1. Kinh tế VAC, sinh thái học VACKinh tế VAC là một hệ thống kinh tế nông nghiệp tổng hợp do Hội Làm vườn Việt Nam đã khởi xướng và thúc đẩy phát triển từ năm 1986. VAC kết hợp kinh nghiệm canh tác bản địa lâu đời về làm vườn thực phẩm của nhân dân ta cùng với ứng dụng thích hợp tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra một mô hình sản xuất khép kín rất hiệu quả về kinh tế và rất thân thiện với môi trường.
Với quy trình sản xuất tận dụng tối đa các yếu tố ảnh hưởng của nhiệt độ, ánh sáng, nước, vi sinh vật, các sản phẩm chính và phụ trong vườn, ao, chuồng để tái sản xuất, VAC là một phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ thực sự. Nhờ vậy, kinh tế VAC đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp vừa sạch vừa có năng suất cao, lại giảm thiểu được chi phí, đem lại lợi nhuận cao cho người làm vườn, không gây phát thải nhiều khí nhà kính, không có yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
Không giống một số những hệ thống nông nghiệp thương mại hiện đại đang khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ, làm ô nhiểm nguồn nước; kinh tế VAC phù hợp với các mục tiêu cốt lõi của nền sản xuất Nông nghiệp bền vững (Permaculture) là: Dựa trên nền tảng của sinh thái học để bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều đang tập trung ứng dụng hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ này, nhất là Úc, Nhật bản, Mỹ, Thái lan...Đặc biệt, giá trị cốt lõi của kinh tế VAC rất phù hợp với các định hướng, mục tiêu và biện pháp của: (i) Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012; (ii) Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” ban hành kèm theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đặc điểm đất sản xuất nông nghiệp và tiềm năng VAC Quảng TrịTheo số liệu kiểm kê đất đai năm 2012, toàn tỉnh Quảng Trị có 381.008 ha đất nông nghiệp, chiếm 80,4% diện tích tự nhiên. Trong đó:
- Đất lúa nước có 28.480,94 ha, chiếm 32,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 6,01% diện tích tự nhiên.
- Đất trồng cây lâu năm có 34.561,14ha, chiếm 9,07% đất nông nghiệp và chiếm 7,29% diện tích tự nhiên.
- Đất rừng sản xuất có 129.606,49 ha, chiếm 32,46% diện tích đất lâm nghiệp và chiếm 34,02% đất nông nghiệp
- Đất nuôi trồng thuỷ sản có 2.627,55ha , chiếm 0,69% diện tích đất nông nghiệp.
- Đất bằng trồng cây hàng năm khác: Có 24.733,82 ha
- Đất nông nghiệp khác: Có 57,90ha. Loại đất này có nhiều nhất ở huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Triệu Phong.
Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong những năm qua tăng đáng kể, đưa sản lượng lương thực có hạt bình quân mỗi năm tăng 6.000 – 7.000 tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu lương thực tại chỗ cho nhân dân. Đất lâm nghiệp mỗi năm tăng 10 - 14 nghìn ha, bao gồm cả việc trồng mới rừng trên đất trống đồi núi trọc và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, góp phần giải quyết được khoảng 3.300 – 3.500 việc làm và cải thiện môi trường, chống xói mòn đất, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng lên 47%. Đã cơ bản ổn định việc sử dụng đất cho nông hộ. Sản xuất nông nghiệp đang dần đi vào chiều sâu thông qua các giải pháp tích cực để tăng vụ sản xuất, tăng lượng nông sản hàng hoá phục vụ xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng từ 27 triệu đồng/ha/năm 2000 (giá thực tế) đã tăng lên gần 33 triệu đồng/ha/năm 2005 và 43 triệu đồng/ha/năm 2012.
3. Đánh giá hiệu quả kinh tế VAC – tiềm năng còn bỏ ngõ ? Xin viện dẫn một vài mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả:
i. Với diện tích trang trại khoảng hơn 4,5 ha mỗi năm mang về hơn 200 triệu đồng tiền lãi, tất cả đều nhờ sự cố gắng học hỏi, sáng tạo và hơn hết là ý chí vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đó chính là mô hình kinh tế V-A-C của gia đình anh Dương Phúc Khanh, ở khu phố 6, phường Đông Lễ, Đông Hà; một trong những tấm gương tiêu biểu về một mô hình chăn nuôi đầy sáng tạo (Nguồn: Báo Quảng Trị).
Mô tả mô hình: Anh Khanh đã có gần 2.000 m
2 diện tích mặt nước chia làm 5 ao để nuôi cá. Trong đó có 1 ao được Trung tâm Khuyến nông thành phố hỗ trợ 50.000 con giống cá rô đầu vuông, được nuôi hoàn toàn bằng phương thức công nghiệp. Các ao còn lại nuôi nhiều loại cá theo kiểu truyền thống. Dù nuôi cá ở một địa bàn thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt nhưng 1 năm anh có thể thu tới 2 vụ với tổng sản lượng đạt gần 14 tấn cá.
ii. Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng . Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô tả mô hình: ban đầu anh đầu tư nuôi 30 lợn thịt và 300 gà Lương Phượng. Đến nay trang trại của anh Nguyễn Đức An đã có quy mô gần 1,5 ha với hệ thống chuồng trại khép kín cho mỗi loại vật nuôi. Bình quân mỗi năm tổng thu nhập của trang trại mình từ 700 triệu - 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí cho lãi từ 150-200 triệu đồng.
(Nguồn: Báo quảng Trị )iii. Tôi gặp lại Pỉ Thiết (thôn A Ho xã Thanh, Hướng Hoá, Quảng Trị) tại hội nghị biểu dương phụ nữ điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2012 của Hội LHPN tỉnh. Chị nắm chặt tay tôi, vui vẻ nói: “Cuộc sống gia đình tôi giờ đã khởi sắc, 4 đứa con được học hành đàng hoàng, và thêm một điều làm tôi vui mừng là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tôi giúp đỡ, nay đã có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Mô hình: phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, bắt đầu là xây dựng chuồng trại vững chắc để ngăn cản sự phá hoại của thú dữ, tiếp đến là nuôi hơn 10 con bò, đàn dê trên 20 con, hơn 25 con lợn nái, lợn thịt, đồng thời đẩy mạnh khai hoang để trồng sắn, trồng chuối, lúa nước… Hiện nay, từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho gia đình chị nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm (Nguồn: Báo quảng Trị
)iv. Anh Phạm Công Dũng, ở thôn Quyết Tâm, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê đang mùa đậu quả, phủ kín cả một vùng đất đỏ trù phú, giọng không khỏi bồi hồi: “Thành quả hôm nay của cả gia đình tôi đã phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Chính mình khai hoang vỡ đất làm giàu mà mình vẫn còn không hết ngạc nhiên khi nhớ lại, cách đây mấy chục năm, vùng đất này hoang vu, cằn cỗi đến nhường nào”. Sức người biến sỏi đá cũng thành cơm chính là đây.
Mô tả mô hình: Bằng nguồn thu từ 2,4 ha cà phê, 4 ao cá và chăn nuôi các loại heo, gà, vịt, dịch vụ vận tải mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh khoảng 720 triệu đồng, trừ các loại chi phí, còn lãi khoảng 400 triệu đồng. (Nguồn: Báo quảng Trị
)Trên đây là 4 trong rất nhiều câu chuyện làm kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh. Quảng Trị hiện có 77.780 /115.808 hộ dân sinh sống ở 117 xã nông thôn, chiếm tỷ lệ 67,1%. Nếu tính bình quân thấp nhất mỗi hộ dân ở nông thôn có 300 m
2 đất làm kinh tế VAC, cộng với diện tích trang trại, gia trại, VAC đô thị thì Quảng Trị cũng có ít nhất 10.000 – 15.000 ha VAC. Nếu thực hành VAC tốt thì sẽ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Về tiềm năng phát triển, nếu có quy hoạch tốt, chiến lược đầu tư đồng bộ, khai thác có hiệu quả thì tiềm năng đất đai để thực hiện các mô hình VAC, VACR là rất lớn.
Tuy nhiên, trong những năm qua, kinh tế VAC chưa được xem là một lĩnh vực sản xuất quan trọng trong nông nghiệp. VAC chưa được các cấp, các ngành quan tâm từ tổ chức đến hoạt động. Hội viên tham gia Hội VAC mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hộ sinh sống ở thôn. Phong trào VAC mới chỉ có một vài “điểm sáng”, chưa trở thành một chủ trương phát triển trong nghị quyết, kế hoạch phát triển của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên chưa có đủ cơ sở, động lực để phát triển.
Như vậy,
Tiềm năng kinh tế VAC ở Quảng trị vẫn còn bỏ ngõ...
4. Tương tác giữa Kinh tế VAC và vấn đề Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vấn đề | Tái cơ cấu ngành nông nghiệp | Kinh tế VAC |
Bản chất của sự phát triển | Chuyển hướng tăng trưởng nông nghiệp đang theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích, giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước… theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. | VAC bảo đảm cân bằng sinh học và cải thiện đất trồng để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và lâu dài. VAC khái thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng mà không làm cạn kiệt nguồn lực này, ngược lại VAC góp phần tạo ra môi trường sạch, đẹp hơn. |
Về kinh tế | Tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới Đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn | Kinh tế VAC là một thành phần chính của sản xuất nông nghiệp và là một bộ phận quan trọng của thu nhập hộ gia đình nông dân Việt Nam. Nhiều gia đình nông dân trở nên giàu có bằng thực hành VAC. Kinh tế VAC có một tiềm năng rất lớn, cần được kết hợp vào các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại các địa phương. VAC phát triển sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đa dạng và bền vững. Nó sẽ cung cấp sản phẩm nhiều hơn cho tiêu thụ, xuất khẩu và các ngành công nghiệp chế biến liên quan. |
Về xã hội | Tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về điều kiện đất đai, sinh thái, nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho cư dân nông thôn, giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. - Phát triển nông nghiệp hướng tới thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. | Thực hành VAC sẽ tạo việc làm và công việc sản suất tốt hơn cho nông dân, qua đó giảm bớt áp lực di cư của người dân nông thôn vào các thành phố. VAC tăng thêm thu nhập cho nông dân. Thực hành VAC cho phép phụ nữ làm việc trong môi trường lành mạnh, gần nhà và có thêm nhiều thời gian chăm sóc con cái của họ. VAC tại nông thôn có thể cho phép trẻ mồ côi, người tàn tật... có thể làm việc cùng nhau tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng và thu nhập. Nhiều mô hình VAC cũng được thiết kế cho các lớp mẫu giáo và trường học, cho đồng bào người dân tộc thiểu số để cải thiện dinh dưỡng của trẻ em và học sinh |
Về môi trường | Giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc khai thác các nguồn lực cho sản xuất nông lâm thủy sản; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên (đất, nước, nguồn lợi biển, rừng); tăng cường áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề; bảo tồn đa dạng sinh học. | Sự phát triển của hệ thống VAC góp phần hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường. VAC giúp sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên đất, nước và năng lượng mặt trời, tất cả các chất thải qua chu trình sản xuất khép kín (khí sinh học, phân sinh học) được xử lý bằng các công nghệ sinh học sẽ giúp cho chất lượng môi trường nước, đất và không khí được cải thiện theo thời gian. |
5. Một số biện pháp đẩy phát triển kinh tế VAC Xuất phát từ thực tiễn phong trào VAC trên địa bàn tỉnh, cần lưu ý một số nội dung sau để giúp kinh tế VAC phát triển:
Thứ nhất: Cần phát huy vai trò của con người thúc đẩy các mối quan hệ tương hỗ trong VAC: Hệ thống VAC được vận hành bởi một nhân tố quan trọng, đó chính là con người. Con người ở vị trí trung tâm tiêu thụ các sản phẩm VAC để tồn tại và phát triển và ngược lại, con người tác động và điều chỉnh các mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần của hệ thống bằng các yếu tố bổ sung từ bên ngoài như: phân bón sinh học, thức ăn cho chăn nuôi, ... và kiểm soát quá trình xử lý chất thải của VAC, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất cho hệ thống và bảo vệ môi trường. Vì vậy, VAC rất cần được đưa vào các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác nông nghiệp, khuyến nông và bà con nông dân. Từng bước chuyển nhận thức thành các hành động thực hành VAC hiệu quả.
Thứ 2, Cần có chủ trương, chương trình nhất quán về phát triển kinh tế VAC rộng rãi, nhất là ở cơ sở. Có như vậy mới kiện toàn tổ chức VAC, phát triển hội viên. Đặc biệt là bố trí con người, nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động VAC trong cộng đồng cư dân nông tôn và đô thị.
Thứ ba, Cần đổi mới hoạt động và Hội VAC và kinh tế trang trại theo hướng dịch vụ chuyên sâu VAC và kết nối rộng rãi, nhất là gắn với tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân và các đoàn thể chính trị.
Thứ tư, Các thành viên VAC cần liên kết lại để tạo ra sức mạnh ngày một lớn hơn gồm: Liên kết giữa những người làm vườn VAC, trang trại để hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẽ kinh nghiệm, nhất là chống lại sự ép giá của thương lái khi thu mua sản phẩm VAC. Liên kết giữa Hội VAC các địa phương với nhau để cùng sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa tập trung, có khối lượng đủ lớn để đem ra thị trường. Liên kết giữa Hội VAC &Trang trại với các tổ chức hỗ trợ KHKT, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm để thực hiện tốt các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các ngành hàng trong hệ thống VAC thông qua hợp đồng.
Kết Luận: Để kinh tế VAC phát huy ngày một tốt hơn tiềm năng đang có, và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội, xin dẫn tóm tắt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát:
Ngày 4 tháng 4 năm 2013, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành lễ ký kết Nghị quyết liên tịch về phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ NN&PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2013-2020. Phát biểu trước khi ký Nghị quyết liên tịch, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao vai trò của HLV trong việc đóng góp vào xoá đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp và nông thôn. Bộ trưởng nhấn mạnh là ngày nay phát triển kinh tế VAC trở thành giải pháp quan trọng để đạt được tiêu chí thu nhập trong Chương trình phát triển nông thôn mới. Nhiều mô hình nông dân nhờ làm VAC đã xoá được nghèo và làm giàu và có nhiều hộ nông dân trở nên rất giàu. Bộ NN&PTNT đề nghị có cuộc trao đổi sâu với Hội về phát triển kinh tế VAC trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của HLV các địa phương là tổ chức hỗ trợ cho các Sở NN&PTNT ở cấp tỉnh, các phòng Nông nghiệp ở cấp huyện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thay mặt Bộ NN&NT, Bộ trưởng cảm ơn HLV VN và tổ chức HLV các cấp vì sự quan tâm hỗ trợ có hiệu quả trong thời gian qua. Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và PTNTN địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện Nghị quyết này./.