Tưới nước tiết kiệm trên cây tiêu

Thứ hai - 25/11/2019 21:17
Mô hình thực hành “Sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” được triển khai tại hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh thuộc hợp phần 3 “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA) của “Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7).
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh kiểm tra vườn tiêu mô hình của ông Nguyễn Đăng An ở thôn Linh Đơn, xã Vĩnh Hòa​
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh kiểm tra vườn tiêu mô hình của ông Nguyễn Đăng An ở thôn Linh Đơn, xã Vĩnh Hòa​
 
Bà Lê Thị Hiền Lương, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho biết, mô hình sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho gần 10 ha hồ tiêu ở độ tuổi năm thứ 3, khi ra mùa quả bói đầu tiên được người dân hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa hồ hởi đón nhận. Mô hình này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất tiêu theo hướng hàng hóa giá trị cao, là cơ sở để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trong đó mô hình ở xã Vĩnh Kim 5,5 ha với 26 hộ tham gia được canh tác theo phương thức có sử dụng phân bón vô cơ hòa tan. Mô hình ở xã Vĩnh Hòa 4 ha có 15 hộ tham gia, trong đó 3,2 ha canh tác theo hướng hữu cơ và 0,8 ha canh tác theo phương thức có sử dụng phân bó vô cơ hòa tan.
 
Ông Nguyễn Tấn Minh ở thôn Đông, xã Vĩnh Kim, nhóm trưởng nhóm thực hiện mô hình áp dụng biện pháp bón phân vô cơ hòa tan cho biết, mô hình này được triển khai trên vườn cây tiêu kinh doanh. Sau khi thu hoạch tiêu, cần tỉa bớt cành lươn mọc ra từ gốc và cành tược mọc ngoài khung thân chính. Ở một số vườn tiêu có hiện tượng ra hoa không đúng thời vụ nên tỉa bỏ những hoa này. Theo ông Minh, thời kì chăm sóc, bón phân cho cây tiêu quyết định đến năng suất, sản lượng. Bón phân cần cân đối, hợp lí giữa từng loại phân vô cơ với nhau. Với mô hình này, tỉ lệ bón phân vô cơ gồm NPK cao cấp gatit 500 kg/ha, kali 200 kg/ha và canxi 400 kg/ha. Ngoài ra còn sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp đã ủ hoai mục, tuyệt đối không bón phân chuồng chưa hoai cho cây tiêu.
 
Đối với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ tại thôn Linh Đơn, xã Vĩnh Hòa, chị Trần Thị Hà cán bộ khuyến nông cho biết, mô hình này không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất biến đổi gien, chất làm biến đổi hormones. Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép toàn bộ nguyên liệu đầu vào sử dụng cho vườn canh tác hữu cơ.
 
Ông Nguyễn Đăng An ở thôn Linh Đơn có 320 cây tiêu 4 năm tuổi tham gia mô hình cho biết, tận dụng những nguồn hữu cơ sẵn có trên vườn hoặc các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ dại, cành lá…ủ đúng quy định rồi đem ra bón. Tỉ lệ bón 20 kg phân hữu cơ đã ủ hoai mục/gốc tiêu cộng với 1kg phân hữu cơ vi sinh/ gốc (tương đương với 32 tấn hữu cơ đã ủ hoai mục với 1.600 kg phân hữu cơ vi sinh/ha/ năm). Ngoài ra cần bón bổ sung định kì phân hữu cơ dạng lỏng qua hệ thống tưới nhỏ giọt như amoni axit, humic/fulvic axit.
 
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, điểm nhấn đặc biệt của hai mô hình này là sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm với kĩ thuật tưới nước nhỏ giọt, tưới nước hiệu quả nhất đến từng bộ rễ của cây tiêu, góp phần tăng năng suất, sản lượng. Phương pháp này nhằm đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ tích cực của cây tiêu, thông qua các hệ thống dây tưới được bố trí quấn quanh từng gốc cây. Hệ thống dây tưới được bố trí khoa học để dễ dàng đưa nước đầy đủ và đồng đều cho tất cả các cây tiêu, giúp quản lí nước tưới, dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả nhất. Hai mô hình xây dựng 44 hệ thống tưới nhỏ giọt tại 41 hộ gia đình của hai xã trên.
 
Theo bà Phương, mỗi lần tưới lượng nước cần thiết từ 28-32 lít/gốc, chu kì tưới từ 3-4 ngày một lần. Với lưu lượng thiết kế là 20 lít/gốc/giờ tưới, thì mỗi lần cần tưới từ 1,4-1,6 giờ, tùy theo điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của cây tiêu. Các vườn tiêu trong mô hình đang vào thời kì kinh doanh nên các biện pháp kĩ thuật cần áp dụng đồng bộ từ khâu chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Trong mùa mưa cần lưu ý thoát nước tốt cho tiêu. Không để đọng nước ở gốc cây tiêu, cần đắp mô cao ở gốc, khi thấy vườn tiêu quá ẩm cần khẩn trương có giải pháp để thoát nước. Cần làm sạch cỏ trong vườn tiêu, không trồng xen cây trồng có tán lớn, bộ lá rậm rạp trong vườn hoặc các cây cùng họ, các cây có cùng nguồn sâu bệnh với hồ tiêu, nên trồng các cây họ đậu.
 
Thông thường vào khoảng tháng 5 cây tiêu cho thu hoạch. Mỗi vụ hái 2-3 đợt, thu hái cẩn thận chùm quả ở đoạn cuống, tránh gây vết thương ở các nốt thân. Không nên thu hoạch khi quả hồ tiêu còn xanh, thời điểm thu hoạch tốt nhất để làm hạt tiêu đen khi chùm hồ tiêu có trên 5% quả chín màu vàng, đỏ và để làm tiêu sọ khi tiêu trên 20% quả chín. Khi thu hái xong có thể phơi ngay để làm tiêu đen hoặc ủ 1-2 ngày trong mát cho hồ tiêu tiếp tục chín để làm hồ tiêu sọ. Để hạt tiêu đen thương phẩm có màu đẹp, trước khi phơi nên nhúng hạt hồ tiêu vào nước nóng 80 độ C trong vòng 1-2 phút, trộn đều sau đó lấy ra để trong mát cho ráo nước rồi đem phơi. Sau khi thu hoạch cần cắt tỉa bớt lá già và lá bị bệnh để hạn chế bớt sự tiêu phí nước của cây, đồng thời kích thích phân hóa mầm cành quả cho vụ sau. Sau khi vườn tiêu thu hoạch được một tháng chỉ nên tưới nước vừa đủ để cây tiêu tồn tại, không nên tưới nhiều vì cây tiêu sẽ tiếp tục sinh trưởng và ra hoa rải rác làm ảnh hưởng đến vụ kế tiếp.
 
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây tiêu mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập người trồng tiêu cũng như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới. Đối với nhiều nông dân, chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới nhỏ giọt còn lớn so với thu nhập. Do đó ngoài hai mô hình trên, huyện rất cần có những cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ phù hợp nhằm mở rộng mô hình này ở nhiều xã trên địa bàn.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập143
  • Hôm nay21,179
  • Tháng hiện tại95,158
  • Tổng lượt truy cập8,188,694
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây