Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi

Thứ năm - 14/03/2024 20:58
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sự thật, lời căn dặn này của Người đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về tạo sự đoàn kết, phát huy sức mạnh từ Nhân dân. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cán bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị lại một lần nữa phát huy giá trị của bài học này. Khơi dậy và huy động toàn bộ sức dân, nhất là tại các xã miền núi, đồng thuận để xây dựng quê hương trở thành những miền quê đáng sống.
Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi

       Nằm về phía Tây huyện Vĩnh Linh, 3 xã miền núi có điều kiện tự nhiên xã hội đặc biệt khó khăn gồm: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà là nơi tập trung sinh sống của khoảng 3.000 người đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều. Từ năm 2011, khi huyện Vĩnh Linh bắt tay vào xây dựng NTM, điểm chung của các xã này là cơ sở hạ tầng thiếu thốn và chưa đồng bộ; phương thức canh tác lạc hậu; trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân còn rất thấp; tỷ lệ hộ nghèo lúc bấy giờ chiếm ở mức đỉnh điểm, khoảng 70%...  Với xuất phát điểm như thế này, việc Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự là một bài toán khó. Từ thực tiễn khách quan, việc vạch định hướng đi nhằm giúp các địa phương này xây dựng NTM  được huyện Vĩnh Linh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài. Từ đây nhiều phương án phù hợp với từng giai đoạn đã được đề xuất. Cụ thể, ngày 05/7/2012, UBND huyện Vĩnh Linh ban hành Quyết định số 1695 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho 11 bản có tỷ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô (gọi tắt là Đề án 1695). Thực hiện đề án, huyện Vĩnh Linh đã phân công các phòng, ban về cơ sở nắm thực tế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ; 1 bản giao cho từ 5 đến 6 đơn vị phụ trách; thành lập 11 nhóm giảm nghèo hỗ trợ cho 11 thôn, bản. Điều đáng vui mừng là khi chủ trương của đề án ban hành đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 11 bản nghèo thuộc 3 xã trong giai đoạn 2012-2015 huy động trên 29 tỉ đồng. Ở giai đoạn này, mặc dù toàn hệ thống chính trị vào cuộc và đã huy động toàn bộ sức dân, tuy nhiên một số mục tiêu đề án vẫn không đạt. Từ những bài học thực tiễn, huyện Vĩnh Linh quyết định bổ sung và kéo dài thời gian triển khai đề án giai đoạn 2. Theo đó, ngày 28/12/2016, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-HĐND về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở các xã: Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô giai đoạn 2016- 2020. Đây không phải là nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần mà còn là trách nhiệm chính trị, là tình cảm của toàn xã hội với các hộ nghèo nói chung và đồng bào dân tộc 3 xã miền núi của huyện nói riêng. Giai đoạn này, hưởng ứng lời kêu gọi về việc thực hiện đề án của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đã có 119 đơn vị và các xã đồng bằng toàn huyện đóng góp ủng hộ với số tiền 800 triệu đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số.

       Bước sang giai đoạn 2021- 2025, huyện Vĩnh Linh tiếp tục ban hành Đề án số 2050/ĐA-UBND, ngày 12/11/2021 về phát triển KT-XH hội để đạt chuẩn NTM 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu năm 2021 xã Vĩnh Hà đạt chuẩn NTM, năm 2022 - 2023 xã Vĩnh Khê và năm 2024 xã Vĩnh Ô đạt chuẩn NTM. Theo đó, trong năm 2022 có 44 hộ; năm 2023 có 98 hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo tại các xã được nhận hỗ trợ mô hình sinh kế chủ yếu là chăn nuôi gia sức và trồng trọt. Ở vào giai đoạn này, ngoài nguồn lực của nhà nước, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cấp ngành, công cuộc xây dựng NTM ở Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà đã đón nhận thêm một động lực mới, đó chính là sự vào cuộc tích cực từ chính người dân 3 địa phương này. Nếu như trước đây trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM có một số nội dung tưởng chừng như chỉ do một số ban ngành, đơn vị đơn độc thực hiện; đến nay đã có sự tham gia của người dân. Ví dụ trong việc thực hiện quy hoạch về điểm dân cư nông thôn, quy hoạch đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong xây dựng hạ tầng, người dân bàn những công trình hạ tầng nào đưa vào xây dựng trước phục vụ cho đời sống dân sinh. Mặt khác tham gia giám sát công trình trong quá trình thi công. Hoặc là trong phát triển sản xuất, thông qua chính sách của huyện giúp bà con định hướng mục tiêu sản xuất có sự tham gia hướng dẫn về mặt khoa học kỹ thuật của các cơ quan liên quan...Thông qua minh bạch hóa các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân đã huy động sức dân trong xây dựng NTM. Qua thống kê cho thấy, ở xã Vĩnh Hà- địa phương miền núi đầu tiên của huyện đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022, quá trình xây dựng từ năm 2014- 2019, toàn xã huy động nguồn kinh phí từ trong dân trên 6,3 tỷ đồng; xã Vĩnh Khê chỉ tính trong năm 2023 huy động từ sức dân khoảng 1,8 tỷ đồng; xã Vĩnh Ô cũng xấp xỉ 1,5 tỷ đồng huy động từ sức dân. Người đồng bào dân tộc Bru Vân kiều ở miền núi phía tây huyện Vĩnh Ling giờ đây không còn tư tưởng trông chờ từ chủ trương, mà thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ về kiến thức, người dân đã tích cực, chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, góp sức phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
       Từ lợi thế đất đai, nhiều năm nay, bà con các xã vùng bản huyện Vĩnh Linh đẩy mạnh, ưu tiên phát triển cây cao su và rừng tràm. Đây là 2 loại cây chủ lực mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Trong phong trào thi đua sản xuất, có nhiều hộ gia đình trồng được 10- 15 ha rừng tràm. Họ đầu tư mua sắm máy móc, xe tải phục vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và tiêu thụ sản phẩm. Người dân còn chủ động phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi gia súc. Nhiều gia đình có đàn trâu, bò số lượng lên đến vài chục con không phải là chuyện hiếm. Trâu bò được chăn nuôi và trao đổi dưới dạng hàng hóa nhiều hộ gia đình đã nâng mức sống, tiến tới thoát nghèo. Song song với việc chủ động làm kinh tế, người dân ở các xã miền núi còn tự nguyện hiến công, hiến của đóng góp sức mình để xây dựng quê hương. Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của “tấc đất tấc vàng”. Tài sản quý là vậy, nhưng nhiều người dân địa phương vẫn sẵn sàng hiến tặng đất đai, đồng hành với địa phương xây dựng NTM. Đơn cử như, người cựu chiến binh Hồ Văn Lương, thôn Khe Cát, xã Vĩnh Khê hiến hơn 2000 m2 đất để làm đường; hộ gia đình ông Hồ Văn Trung, bản Mít, xã Vĩnh Ô hiến 200 m2 đất để làm trường học; 2 anh em ruột người Bru-Vân Kiều Hồ Văn Dinh và Hồ Văn Sang cùng nhau hiến đất mở đường bê tông.... Mỗi cá nhân, một cách làm nhưng mỗi câu chuyện từ họ đều mang ý nghĩa cổ tích giữa đời thường, lan tỏa và khơi dậy được trong mỗi người dân ý thức xây dựng quê hương. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của bản làng được bà con người đồng bào Bru Vân Kiều rất quan tâm. Trong đó, nét độc đáo nhất chính là điệu múa cồng chiêng. Từ sự hỗ trợ của các cấp ngành, ở mỗi xã, người dân đã xây dựng được các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian, thường xuyên luyện tập, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống vốn có của bản làng. Cứ mỗi lần có hội diễn văn nghệ, các tiết mục múa cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều lại được vang lên, rộn ràng sôi động một góc trời. Từ đây đã làm đa dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của văn hóa địa phương và của đất nước.

 

       Năm 2022, xã Vĩnh Hà đã được công nhận đạt chuẩn NTM; xã Vĩnh Khê đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị xét công nhận năm 2023; xã Vĩnh Ô cơ bản đạt 16/19 tiêu chí. Điều đáng nói là tại 3 xã miền núi, năm 2023 số hộ nghèo đều giảm so với năm 2022. Cụ thể, Xã Vĩnh Ô: tỷ lệ nghèo đa chiều còn 26,11%, giảm 36,83%; Vĩnh Khê tỷ lệ nghèo đa chiều còn 8,28% giảm 12,09; Vĩnh Hà tỷ lệ nghèo đa chiều còn 9,58%, giảm 11,71%. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, điều mà cán bộ và Nhân dân Vĩnh Linh coi là cốt lõi để xây dựng thành công huyện NTM chính là sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất giữa “ý Đảng - lòng Dân”. Nhờ vậy, đến với những bản làng của đồng bào Vân Kiều vùng Tây Vĩnh Linh hôm nay có những đổi thay rõ rệt. Vùng đất khởi đầu của đường Trường Sơn huyền thoại, hứng chịu bom đạn năm nào nay trãi dài màu xanh trù phú. Dẫu đời sống hôm nay của đồng bào người dân tộc Vân Kiều tây Vĩnh Linh chưa thật đầy đủ, khang trang nhưng tương lai về ngày mai ấm no hạnh phúc chắc chắn sẽ đạt được. Đồng bào luôn tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu xóa nghèo, góp phần cùng Nhân dân Vĩnh Linh xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguồn tin: Sưu tầm: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay20,186
  • Tháng hiện tại47,915
  • Tổng lượt truy cập8,457,557
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây