Vốn tín dụng ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới
Thứ tư - 20/04/2016 20:29
Sau nhiều năm đồng hành với người nghèo, đối tượng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Trị đã giải ngân hàng ngàn tỷ đồng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay chính sách đạt trên 2.000 tỷ đồng với 70.515 khách hàng còn dư nợ. Thực hiện cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Quảng Trị có 117 xã/141 xã, phường thị trấn được đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM). Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, điều kiện sống của người dân với chương trình xây dựng NTM. Chi nhánh đã tập trung thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách đến 117 xã xây dựng NTM với doanh số cho vay chiếm 81,2% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng NTM, thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn trên địa bàn Quảng Trị.
Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh hay huyện nhưng Gio Sơn là địa phương đầu tiên ở huyện Gio Linh đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM vào năm 2015. Kết quả này có được một phần quan trọng nhờ vào nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ủy thác cho vay thông qua Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã. Với một địa phương vùng gò đồi, kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp, nguồn vốn vay ưu đãi gần 7 tỷ đồng là khoản đầu tư không nhỏ để người dân có cơ sở phát triển các mô hình sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai. Tính đến nay, toàn xã Gio Sơn đã có 537 lượt hộ được vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất. Nhiều gia đình từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm đã đầu tư các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như anh Nguyễn Văn Tý, thôn Nam Đông trồng cây hồ tiêu, cao su và chăn nuôi bò; anh Lê Đức Hùng, thôn Phú Ốc đầu tư trồng nấm sò, nấm rơm; anh Trần Văn Đới, thôn Phú Ốc chăn nuôi bồ câu Pháp… Phát triển kinh tế hộ gia đình là tiền đề quan trọng để xã Gio Sơn phát huy sức mạnh nội lực, huy động sự đóng góp của nhân dân trong các chương trình xã hội hóa các công trình tập thể như cổng chào, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trung tâm học tập cộng đồng thôn… Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay 100% số hộ được dùng điện, hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện. Các công trình hồ đập thủy lợi, kênh mương được xây dựng kiên cố; hệ thống trường lớp các cấp học, trạm y tế được xây dựng khang trang; 98,6% nhà dân được xây kiên cố, bán kiên cố; không còn nhà ở tạm bợ, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2-2,5%, đến nay hộ nghèo toàn xã chỉ còn 3,01%. Ông Đỗ An Chung, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn khẳng định: “Hiện nay bộ mặt nông thôn, đường làng ngõ xóm, các thiết chế văn hóa cũng như đời sống vật chất và tinh thần của người dân Gio Sơn ngày càng khởi sắc. Kết quả trên một phần là nhờ các hộ dân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để sản xuất phát triển, thu nhập người dân tăng cao”.
Quảng Trị được xem là địa bàn nằm trong vùng thiếu nước bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Vùng trung du, gò đồi thì địa hình nhiều dốc, núi khó có mạch nước ngầm trong khi vùng đồng bằng thì lại nhiễm phèn, nhiễm mặn. Vì vậy, việc đưa nguồn nước sinh hoạt về cho người dân nông thôn được xem là chương trình hiệu quả cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đóng góp này có phần không nhỏ của NHCSXH chi nhánh Quảng Trị. Tính đến nay giải ngân vốn vay chương trình này ở Quảng Trị đạt gần 109 tỷ đồng với gần 26 ngàn hộ được vay vốn. Điều này đồng nghĩa với việc có gần 26 ngàn hộ dân được thụ hưởng nguồn nước và công trình vệ sinh hợp vệ sinh. Đặc biệt, nguồn vốn này đã được các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những vùng bị phèn chua, nhiễm mặn hoặc những nơi khan hiếm nguồn nước ngầm sử dụng rất hiệu quả. Thể hiện rõ ở việc người dân sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ dứt điểm, đúng kỳ hạn, nên khả năng quay vòng nguồn vốn nhanh tạo điều kiện cho nhiều gia đình khác tiếp cận nguồn vốn này. Nguồn nước và công trình vệ sinh hợp vệ sinh là một trong những yếu tố để xây dựng nên tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí NTM. Tính đến cuối năm 2015, Quảng Trị có 35/117 xã đạt tiêu chí về môi trường, đạt 29,9%, tăng 28 xã so với năm 2010.
Đánh giá về chương trình tín dụng từ NHCSXH chi nhánh Quảng Trị đối với chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết: “Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện có vai trò hết sức quan trọng. Mỗi đồng vốn tín dụng chuyển tải qua NHCSXH đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống; đã tác động tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện đáng kể, giúp cho các xã sớm hoàn thành các tiêu chí vềxây dựng NTM”.