Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Thứ hai - 18/11/2019 03:34
Từng là thanh niên xung phong (TNXP) tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Đặng Bảo Quốc, thôn Quật Xá, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) trở về quê. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn song ông Quốc cùng các đồng đội của mình luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của quê nhà.
Chăn nuôi bò đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình ông Quốc​
Chăn nuôi bò đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình ông Quốc​
  
Năm 1979, ông Quốc cùng với nhiều thanh niên Cam Lộ hăng hái tình nguyện tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Quốc nhớ lại: “Công trình thủy nông Nam Thạch Hãn ngày ấy là một công trường thủ công có quy mô lớn được tổ chức khá chặt chẽ theo hình thức quân sự hóa. Quá trình thi công tuy người lao động gặp khá nhiều khó khăn, gian khổ vì khẩu phần ăn không đủ no, ở trong lán trại đơn sơ, lao động thỉnh thoảng còn gặp hiểm nguy do bom mìn sót lại trong lòng đất nhưng tinh thần lao động của mỗi người rất hăng say. Hình ảnh mồ hôi và máu của những đồng đội đổ xuống để dâng hiến cho quê hương một công trình đầy ý nghĩa ngay sau ngày giải phóng đã mang lại niềm tin lớn cho chúng tôi và người dân. Đó cũng là động lực để những cựu TNXP luôn nỗ lực vượt khó để vươn lên trong cuộc sống đời thường”.
 
Mang theo tinh thần lao động hăng say từ công trường, khi trở về quê hương, ông Quốc luôn trăn trở suy nghĩ sẽ làm giàu bằng lao động chân chính. Không ngại khó, ngại khổ, ông cùng gia đình tích cực lao động sản xuất, đến nay đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp với trên 2 ha trồng lạc, sắn, lúa; 2 ha rừng kinh tế kết hợp với nuôi bò thâm canh. Ông Quốc chia sẻ: “Để làm giàu bằng nghề nông không hề dễ dàng. Từ nghề nông có thể đảm bảo được cuộc sống sung túc cho gia đình, xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi các con ăn học nên người đối với tôi là một thành công lớn.
 
Để đạt được kết quả như hôm nay, trong sản xuất, tôi chú trọng nhất là khâu giống và mùa vụ. Chẳng hạn như trong sản xuất lạc, bên cạnh việc đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, tôi thường tranh thủ thời tiết thuận lợi để sản xuất thêm lạc trái vụ nhằm nâng cao thu nhập (giá lạc vụ mùa từ 15-20 ngàn đồng/kg nhưng giá lạc trái vụ đạt bình quân 30 ngàn đồng/kg). Đối với trồng rừng kinh tế, tôi chú trọng chọn chân đất phù hợp cho cây thân gỗ, cùng với đó là đầu tư chăm sóc đúng giai đoạn nhằm hỗ trợ cây phát triển tốt nhất, nên rừng tràm khoảng 4 năm có thể cho thu hoạch, giá bình quân đạt 70- 80 triệu đồng/ha. Trong chăn nuôi bò, tôi tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong sản xuất nông nghiệp như rơm, thân cây lạc, thân cây chuối, bột sắn… để đảm bảo nguồn dinh dưỡng quanh năm cho bò nên bò lớn khá nhanh và bán được giá, bình quân 9 tháng xuất bán 1 lứa bò, thu lãi gần 30 triệu đồng”.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Quốc còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động. Khi xã Cam Thành có chủ trương mở rộng các tuyến đường giao thông ở các thôn, xóm, gia đình ông đã tình nguyện hiến trên 200 m2 đất vườn để làm đường. Bên cạnh đó, với vai trò là trưởng họ, ông Quốc còn tích cực vận động con cháu trong họ thực hiện tốt các phong trào của địa phương, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay8,315
  • Tháng hiện tại155,095
  • Tổng lượt truy cập8,355,392
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây