Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các xã bãi ngang ven biển trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 20/08/2014 08:54
Hiện nay, cả nước có 311 xã bãi ngang sẽ được tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015.
Mô hình trồng tiêu của Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh
Mô hình trồng tiêu của Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh
Theo đó, các xã sẽ được đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; đầu tư chuẩn hóa trạm y tế xã; đầu tư bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối; hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao, bảo đảm chuẩn hóa về giáo dục. 


Quảng Trị có 12 xã bãi ngang ven biển thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định. Trong những năm qua Chính phủ đã tập trung đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã bãi ngang ven biển và đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, các xã bãi ngang ven biển cả nước nói chung và 12 xã của tỉnh Quảng Trị nói riêng còn gặp không ít khó khăn và thách thức trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ban hành tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. 


Tính đến cuối năm 2013, các xã bãi ngang đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Chỉ có 2 xã bãi ngang đạt khá là xã Vĩnh Thạch (là xã được Chủ tịch nước bảo trợ) đạt 15 tiêu chí và xã Triệu Phước (là xã điểm của huyện Triệu Phong) đạt 12 tiêu chí, còn 10 xã mới chỉ đạt 5-7 tiêu chí, phần lớn các xã không đạt tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế và môi trường, đặc biệt có 4 xã không đạt tiêu chí về tổ chức chính trị và an ninh; tất cả các xã không đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo quy định. 

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các xã còn ở mức cao như: xã Vĩnh Giang 11,55%, 22,54%; xã Vĩnh Thái 11,54%, 33,88%; xã Gio Hải 11,36%, 30,14%; xã Triệu Vân 16,71%, 17,27%; xã Hải Khê 12,58%, 13,79%...; tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, một số xã chưa hình thành các tổ, đội sản xuất hay HTX sản xuất để tập hợp lực lượng lao động trong việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, được coi là lợi thế của vùng... 

Từ thực trạng trên cho thấy các cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu của các xã bãi ngang ven biển còn yếu kém; tình hình thu nhập phần lớn chỉ đạt từ 12-14 triệu đồng/người/năm và đời sống của nhân dân các xã bãi ngang còn ở mức thấp; hệ thống tổ chức chính trị, an ninh ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu... 

Để các xã bãi ngang ven biển của tỉnh có những bước phát triển toàn diện và vững chắc trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu đề ra, xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây: 

Trước hết, cần phải tổ chức điều tra, khảo sát toàn diện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 12 xã bãi ngang ven biển để điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp với thực tế của từng xã. Trong đó, cần chú trọng đến quy hoạch bố trí, sắp xếp lại lực lượng lao động dân cư hợp lý trên địa bàn toàn xã để bố trí đầu tư các cơ sở hạ tầng mang lại hiệu quả thiết thực nhất; quy hoạch phát triển sản xuất nông-lâm-thủy sản theo thế mạnh của từng xã gắn với du lịch - dịch vụ ven bờ và hậu cần nghề cá. 

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy ở một số xã làm tốt công tác quy hoạch bố trí, sắp xếp lại lực lượng lao động dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, như: Xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), xã Triệu Vân, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), xã Hải An (huyện Hải Lăng) đã hình thành nên các cụm/khu dân cư xen ghép đa dạng, phong phú, hình thành nên các mô hình làng sinh thái nông- lâm- thủy sản kết hợp mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho nông dân; được đầu tư một số cơ sở hạ tầng thiết yếu bằng nguồn vốn bố trí dân cư đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Việc tổ chức lại sản xuất cho các xã bãi ngang ven biển cần phải tuân thủ theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Huy Ngọ, Cố vấn Chương trình nông thôn mới Trung ương và đồng chí Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đợt kiểm tra và làm việc với các xã bãi ngang ven biển của tỉnh từ ngày 21-22/7/2014. Đó là cần phải đặt vấn đề khai thác, đánh bắt và chế biến, tiêu thụ thủy hải sản lên đầu; cần tổ chức ngư dân thành các nhóm khai thác thủy sản ven bờ, xa bờ, tổ chức đội tàu khai thác phù hợp; cần tạo ra nhiều sản phẩm và loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú; mở các lớp đào tạo chế biến sản phẩm thủy sản thành những món hàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ xã hội; cần có chế biến chuyên sâu sản phẩm thủy sản để làm tăng giá trị và thu nhập cho ngư dân... 

Kiện toàn và nâng cao vai trò điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chủ chốt của các xã, thôn gắn cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’ với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; cương quyết chỉ đạo không để xã nào không đạt tiêu chí về hệ thống chính trị và an ninh. 

Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình bãi ngang (bình quân 1 tỷ đồng/năm), tỉnh cần có cơ chế đầu tư mang tính đặc thù cho 12 xã bãi ngang, với sự kết hợp đa dạng và có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án (như chương trình bố trí dân cư, nông thôn mới, trái phiếu Chính phủ, gói hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn...); tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX, vốn tín dụng và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm chuyển biến một bước hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, chú trọng ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. 

Kịp thời khen thưởng, biểu dương, vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của chương trình. 

Tác giả bài viết: Hoàng Đức Dưỡng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập67
  • Hôm nay10,716
  • Tháng hiện tại133,752
  • Tổng lượt truy cập8,334,049
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây