Tham dự đoàn kiểm tra có đại diện các Sở Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh cùng với các phòng, ban cấp huyện.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, nhận thấy chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành được xem là một chính sách hướng đến mục tiêu trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 21 gặp một số vướng mắc trong khâu giải ngân, do đó chính sách được ban hành từ tháng 9 năm 2015 nhưng đến đầu năm 2017 các địa phương mới thực sự đi vào triển khai thực hiện quyết liệt.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 21 gồm các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh và thị xã Quảng Trị
Tổng kinh phí phân bổ cho các huyện để triển khai thực hiện Chương trình từ năm 2017 đến nay là 4.625.245.388 đồng với tổng doanh số cho vay là 47.643.000.000 đồng cho 191 hộ gia đình, cá nhân, 01 Hợp tác xã và 38 trang trại tham gia vay vốn; tổng số tiền đã cấp phát để hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng tham gia vay vốn là 2.886.432.402 đồng.
Kết quả giải ngân đến cuối năm 2019 đạt 62,4% trong tổng số kinh phí đã phân bổ cho các huyện, thị xã; cao hơn gấp 02 lần so với kết quả giải ngân năm 2017 (gần 30%).
Trong tất cả các địa phương tham gia thực hiện chương trình có huyện Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị triển khai thực hiện tốt. Riêng huyện Triệu Phong đã thẩm định cho hơn 100 khách hàng tham gia vay vốn với số tiền đã giải ngân để hỗ trợ lãi suất là 1.159.537.000 đồng; chủ yếu tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Thị xã Quảng Trị cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chính sách và làm tốt công tác trả lãi định kỳ một cách kịp thời cho các khách hàng tham gia vay vốn. Điều đó tạo được sự động viên, phấn khởi cho người dân, kích thích phát triển sản xuất, mạnh dạn vay vốn làm ăn nhờ đó giải quyết tốt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay đã thực sự mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư nông thôn mà tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển trang trại, gia trại; tạo ra sự chủ động cho người dân, giảm dần ý tưởng trong chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nâng cao sức sản xuất của hàng hóa, góp phần ổn định cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó việc thực hiện chính sách cũng còn gặp một số vướng mắc khó khăn nhất định như các hộ gia đình cần vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh nhưng không có tài sản thế chấp; một số hộ dân có dư nợ hoặc có tín dụng xấu tại Ngân hàng thương mại nên khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay đối với chính sách này. Qua các buổi làm việc thực tế tại địa phương, đoàn cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp để có hướng giải quyết, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành những chính sách phù hợp trong thời gian tới.