Triệu Trung đi lên từ đất và nước

Thứ sáu - 20/08/2021 02:58
Triệu Trung là một xã vùng đồng bằng của huyện Triệu Phong. Từ một xã thuần nông, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, vậy nhưng trong những năm gần đây, Triệu Trung đã có bước tiến vượt bậc về mọi mặt. Xã đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2004. Ngày 18/2/2020 Triệu Trung được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Từ đất đai, nhân lực, lao động và ý chí không cam chịu đói nghèo, xã Triệu Trung đã có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc về kinh tế- xã hội rất đáng ghi nhận.
Trạm Y tế xã Triệu Trung vừa được xây dựng khang trang - Ảnh: Đ.T
Trạm Y tế xã Triệu Trung vừa được xây dựng khang trang - Ảnh: Đ.T
  
Vùng đất hội tụ
 
Bà Nguyễn Thị Hoa Lợi là người cán bộ cơ sở một đời gắn bó với quê hương mình. Từ tháng 6 năm 1975 đến năm 1982 bà đảm nhiệm chức trách Phó Công an xã rồi Trưởng Công an xã; từ năm 1982 đến tháng 10/1983 là Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Công an xã; từ tháng 11/1983 đến năm 1997 là Chủ tịch UBND xã Triệu Trung. Có dịp trò chuyện cùng bà Lợi, chúng tôi đã có thể hình dung ra một giai đoạn khó khăn nhất của xã Triệu Trung khi quê nhà vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt.
 
Trong ký ức của bà Lợi, hồi đó dân làng sơ tán ra phía Bắc, chạy vào phía Nam trở về quê nhà sau ngày giải phóng, gia tài chỉ là đôi triêng gióng trên vai. Tất cả mọi thứ hầu như phải làm lại từ đầu. Cơm độn với sắn, khoai, hạt bo bo. Rồi cảnh mùa mưa nước ngập trắng đồng, ngập sân phơi hợp tác. Mùa nắng gió Lào quạt lửa, đến tre pheo cũng nổ râm ran dưới cái nắng như thiêu như đốt. Làm ăn hợp tác, công điểm được chia bằng lúa bó.
 
Đời sống người dân lúc bấy giờ quá khó khăn. Năng suất cây trồng thấp, mất mùa, thiếu đói thường diễn ra, nhất là những thời điểm giáp hạt. Đến nỗi nông dân một đời làm ruộng cơ chỉ và thạo việc mà lại cảm thấy âu lo khi nghe hợp tác xã giao đất, khoán sản phẩm. Lớp cán bộ chủ chốt ở cơ sở lúc đó họp hợp tác xã, họp đội sản xuất thâu đêm suốt sáng mà vẫn bế tắc trong việc chỉ đạo để vực dậy mảng nông nghiệp vốn bao đời nay là “bệ đỡ” của cả nền kinh tế.
 
Dân quê bao đời gắn với ruộng đồng mà thời bấy giờ không còn mặn mà với đất bởi đụng đâu thiếu đó, thiếu nước, thiếu phân, thiếu cần, thiếu giống, thiếu một cơ chế làm ăn hanh thông, minh bạch và thiếu cả tư duy đổi mới triệt để, đoạn tuyệt với cách làm ăn cũ, gò bó, yếu kém làm lòng người quan ngại. Những năm mất mùa, thiếu đói, nhiều người dân đã bứt khỏi làng, tìm đường vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Có đêm đi 2, 3 hộ, có đêm đi đến 1/5 số hộ trong một làng. Xã biết, thôn biết dân đi, nhưng không có cách gì khuyên can được vì khi cái ăn trước mắt còn chưa đủ nói chi đến đoạn đường “an cư lạc nghiệp” lâu dài.
 
Làng quê Triệu Trung bắt đầu cựa quậy chuyển mình đổi thay từ khi công trình thủy nông Nam Thạch Hãn đưa vào sử dụng. Dòng nước ngọt theo hệ thống kênh mương như những mạch máu lưu thông đan cài khắp hình hài đất ruộng. Nước đi đến đâu, sự sống lan tỏa đến đó. Cũng như cả vùng đồng bằng Triệu Hải, đồng ruộng Triệu Trung nước đã về xăm xắp những luống cày. Giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh được đưa vào gieo cấy đại trà. Cây lúa đã bắt đầu tươi tốt cả trên đồng ruộng và trong tư duy người trồng lúa nhờ được chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Rồi cơ chế khoán trong nông nghiệp của nhà nước cũng đã bắt kịp, chạm trúng ước vọng và niềm khao khát của người nông dân. Từ “khoán 100” (Chỉ thị số 100-CT/TW năm 1981), đến “khoán 10” (Nghị quyết số 10-NQ/TW) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988 sau Đại hội Đảng lần thứ VI - Đại hội đổi mới đất nước, đây được xem là chiếc chìa khóa vàng “cởi trói” cho nông nghiệp. Tiếp đến là hộ gia đình và cá nhân được nhà nước giao đất để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Đất ruộng ở Triệu Trung, từ giao không ai nhận, làm không đủ sống bỗng một ngày trở nên quý giá, cùng người nông dân liên tiếp thu được những mùa vàng.
 
Xã Triệu Trung thời bấy giờ được tỉnh Bình Trị Thiên chọn chỉ đạo điểm với phương châm “Hai giai cấp cùng làm ra một sản phẩm”. Từ quan hệ sản xuất khép kín đã mở ra mối quan hệ công nông bền chặt. Hỗ trợ cho cây lúa phát triển là hệ thống kênh mương hình thành khá đồng bộ. Nước đã đến được các vùng đồng xa vốn trước đây chỉ cấy được một vụ. Khi xã kết nghĩa với Nông trường lợn giống Triệu Hải, Trung tâm Giống vật nuôi Bình Trị Thiên, việc chuyển đổi vật nuôi trên địa bàn diễn ra khá thuận lợi. Xã đã từng bước thực hiện Móng Cái hóa đàn lợn, sản sinh ra giống lợn thế hệ F1, F2 cho sản phẩm thịt theo hướng nạc hóa, năng suất và trọng lượng cao hơn, theo đó, thu nhập của người nuôi lợn cũng cao hơn. Đồng ruộng được dồn điền đổi thửa. Giao thông nông thôn được nắn sửa, mở mang, đầu tư rải cấp phối đất đỏ. Hàng vạn ngôi mộ được quy hoạch, giải phóng một diện tích đất đai rộng lớn đưa vào sản xuất. Điện, đường, trường, trạm đã bắt đầu được chú trọng đầu tư xây dựng, tạo cơ sở vật chất và là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển cho đến hôm nay.
 
Là xã nằm ở vị trí thuận lợi, có sông Vĩnh Định chảy qua địa phận các thôn Ngô Xá Tây, Ngô Xá Đông; có tuyến đường nối từ thị xã Quảng Trị đến Phương Lang, tuyến đường đi từ Triệu Tài đến Triệu Sơn qua địa phận xã, Triệu Trung đã từng được chọn là xã trung tâm cụm thị tứ Trung - Sơn - Tài - Xuân - Quy - Vĩnh. Nhiều cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn xã như chi nhánh ngân hàng, bưu điện, thuế, cửa hàng thương nghiệp, cơ sở máy kéo, trạm thủy nông… Cách nay hơn 30 năm trước, Triệu Trung đã là đất làm ăn, đất hội tụ của cả khu vực đồng bằng Triệu Phong với đầy đủ ý nghĩa của vùng “đất lành chim đậu” mà chưa có nơi nào sánh được…
 
Nhiều nét mới trong xây dựng nông thôn mới
 
Là một địa phương thân thuộc với chúng tôi và bởi vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không khó để có thể phác thảo một diện mạo mới của xã Triệu Trung trong những năm gần đây.
 
Có thể thấy tổng diện tích đất tự nhiên của xã là không nhiều, chỉ hơn 730 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa nước hơn 413 ha. Dân số 6.371 người, với 1.358 hộ, được phân chia thành 8 làng. Địa bàn có 8 HTX sản xuất nông nghiệp và 1 HTX Tín dụng có số dư nợ cho vay trên 62 tỉ đồng. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, từ tháng 12/ 2012 khi được UBND huyện phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã Triệu Trung mới đạt được 4/19 tiêu chí. Sau gần 9 năm triển khai thực hiện , xã đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và đã đạt được 19/19 tiêu chí. Ngày 18/2/2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBND về việc công nhận xã Triệu Trung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
 
Đường qua xã Triệu Trung hôm nay - Ảnh: Đ.T
 
Nhờ xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bộ mặt nông thôn xã Triệu Trung có những chuyển biến rõ nét. Hệ thống đường giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, đã bê tông hóa đạt 97% từ đường ngõ xóm đến đường trục xã, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và sản xuất của Nhân dân. Hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu đảm bảo 100%, đã kiên cố hóa đạt 67%. Trường học ngày càng khang trang. Các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học ngày càng được đáp ứng. Từ năm 2017 - 2019 đã kêu gọi đầu tư xây dựng 20 phòng học nhà 2 tầng cho trường tiểu học và trung học cơ sở với nguồn kinh phí 10,8 tỉ đồng. Năm 2013 xã được UBND huyện công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Mạng lưới y tế của xã mở rộng, cơ sở vật chất y tế được xây dựng ngày càng tốt hơn. Trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới vào năm 2015. Hệ thống nước sạch và hợp vệ sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Xã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, internet đã đến tận các thôn và nhiều hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn xã. Hiện nay xã đã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn đáp ứng nhu cầu truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân. Hệ thống điện đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất, chất lượng điện ổn định. Hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Hiện nay trên địa bàn xã 100% đường ngõ xóm có điện sáng từ nguồn vốn đóng góp của Nhân dân hơn 600 triệu đồng.

Trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đưa các giống lúa mới có năng suất cao, kháng sâu bệnh hại, chống chịu hạn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vào sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có 7 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 190 ha; 18,2 ha sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên; 75 ha sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; 5,2 ha mô hình sen - cá. Có 13 mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có 2 trang trại và 11 gia trại. Duy trì cánh đồng màu ở Ngô Xá Tây với diện tích 5 ha; 1 tổ hợp tác nuôi gà thương phẩm tại Ngô Xá Tây; tổ hợp tác rau màu ở thôn Đạo Đầu; mô hình nuôi dế, bồ câu ở Thanh Lê; mô hình chế biến tinh dầu tràm ở Ngô Xá Đông và nhiều mô hình nuôi gà sạch, lợn sạch của chương trình KOICA. Xã cũng đã đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành cho đầu ra sản phẩm, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Vận động Nhân dân thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa cơ cấu giống nuôi, sản phẩm để tránh rủi ro khi có biến động về thị trường tiêu thụ. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã phát triển mạnh. Trên địa bàn xã có 2 chợ là chợ Hôm Đạo Đầu và chợ Ngô Xá, từng bước được quan tâm khôi phục từ nguồn kinh phí của Nhân dân. Cửa hàng Hiếu Oanh tại chợ Ngô Xá đã được huyện công nhận cửa hàng tiện lợi với hơn 200 mặt hàng kinh doanh. Nhờ những kết quả thu được trong phát triển kinh tế- xã hội, mức thu nhập bình quân trên đầu người đến năm 2019 là 38,8 triệu đồng, tăng 26,5 triệu đồng so với năm 2011.
 
Đi qua những làng quê Triệu Trung, cảm nhận sự đổi thay từ trong từng căn nhà, ngõ làng, góc xóm, chúng tôi tin rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Triệu Trung sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó, vươn lên, luôn năng động, sáng tạo trong từng công việc cụ thể để xây đắp cuộc sống thịnh vượng cho quê hương mình. Theo dòng chảy lịch sử, thời nào, đất Triệu Trung cũng có những cán bộ lãnh đạo địa phương tâm huyết với sự nghiệp chăm lo cơm no áo ấm cho người dân, từ bà Nguyễn Thị Hoa Lợi thuở trước đến các anh Nguyễn Phước Dĩnh, Nguyễn Đức Diện… hôm nay. Và do vậy, cùng với việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững và định hướng phấn đấu để xã Triệu Trung đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 là trong tầm tay.
  Điểm mới trong xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu Trung là trên cơ sở nguồn vốn đầu tư, xã tập trung triển khai xây dựng các công trình trọng điểm như: Hoàn thành hệ thống giao thông thiết yếu để phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân; đầu tư xây dựng các trường học đảm bảo điều kiện đạt chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như trường học, các thiết chế văn hóa cơ sở, đường giao thông nông thôn… Các công trình đầu tư đưa vào sử dụng có hiệu quả đã làm thay đổi diện mạo nông thôn xã nhà. Tổng kinh phí huy động thực hiện các tiêu chí nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2019 là 95,3 tỉ đồng, trong đó vốn huy động từ Nhân dân là 3,8 tỉ đồng. Nhân dân đầu tư tu sửa, xây dựng nhà ở, chỉnh trang khuôn viên tường rào với tổng kinh phí hơn 40 tỉ đồng, hiến đất 45.000 m2 , huy động trên 500 ngày công để xây dựng nông thôn mới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay27,307
  • Tháng hiện tại176,801
  • Tổng lượt truy cập8,377,098
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây