Nhân rộng mô hình CSA thâm canh lúa ở Đức Xá

Thứ tư - 13/11/2019 22:10
Trong Dự án WB7, dự án thành phần tỉnh Quảng Trị có hợp phần 3 là “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA). Vụ hè thu vừa qua dự án đã triển khai mô hình CSA nhân rộng thâm canh cây lúa tại HTX Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Có 117 hộ dân tham gia mô hình trên tổng diện tích trên 33ha lúa.
Đồng lúa hè thu của mô hình CSA nhân rộng ở Đức Xá, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh
Đồng lúa hè thu của mô hình CSA nhân rộng ở Đức Xá, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh
 
Mục tiêu của dự án là cải thiện sản xuất nông nghiệp có tưới nhằm nâng cao giá trị gia tăng và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lí thủy lợi, theo định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân tham gia mô hình ở HTX Đức Xá cho biết, việc thâm canh mô hình đòi hỏi tập trung vào các khâu làm đất, giống, bón phân và nước tưới. Giống HN6 xác nhận được chọn sử dụng mô hình. Khâu làm đất là một biện pháp quan trọng, tạo điều kiện cho lúa hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng, sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng các điều kiện ngoại cảnh bất thuận, làm tăng năng suất và chất lượng. Do đó làm đất phải đúng thời gian và đúng yêu cầu kĩ thuật. Đất được làm sớm ngay sau khi thu hoạch vừa để gốc rạ có thời gian hoai mục, tiêu diệt cỏ dại, làm mất nơi cư trú của sâu bệnh và hạn chế sự lây lan nguồn bệnh từ vụ trước cho vụ sau. Ruộng được cày sâu hợp lý từ 20-25 cm (không cày quá sâu làm phá vỡ tầng đế cày), cày 2 lần (cày bệ và cày trở), bừa kĩ nhiều lượt để sạch cỏ, nhuyễn bùn để hạt giống chìm trong đất tránh được thời tiết bất thuận, chim phá hoại và rễ ăn sâu tránh được đổ ngã, giúp cây lúa phát triển thuận lợi.
 
Do sử dụng phương pháp gieo thẳng nên mặt ruộng phải được san bằng, tránh có nơi quá cao khi gieo hạt xuống sẽ bị khô, nơi quá thấp đọng nước sẽ bị úng và làm thối hạt giống. Bốn phía quanh bờ phải vét rãnh sâu để giữ nước giúp ruộng luôn đủ ẩm, tạo bờ lăn, đường bồ để giữ nước, dẫn nước và hạn chế mất nước. Nông dân được hướng dẫn sử dụng phương pháp sạ hàng với lượng giống là 70 kg/ha. Gieo bằng công cụ sạ hàng giúp giảm được lượng giống từ 1-1,5kg/sào, tiết kiệm chi phí và công sức lao động.
 
Theo ông Thành, khi giống lúa mới gieo khoảng 5 ngày nên để ruộng khô nước và áp dụng phun thuốc diệt cỏ. Lúa từ 5- 20 ngày cho nước vào ruộng và giữ mực nước trên ruộng 1-3 cm, tiến hành bón phân đợt 1 và tỉa dặm. Cây lúa từ 30-35 ngày tiến hành tháo nước để ruộng khô trong vòng 3-5 ngày. Khi lúa được 40- 45 ngày tiếp tục cho nước vào ruộng với mực nước ngập từ 5 - 7 cm kết hợp với bón thúc lần 2. Cây lúa từ 80-85 ngày giữ mức nước ở ruộng ngập từ 3 - 5 cm, sau đó để ruộng lúa khô dần đến khi thu hoạch.
 
Thực tế cho thấy ruộng mô hình có các chỉ tiêu phát triển cao hơn ruộng đại trà. Điều này nhờ gieo sạ hàng, mật độ vừa phải đồng thời bón phân đầy đủ và cân đối tỉ lệ NPK, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, nên cây lúa phát triển nhanh và khỏe hơn ruộng đại trà.
 
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc HTX Đức Xá cho biết, mô hình này yêu cầu khắt khe về chất lượng. Để hạn chế sâu bệnh và làm cho cây trồng phát triển tốt, ruộng được cung cấp nguồn hữu cơ bằng bón phân chuồng hoai mục và vùi rơm rạ sau thu hoạch; ngoài ra còn bổ sung thêm từ 400-600kg phân hữu cơ vi sinh/ha. Thuốc BVTV được thay thế bằng các chế phẩm sinh học từ ớt, tỏi, gừng... vừa thân thiện với môi trường, vừa tận dụng các sản phẩm do nông dân làm ra.
 
Nhờ chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ và cân đối, cây phát triển khỏe, bông dài, tỉ lệ hạt chắc cao nên kể từ khi chuyển đổi trồng lúa từ truyền thống qua phương thức canh tác mới đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ruộng mô hình có số bông trên đơn vị diện tích, tổng số hạt/bông và số hạt chắc/ bông cao hơn ruộng đại trà, đây là các chỉ số quan trọng góp phần tăng năng suất. HN6 là giống ngắn ngày, vụ hè thu thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày, đông xuân chỉ 120- 125 ngày, có thể gieo ở ruộng cạn và ruộng trũng cả vụ đông xuân lẫn vụ hè thu. Ưu điểm của HN6 là cây thấp, cứng nên khả năng chống đổ tốt, chống chịu được với nhiều loại sâu bệnh như khô vằn, đạo ôn...; lúa đẻ nhánh tập trung, trỗ nhanh, trỗ thoát. Gạo HN6 ăn ngon, hạt thon, trong.
 
Ông Nguyễn Văn Hải cho biết hiệu quả về mặt kinh tế, ruộng mô hình CSA nhân rộng cho năng suất bình quân đạt 55,6 tạ/ ha, cao hơn đại trà 11,3 tạ/ha. Nhờ sử dụng giống mới, giống có tiềm năng về năng suất, có phẩm cấp tốt nên đã đem lại năng suất và chất lượng. Việc sử dụng công cụ sạ hàng trong gieo sạ và áp dụng phương pháp phòng trừ sâu, bệnh hại theo phương pháp quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) nên đã giảm số được số lần phun thuốc trên đồng ruộng, giảm chi phí mua thuốc BVTV. Lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà là 9,3 triệu đồng/ha. Hiện giống lúa HN6 đã được HTX Đức Xá đưa vào bộ giống chủ lực của địa phương phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2019-2010 và những vụ tiếp theo.
 
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết trong quá trình sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chỉ đạo chi cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, HTX tổ chức nhiều hội nghị đầu bờ để phổ biến, nhân rộng mô hình cho người dân, đưa mô hình trở nên gần gũi, thiết thực. Đốc thúc nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời xác định loại sâu bệnh hại xuất hiện, mật độ cụ thể nhằm có phương pháp khắc phục, đem lại hiệu quả tối đa. Đồng thời đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng và mở rộng mô hình CSA đại trà, nhằm mở rộng đối tượng tham gia, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các ban ngành, tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình canh tác, nhất là cơ giới hóa, tưới tiêu khoa học để năng suất lúa không ngừng tăng cao. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức của nông dân về phòng chống biến đổi khí hậu, thay đổi cách thức canh tác cũ sang canh tác hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay4,153
  • Tháng hiện tại35,366
  • Tổng lượt truy cập9,584,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây