Trên diện tích 2.200 mét vuông, tháng 9/2017 mô hình trồng dưa lưới, dưa hấu ứng dụng công nghệ cao được triển khai thực hiện tại HTX Trường Sơn, xã Vĩnh Tú. Đây là mô hình nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa tự động với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Nhờ áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật ngay trong vụ đầu tiên tỷ lệ đậu quả đạt trên 70%, tổng sản lượng dưa khi thu hoạch đạt 3,5 – 4 tấn. Trải qua từng vụ sản xuất năng suất và chất lượng sản phẩm dưa nhà màng ngày càng được nâng cao và ổn định. Đến nay, qua 3 vụ, sau khi trừ mọi chi phí mô hình cho lãi ròng 103,5 triệu đồng, trung bình mỗi vụ lãi 34 triệu đồng, cao hơn so với phương pháp trồng truyền thống.
Tại HTX Nông nghiệp Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú mô hình trồng rau, củ quả sạch trong nhà màng cũng đã cho thấy hiệu quả tích cực. Trên diện tích 1.000 mét vuông, HTX đã sản xuất được 5 vụ thu được lợi nhuận trên 195 triệu đồng, trung bình lợi nhuận đạt 35 - 40 triệu đồng/vụ; dự kiến sau 3 năm sản xuất sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.
Tại xã Vĩnh Trung, 2 mô hình trồng rau, củ quả sạch ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai với diện tích 3.300 mét vuông. Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh do HTX Thành Công thực hiện trên quy mô 2.000 mét vuông đã bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình được thực hiện trong nhà màng; sản xuất theo quy trình thủy canh hồi lưu; giống rau xà lách, rau cải và dung dịch dinh dưỡng do đơn vị LISADO Việt Nam cung cấp, chuyển giao công nghệ. Với phương pháp này, cây rau có thể tránh được những bất lợi của thời tiết và sâu bệnh, đồng thời người trồng chủ động được độ ẩm và nguồn dinh dưỡng cho cây nên năng suất tăng từ 30-40% so với phương pháp trồng truyền thống. Sản phẩm rau sạch từ mô hình này hiện đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Đông Hà.
Được xem là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, cây lúa cũng được đẩy mạnh ứng dụng CN và KHKT trong sản xuất. Toàn huyện đã xây dựng được 1.200 ha cánh đồng mẫu lớn trên 30 đơn vị HTX. Trong đó có 50 ha sản xuất lúa hữu cơ sử dụng công nghệ Obi - Ong biển tại HTX Đức Xá, Vĩnh Thủy đã đạt được kết quả nổi bật. Cụ thể, sau mỗi vụ năng suất lúa tươi đạt từ 55 – 60tạ/ha, sản phẩm được doanh nghiệp săn đón ngay khi vừa thu hoạch với mức giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lãi hơn sản xuất truyền thống từ 8-15 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc đưa vào thử nghiệm, gieo trồng các giống lúa mới có phẩm cấp và chất lượng như Bắc thơm số 7, LDA1, Thiên ưu 8, HN 6… cũng góp phần nâng cao năng suất.
Mới đây nhất, mô hình trồng chuối Dacca tại xã Vĩnh Hiền cũng được đánh giá ban đầu là phù hợp với vùng đất đỏ của địa phương. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 2.500 mét vuông với tổng chi phí là 82 triệu đồng. Hiện nay 70% số cây đang cho quả. Theo dự tính đến khi thu hoạch sẽ đem lại nguồn thu khoảng 166 triệu đồng và lãi dự kiến đạt 84 triệu đồng. Bên cạnh đó, các mô hình như tiêu sạch tại Vĩnh Kim, thanh long ruột đỏ ưng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại xã Vĩnh Thủy… cũng đang cho kết quả khả quan.
Mô hình trồng dưa trong nhà màng ở xã Vĩnh Trung.
Có thể thấy rằng, hiệu quả từ mà những mô hình NNCNC mang lại đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM. Đến năm 2019, toàn huyện Vĩnh Linh có trên 9.650 ha diện tích canh tác nông nghiệp cho giá trị thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên mỗi năm. Trong đó có hơn 4.000 ha có thu nhập trên 150 triệu đồng.
Tiếp tục thực hiện các mô hình NNCNC trong năm 2019, huyện Vĩnh Linh đã liên kết với Công ty Cổ phần NAFOODS Tây Bắc triển khi dự án trồng leo trên diện tích 8,25 ha tại các đơn vị Vĩnh Thủy, Vĩnh Trung, Vĩnh Hòa. Tiếp tục khảo sát, hỗ trợ 6 mô hình phát triển nông nghiệp với tổng kinh phí trên 193 triệu đồng; trong đó có 2 mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả, 1 mô hình tưới phun sương cho cây nấm, 2 mô hình ghép cải tạo vườn và 1 mô hình con nuôi thương phẩm.
Với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững, trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất NNCCN đã cho thấy hiệu quả và các mô hình mới thích hợp với điều kiện của địa phương. Thu hút, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để sản xuất NNCNC. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về mặt bằng, vốn trong quá trình thực hiện các mô hình. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng sẽ tiếp tục chú trọng các phương án xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để bảo đảm đầu ra cho nông dân yên tâm sản xuất.
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử huyện Vĩnh Linh:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn