Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Trị có 8 huyện, thị xã, với 117 xã tham gia. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp, khi mới triển khai Chương trình tiêu chí bình quân mới đạt 3,6 tiêu chí/xã, có tới 78 xã đạt dưới 5 tiêu chí, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Với nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên để đạt được mục tiêu của Trung ương đề ra tưởng chừng như đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề khó có thể đạt được.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc nên trong các năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà đã quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành. Kịp thời ban hành hệ thống cơ chế chính sách, thành lập đồng bộ BCĐ và bộ máy giúp việc BCĐ từ tỉnh đến xã, thôn, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Coi trọng công tác tuyên truyền vận động, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”.Nhờ vậy, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự vào cuộc tích cực cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân. Đến thời điểm này, kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tích quan trọng. Toàn tỉnh đã có 52/117 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 44,4%, tiêu chí đạt bình quân là 17,05 tiêu chí/xã, (tăng 11,47 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 3,37 tiêu chí so với năm 2015); có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đó là Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh), Cam Chính (huyện Cam Lộ); huyện Cam Lộ đã hoàn thiện huyện đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến trình Trung ương đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2019. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm từ 8-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt mục tiêu kế hoạch của tỉnh đã đề ra trước một năm.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, với nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Vì vậy, người dân ở khắp toàn tỉnh không chỉ tham gia hiến đất, hiến cây, hiến kế, đóng góp tiền mặt, công lao động và hiện vật để xây dựng nông thôn mới mà còn tự giác chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn tạp, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia bảo hiểm y tế, chủ động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới được duy trì liên tục, bằng việc hằng năm tổ chức phát động tại 1 địa phương, nhờ vậy trong 10 năm qua đã huy động được nguồn lực khá lớn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực huy động được 65.630 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 31.609,254 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2019 là 34.021,227 tỷ đồng, trong đó tổng nguồn đóng góp của quần chúng nhân dân quy ra tiền gần 1.860 tỷ đồng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, điện, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư đảm bảo chuẩn theo quy định, phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng khang trang, hiện đại. Cho đến nay, toàn tỉnh có 70/117 xã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, 110/117 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, 117 đều có điện lưới quốc gia, 69 xã hoàn thành tiêu chí trường học, 68/117 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 97/117 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 91/117 xã hoàn thành tiêu chí thông tin và truyền thông, 88/117 xã hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành và các địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát và có các biện pháp xử lý phù hợp nên cơ bản đến thời điểm này không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Không chỉ sự thay đổi về diện mạo nông thôn, mà thành công trong xây dựng NTM của tỉnh đó là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,7%, giai đoạn 2016-2018 là 3,83%. Đến nay, trên địa bàn có hơn 80% diện tích lúa chất lượng cao, hơn 7.000 ha cánh đồng lớn, hơn 500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và hàng trăm ha canh tác tự nhiên, thân thiện với môi trường. Sản lượng lương thực có hạt bình quân giai đoạn 2016-2018 là 27,4 vạn tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI 2,4 vạn tấn, trong đó, năm 2018 đạt 28,9 vạn tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên doanh liên kết, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm.Các hình thức tổ chức trong nông thôn được đổi mới và nâng cao hiệu quả, đặc biệt là vai trò của HTX trong tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người nông dân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng chuổi giá trị và chương trình OCOP để nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2010 thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 9,8 triệu đồng/người, đến cuối năm 2018 tăng lên 25,8 triệu đồng/người (gấp 2,5 lần so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 12,03%. Có 83/117 xã đạt tiêu chí thu nhập, 74/117 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 111/117 xã đạt tiêu chí lao động việc làm, 75/117 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh luôn quan tâm đến việc bao tồn và giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Môi trường nông thôn được bảo vệ và cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự khu vực nông thôn cơ bản được đảm bảo. Đến nay có 116/117 xã đạt tiêu chí văn hóa, 69/117 xã đạt tiêu chí môi trường, 105/117 xã đạt tiêu chí quốc phòng – an ninh. Hiện nay đã có nhiều khu dân cư kiểu mẫu, xã kiểu mẫu được xây dựng, thực sự là những miền quê đáng sống, minh chứng cho sự thay da đổi thịt của nông thôn tỉnh nhà hôm nay.
Vai trò của người đứng đầu cấp ủy các cấp ngày càng được coi trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nôn thôn mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương thực hiện “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới“, thành lập 8 tổ công tác do các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ làm Trưởng đoàn hàng tuần về với cơ sở, nhất là những nơi đạt tiêu chí còn thấp, những địa phương khó khăn, để đôn đốc, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các địa.Công tác kiểm tra, giám sát triển khai các cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành, thực hiện quy chế dân chủ, huy động sức dân được thực hiện nghiêm túc. Nhờ vậy, kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản đã đem lại sự hài lòng cho chính chủ thể của Chương trình, với kết quả lấy phiếu sự hài lòng của người dân luôn đạt tỷ lệ cao, đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới luôn tỷ lệ luôn đạt từ 92% trở lên, đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ đạt 99,6%.
Nhìn lại 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã đạt được kết quả khá toàn diện, song việc thực hiện chương trình là cả một quá trình lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành tích hôm nay mới chỉ là bước đầu, yêu cầu của chương trình trong giai đoạn tiếp theo ngày càng nâng cao hơn. Do đó đòi hỏi mỗi người dân, mỗi địa phương cần phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động; chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới, để góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.