Đổi thay trên quê hương Vĩnh Thủy anh hùng.

Chủ nhật - 24/08/2014 12:12
Huy động sức dân cộng với khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa và tích cực bảo vệ môi trường. Đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận khi trở lại vùng quê vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Vùng lúa chất lượng cao của  xã Vĩnh Thuỷ
Vùng lúa chất lượng cao của xã Vĩnh Thuỷ
 
Trở lại Vĩnh Thủy lần này chúng tôi càng thêm phấn khởi khi nhận thấy từ khi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cuối năm 2012 đến nay vùng quê này càng có thêm nhiều thay đổi. Thêm những con đường bê tông rộng rãi, thêm những dãy nhà dân cao tầng, kiên cố, đồng ruộng được quy hoạch lại, bờ vùng, bờ thửa dày đặc trước đây không còn nữa, đường thôn, ngõ xóm sạch đẹp, đêm đèn đường sáng lung linh. Làng quê thanh bình, lòng dân phấn khởi, hăng hái lao động sản xuất, thêm nhiều hộ giàu có. Được sự hỗ trợ của chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể, người dân ở đây đã biết tìm chọn cho mình những hướng phát triển kinh tế phù hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi. Điển hình như chị Nguyễn Thị Toan ở Thôn Thủy Ba hạ với mô hình sản xuất theo hướng đa ngành, đa nghề, đa cây, đa con, mỗi năm gia đình có doanh thu vài tỷ đồng, lợi nhuận mang lại trên 1 tỷ đồng. Chị tâm sự: Để có được như ngày hôm nay chị đã trải qua bao vất vả, gian nan. Ban đầu, cùng với thâm canh mấy sào ruộng, chị vay vốn ngân hàng xây chuồng trại nuôi vài chục con lợn thịt cùng vài trăm con gà, vịt. Dần dần có vốn tích lũy, chị nghĩ đến khai phá đất đai trồng cao su, trồng rừng rồi mở rộng quy mô, thành lập trang trại. Giờ đây, chị Toan có trong tay 13 ha cao su đã cho thu hoạch, 15 ha rừng tràm, đàn bò hàng chục con, trang trại nuôi lợn, mỗi năm suất 2 lứa, mỗi lứa trên 200 con lợn thịt, trang trại gia cầm thường xuyên có trên 5000 con gà, vịt. Năm 2007 khi nhận thấy nhu cầu phát triển kinh tế của người dân trong xã và quanh vùng ngày càng lớn, chị thành lập Công ty TNHH Toan Cương cung cấp các dịch vụ máy ủi, xúc, ô tô vận tải, vật tư xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón và thu mua gỗ rừng trồng.
Ngoài 3 lao động trong gia đình, chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại địa phương, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng và thường xuyên tham gia ủng hộ, đóng góp vào các nguồn Quỹ của địa phương như Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học, Quỹ vì người nghèo, mỗi năm vài ba chục triệu đồng.
Không chỉ chị Toan, hiện nay ở Vĩnh Thủy có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như mô hình nuôi tôm càng xanh, chăn nuôi gà công nghiệp, trồng cao su tiểu điền, chăn nuôi lợn theo hướng trang trại bán công nghiệp, mô hình cá - lúa, sản xuất cá giống xen cá thịt, đặc biệt trên địa bàn có trên 110 trang trại các loại đang phát triển bền vững. Từ những mô hình này mà đời sống của người dân ngày càng cao, nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có. Để có được kết quả này, xã đã triển khai quy hoạch đất đai, quy hoạch đồng ruộng, hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó có các chính sách hỗ trợ vốn, giống, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Toàn xã có diện tích lúa hai vụ hàng năm trên 1 ngàn ha, năng suất đạt bình quân từ 10-10,5 tấn/ha, có trên 1100 ha cao su tiểu điền, diện tích rừng 1600 ha, độ che phủ rừng đạt 60%. Vĩnh Thủy cũng là địa phương phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, thương mại, 2 chợ nông thôn được xây dựng đã tạo điều kiện giao thương mua bán thuận tiện cho nhân dân trong địa bàn cũng như quanh vùng. Đặc biệt hơn 3 năm qua Vĩnh Thủy đã tích cực xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ từ nhiều nguồn lực cộng với sự đóng góp của nhân dân, xã đã đầu tư xây dựng 22 km đường bê tông, kiên cố hóa 6 km kênh mương nội đồng, xây dựng sân vui chơi thể dục thể thao và 7 nhà văn hóa cộng đồng, quy hoạch và xây dựng các khu vực thu gom xử lý rác thải cho từng khu dân cư. Từng hộ gia đình vừa tham gia đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương vừa có ý thức xây dựng nhà cửa kiên cố, chỉnh trang khuôn viên. Đặc biệt cả hệ thống chính trị vào cuộc, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều việc làm thiết thực hỗ trợ cho người dân. Ông Trần Đăng Chiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Thủy cho biết: Ngay từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, Hội đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Cùng với việc bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội đã vận động người dân tham gia hiến đất, hiến cây để chỉnh trang nông thôn, đóng góp công sức và tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng như bê tông hóa giao thông, kiên cố hóa kênh mương, thắp sáng đường quê, xây dựng cổng chào và các thiết chế văn hóa. Đồng thời tín chấp với các Ngân hàng vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật và dạy nghề, tạo điều kiện cho người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt Hội đã kêu gọi, vận động các Hợp tác xã, các Thôn trích kinh phí mua sắm dụng cụ chứa rác và phát động phong trào toàn dân tham gia làm vệ sinh sạch đẹp đường thôn ngõ xóm, đặc biệt thu gom rác thải ở trên đồng ruộng như bao bì, vỏ chai dựng thuốc bảo vệ thực vật, chôn xác súc vật bảo vệ môi trường. Chính nhờ triển khai các biện pháp đồng bộ và quyết liệt với sự tham gia của cả cộng đồng, đến nay Vĩnh Thủy đã hoàn thành 17/19 tiêu chí và đang phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành 2  tiêu chí còn lại. Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết: Trong thời gian tới, vấn đề thứ nhất là tiếp tục tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu sâu hơn vai trò làm chủ của mình, tham gia 1 cách tích cực và có hiệu quả các phong trào do xã và các tổ chức đoàn thể phát động. Thứ hai khuyến khích đầu tư cho việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn với tổ chức dậy nghề để nâng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Đồng thời nhân rộng  các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tiếp tục chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, trong đời sống để tạo ra được năng suất, hiệu quả cũng như chất lượng của các loại cây trồng, vật nuôi. Mặt khác đưa cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đi vào chiều sâu, trong đó quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường.
Phát huy truyền thống của 1 vùng quê kiên cường trong chiến đấu, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Thủy đang hướng đến xây dựng nông thôn mới với 5 nội dung cơ bản: làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, phát triển và xã hội nông thôn được quản lý tốt, dân chủ.

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay12,837
  • Tháng hiện tại159,617
  • Tổng lượt truy cập8,359,914
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây