thể để khuyển khích năng lực tư duy, nghiên cứu sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đưa tiến bộ KH&CN vào xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo điều kiện cho việc sản xuất chế biến nông sản, đáp ứng nhu cầu phát triển của sản xuất hàng hóa. Tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao công nghệ, KHKT cho người dân một cách đồng bộ. Đồng thời phối hợp với Sở KH&CN triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức các hoạt động đánh giá tiêu chuẩn, do lường chống hàng giải hàng nhái nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

 

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay6,088
  • Tháng hiện tại142,007
  • Tổng lượt truy cập8,551,649
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây