I. Nguyên lý tái sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong mô hình kinh tế VAC.Kinh tế VAC là một thành phần chính của sản xuất nông nghiệp và là một bộ phận quan trọng của thu nhập hộ gia đình nông thôn. Đây là hệ thống nông trang viên, một hệ thống kinh tế nông nghiệp tổng hợp mà Hội Làm vườn Việt Nam đã khởi xướng và thúc đẩy phát triển từ năm 1986 khi Chính sách giao đất lâu dài cho nông dân bắt đầu có hiệu lực. VAC là một mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm là các hoạt động chính. Các hoạt động này có những mối quan hệ mật thiết và khăng khít nhau, tạo nên một hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên đất đai, nguồn nước và đa dạng sinh học tiểu vùng, giảm thiểu tác động có hại cho môi trường, phòng ngừa được dịch bệnh, tạo ra nguồn sản phẩm sạch để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.
Trong mỗi hệ thống VAC có những mối quan hệ tương hổ thúc đẩy các thành phần của VAC phát triển. Những quan hệ này giúp cho hệ thống vận hành có hiệu quả, khai thác và tận thu tối đa nguồn tài nguyên và năng lượng của từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái. ‘Vườn’ cung cấp các thức ăn cho chăn nuôi (rau, cỏ, thân cây đậu, ngô, rau lang, lá sắn...), ‘Chuồng’ cung cấp phân bón được chế biến từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong vườn; ‘Ao’ cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng trong ‘Vườn’, ngược lại nhiều cây thực vật từ ‘Vườn’ có thể làm thức ăn cho cá trong ‘Ao’; rất nhiều sản phẩm và phụ phẩm từ ‘Ao’ là nguồn thức ăn bổ sung có chất lượng cho chăn nuôi gia cầm (ruột, xương và đầu tôm, cá các loại...) làm thức ăn bổ sung với lượng đạm cao cho gia cầm. Nước từ ‘ao’ rất cần để rửa sạch và vệ sinh hệ thống chuồng trại chăn nuôi và sau đó có thể xử lý để quay trở lại ‘Ao’ với nguồn dinh dưỡng tốt cho cá... Chất thải gia súc sau khi phân hủy để tạo khí sinh học thay thế chất đốt truyền thống (củi, than đá, rơm rạ...) thì bã thải của nó trở thành nguồn thức ăn có giá trị để nuôi cá, hoặc nuôi giun làm thức ăn cho cá hoặc cho gia cầm... Vì vậy, mô hình VAC có thể được quản lý và phát triển như một mô hình sản xuất tổng hợp, khép kín phi chất thải, là một mô hình rất hữu ích trong việc kết hợp giữa nâng cao hiệu quả sản xuất với bảo vệ môi trường.
II. Tình hình phát triển kinh tế VAC ở Quảng Trị và công tác bảo vệ môi trườngĐược sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, trong nhiều năm qua mô hình kinh tế VAC ở Quảng Trị phát triển khá mạnh mẽ và đa dạng. Về quy mô, mô hình kinh tế VAC có thể chia làm hai loại: Trang trại và Gia trại. Sự phát triển, hình thức đầu tư, hiệu quả kinh tế, giải pháp bảo vệ môi trường trong hai loại này cũng có những đặc thù khác nhau. Theo số liệu thống kê, đến nay Quảng Trị có trên 180 trang trại
[3] theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
[4] với diện tích trên 800ha. Về loại hình sản xuất, các mô hình VAC bao gồm: VAC vườn đồi chủ yếu là trồng rừng; VAC chăn nuôi gia súc gia cầm chủ yếu là bò, dê, lợn, gà; VAC nuôi cá; VAC nuôi tôm trên cát, VAC sản xuất giống; và VAC tiểu nông (gia trại).
Phần lớn các trang trại được đầu tư nguồn vốn khá lớn, một số trang trại có thuê mướn nhân công và loại hình sản xuất chủ yếu tập trung vào một đến hai thành phần trong mô hình VAC. Các trang trại vườn đồi chủ yếu là trồng cây lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi bò và lợn (VC), một số ít có kết hợp với nuôi cá nhưng hiệu quả nuôi cá không cao (VA). Các trang trại nuôi tôm trên cát hầu như chỉ nuôi tôm (A). Một số trang trại chỉ nuôi lợn và cá (AC). Một số trang trại chỉ sản xuất cây giống hoặc con giống (V,C)...
Ngược lại, các gia trại được phát triển phổ biến tại gia đình, quy mô nhỏ, nhân công của gia đình, thường có đủ cả ba thành phần VAC, nhưng thiếu vốn và đất sản xuất.
Công tác bảo vệ môi trường tại các mô hình VAC được các cấp chính quyền và các ngành quan tâm như tổ chức hàng chục đợt tập huấn, tham quan với hơn 330 người tham gia
[3]; hỗ trợ kinh phí xây hệ thống xử lý.v.v. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường bước đầu đã được các hộ áp dụng vào sản xuất. Nhiều hộ đã xây hệ thống biogas, sử dụng phân vi sinh, dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường; một số trang trại đã áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới...
Bên cạnh những kết quả tích cực, vì nhiều lý do, công tác bảo vệ môi trường trong phát kinh tế VAC ở Quảng Trị hiện nay vẫn chưa đi vào chiều sâu. Về phía các hộ dân, nhận thức về trách nhiệm và lợi ích từ việc bảo vệ môi trường còn hạn chế. Nhiều trang trại thiếu quan tâm và đầu tư cho việc bảo vệ môi trường tại khu vực sản xuất. Rất nhiều trang trại không đầu tư hoặc đầu tư không đúng mức các công trình xử lý chất thải. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng thiếu kiểm soát... Chẳng hạn, phần lớn trong số hơn 20 trang trại nuôi tôm trên cát không đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng mức, không có giải pháp an toàn để xử lý dịch bệnh
[5]. Việc nuôi vịt đại trà trên một số khúc sông Vĩnh Định cũng góp phần gây ô nhiễm cho dòng sông này. Việc đốt phụ phẩm nông nghiệp vẫn diễn ra phổ biến cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường chung.v.v. Điều này đã gây tác động có hại đến môi trường, góp phần làm nghiêm trọng hơn tình hình dịch bệnh gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ dân. Trong nhiều năm trở lại đây, đã có nhiều đơn thư kiến nghị của nhân dân phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường gửi đến các cơ quan, ban ngành trong tỉnh.
Do mức độ phát triển kinh tế của tỉnh còn hạn chế, cơ sở hạ tấng chưa phát triển đồng bộ, một số khu vực nông thôn còn thiếu nước sạch để sinh hoạt. Phần lớn chất thải rắn nông thôn chưa được tổ chức thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc quy hoạch đất đai, quy hoạch cơ sở hạ tầng – kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch phát triển mới và chỉnh trang khu dân cư chưa đồng bộ, nhiều vướng mắc. Nguồn vốn vay cho phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế... cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở vùng nông thôn.
III. Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế VACViệc áp dụng mô hình VAC vào sản xuất ở Quảng Trị trong những năm qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngoài một số trang trại có sự đầu tư cơ bản, phần lớn các trang trại còn lại có quy trình áp dụng khá đơn giản, chưa tạo ra được các quy trình thực sự khép kín, do đó hiệu quả thu được, đặc biệt là hiệu quả bảo vệ môi trường chưa cao. Người dân chưa thực sự tin rằng việc đầu tư cho bảo vệ môi trường sẽ có tác dụng tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tổn thất, tạo ra nguồn sản phẩm sạch có giá trị từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất. Căn cứ vào thực trạng sản xuất ở các mô hình trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh, chúng ta nên tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao kiến thức cơ bản, kinh nghiệm điều hành sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, biết tổ chức và sử dụng lao động; tạo ra động lực cho nông dân mạnh dạn đầu tư vào trang trại. Các hình thức tuyên truyền có thể là: phát triển các mô hình VAC điểm trên địa bàn tỉnh làm nơi tham quan, học tập; phổ biến các tài liệu làm vườn
[6], sổ tay hướng dẫn
[7], trang web
[8]... đến tay người nông dân;
2. Triển khai thực hiện hình thức Cam kết bảo vệ môi trường của từng hộ gia đình gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương;
3. Phát triển các mô hình tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm chi phí đầu tư và diện tích đất sử dụng, đặc biệt là đối với bảo vệ môi trường;
Chẳng hạn, ở làng Bún Cẩm Thạch (Cam An, Cam Lộ), người dân làm bún kết hợp nuôi lợn. Nước thải từ hoạt động sản xuất không được xử lý, không có hệ thống thoát nước gây mùi hôi ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu mỗi hộ xây một hệ thống biogas thì rất lãng phí, nhưng nếu 5-7 hộ xây chung một hệ thống biogas và hệ thống thoát nước thì sẽ tiết kiệm chi phí và vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được khắc phục.4. Các địa phương có kế hoạch bố trí vốn để hỗ trợ các trang trại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở chế biến. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi lãi suất vay đối với việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường;
5. Các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất cho phát triển trang trại, rà soát lại các trang trại hiện có, xúc tiến nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn giản thủ tục thuê đất, giải quyết các vướng mắc về đất đai cho các hộ để người dân yên tâm và mạnh dạn đầu tư lâu dài.
Qua phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp như trên cho thấy chúng ta cần phải kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ môi trường với mô hình kinh tế VAC trong phát triển nông nghiệp. Để đạt được mục đích này, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành chức năng, sự lồng ghép các chương trình đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì sẽ nâng cao được hiệu quả phát triển nông thôn gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO[1]
19 Tiêu chí xây dựng Nông thôn mới cấp xã khu vực Bắc Trung Bộ, Quyết định 491/QĐ-TTg, ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
[2]
Hội nghị giao ban ngày 11/10/2012, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị về đánh giá kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm và kế hoạch cho 3 tháng cuối năm 2012.
[3]
Số liệu tổng hợp, Hội làm vườn tỉnh Quảng Trị
[4]
Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại
[5]
Số liệu thanh kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị.
[6]
Bài giảng kinh tế - kỹ thuật VAC, GS-TS. Ngô Thế Dân và GS-TSKH. Hà Minh Trung, Hội Làm vườn Việt Nam.
[7]
Sổ tay hướng dẫn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.
[8]
http://www.vacvina.org.vn, Trang Thông tin điện tử Hội làm vườn Việt Nam.