Tự tin làm giàu trên quê hương

Thứ năm - 28/11/2019 02:29
Không cam chịu nghèo khó, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Cử (sinh năm 1960), ở thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ luôn nỗ lực vươn lên, năng động phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện nhiều năm nay.
Gia đình ông Nguyễn Cử sở hữu 3 chiếc máy chuyên phục vụ vận chuyển, làm đất nông nghiệp cho người dân trong thôn và nhiều xã lân cận​
Gia đình ông Nguyễn Cử sở hữu 3 chiếc máy chuyên phục vụ vận chuyển, làm đất nông nghiệp cho người dân trong thôn và nhiều xã lân cận​
 
 Tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn từ năm 1978, trải qua bao khó khăn, gian khổ, bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông Cử đã cùng với lực lượng TNXP huyện Cam Lộ, dân công, cán bộ, chiến sĩ, đơn vị quân đội vượt qua đói, rét, nắng lửa, gió Lào, bệnh tật, bom mìn còn lại dày đặc sau chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ đưa nước về tưới cho vùng đất khát. “Trong đội hình TNXP thời đó, có những chàng trai, cô gái tuổi chỉ mới đôi mươi đã mãi mãi ra đi hoặc để lại một phần xương máu của mình nơi công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn để nguồn nước ngọt về tắm mát những cánh đồng xanh màu no ấm của quê hương hôm nay. Sự hi sinh cao cả đó chính là động lực thôi thúc tôi không ngừng nỗ lực, vượt khó để vươn lên làm giàu chính đáng, từ đó có điều kiện dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh hơn”, ông Cử chia sẻ.
 
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Cử trở về quê hương lập gia đình và bắt tay vào phát triển kinh tế. Cũng như bao gia đình khác trên địa bàn xã, thu nhập chính của gia đình ông trước đây chủ yếu dựa vào nghề nông. Với diện tích đất canh tác ít ỏi, lại thường xuyên mất mùa, hạn hán nên cuộc sống gia đình ông vô cùng chật vật. Năm 1996, được sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ, ông Cử đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu rồi vào tận miền Nam để mua sắm các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, thực hiện ước mơ vươn lên làm giàu chính đáng, cải thiện cuộc sống gia đình. Qua nhiều năm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay gia đình ông Cử đã sở hữu 3 chiếc máy làm đất nông nghiệp với tổng trị giá gần 700 triệu đồng, chuyên phục vụ vận chuyển, làm đất nông nghiệp cho người dân trong thôn và nhiều xã lân cận, cho thu nhập trên 160 triệu đồng/năm.
 
Bên cạnh đó, từ năm 1999 - 2004, dự án trồng rừng Việt - Đức và dự án trồng rừng ADB được triển khai ở tỉnh Quảng Trị, trong đó Cam Tuyền là một trong nhiều xã của tỉnh được tham gia dự án. Cả vùng đất đồi hoang hoá đã được chia thành từng lô cho người dân trồng rừng với bình quân mỗi hộ dân khoảng 5 ha. Thời gian đầu với nhiều bỡ ngỡ, có không ít người dân trong thôn đã bỏ cuộc do thiếu kinh nghiệm hoặc không đủ sức để “cùng ăn, cùng ở” với rừng ròng rã nhiều năm liền. Những năm tháng ấy, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông Cử vẫn quyết tâm bám trụ và mở mang, phát triển những cánh rừng trồng trên mảnh đất quê hương. Thành quả của những tháng ngày lao động miệt mài ấy đã cho “quả ngọt” ngày hôm nay là 30 ha rừng tràm tươi tốt. Ngoài ra cũng chính nhờ kiên trì, bám trụ trồng rừng mà gia đình ông có thêm vốn để phát triển đa dạng nhiều mô hình kinh tế mang lại nguồn thu nhập cao, xây dựng được nhà cửa khang trang, các con đều được học hành và có công ăn việc làm ổn định.
 
Ông Cử cho biết: “Hiện tôi đang sở hữu 30 ha rừng keo lá tràm, trồng và chăm sóc theo phương thức thâm canh, được chia thành 2 chu kì với vòng quay là 5 – 10 năm, cho thu nhập sau khi trừ chi phí là 250 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tôi còn chăn nuôi 20 con bò sinh sản trên chính những cánh rừng trồng của mình, cho lãi ròng 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, từ đầu năm 2019 đến nay, xuất phát từ nhu cầu thực tế của gia đình và người dân trong thôn, tôi đã mua sắm máy móc, thuê nhân công để mở xưởng mộc tại nhà, chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mĩ nghệ. Các mô hình sản xuất của gia đình tôi đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức tiền công từ 3-5 triệu đồng/người và 15 – 20 lao động thời vụ, họ đều là con em của các hội viên TNXP ở địa phương và những vùng lân cận”.
 
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Cam Tuyền, ông Cử còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, vận động các hội viên thi đua thực hiện tốt phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi, giúp nhau thoát nghèo bền vững”, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đi đầu trong các phong trào từ thiện, nhân đạo tại địa phương.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay18,469
  • Tháng hiện tại82,462
  • Tổng lượt truy cập8,282,759
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây