Mỗi xã một sản phẩm - Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới
Bắt đầu từ tháng 5/2018 chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến tháng 5/2020, cả nướccó61/63tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án/kế hoạch triển khai chương trình OCOP, trong đó có 32 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận 1.711 sản phẩm OCOP của 986 chủ thể tham gia.
Đạt được kết quả khả quan như vậy là nhờ nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) về vị trí của chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và khai thác những đặc trưng, lợi thế để phát triển các sản phẩm theo chu trình OCOP. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng có chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, bán thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Các tổ chức kinh tế tham gia chương trình được củng cố, phát triển, nhiều chủ DN, HTX có độ tuổi còn trẻ, nữ, có trình độ, hoạt động nhanh nhạy với cơ chế thị trường.
Định hướng trong thời gian tới tiếp tục triển khai chương trình OCOP theo hướng đi sâu vào chất lượng, theo đúng nguyên tắc và bản chất của chương trình; tăng cường hơn nữa sự tham gia của cấp xã, cộng đồng người dân và DN trong thực hiện chu trình OCOP, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sắc bản địa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường…
Tại hội nghị tập huấn chương trình OCOP vừa diễn ra đã hoạch định được lộ trình và mục tiêu phát triển, trong đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuẩn hóa, công nhận sản phẩm OCOP năm 2020. Bên cạnh đó là điều chỉnh, sửa đổi bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP. Theo đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch khung chỉ đạo điểm của chương trình trong năm 2020; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 DN nhỏ và vừa, nhất là các HTX tham gia chương trình OCOP; củng cố, kiện toàn 100% DN, HTX tham gia chương trình; tập huấn, nâng cao nhận thức nhằm định hướng, chấn chỉnh cách thức triển khai của các địa phương; đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn gắn với phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống…
Nâng cao chất lượng và tính bền vững khi thực hiện tiêu chí môi trường
Tiêu chí môi trường (TCMT) trong xây dựng NTM là căn cứ để xây dựng và triển khai các chính sách về bảo vệ môi trường tại các địa phương. Thông qua việc thực hiện TCMT, vai trò điều phối, kết nối về chức năng quản lý, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đã được cải thiện. Từ việc thực hiện TCMT nhiều sáng kiến được phát huy hiệu quả. Có sự gắn kết từ nghiên cứu khoa học đến ứng dụng thực tiễn cũng như huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, DN và cộng đồng.
Hiệu quả mang lại khi thực hiện TCMT trong xây dựng NTM là công tác quản lý chất thải rắn nông thôn đã chuyển biến tích cực. Có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, có 16/63 tỉnh, thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn theo quy mô liên huyện và cấp tỉnh. Hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt dưới hình thức tổ tự quản, HTX và do DN tư nhân đảm nhận. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể, có nhiều địa phương đạt trên 90%. Nhờ vậy hệ sinh thái đặc thù nông thôn được khôi phục, cải thiện, mang lại các giá trị kinh tế và tinh thần không nhỏ cho người dân.
Tuy nhiên việc thực hiện TCMT và an toàn thực phẩm (tiêu chí 17) vẫn còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Đó là một số chỉ tiêu trong thực hiện TCMT còn mang tính tương đối, định tính, chưa cụ thể về khối lượng dẫn đến khó xác định, đánh giá. Một số chỉ tiêu chứa nhiều nội hàm như chỉ tiêu 17.5 về chất thải rắn và nước thải dẫn đến lúng túng từ khâu tổ chức thực hiện đến kiểm tra, đánh giá kết quả. Nhiều chỉ tiêu có sự giao thoa giữa chức năng nhiệm vụ của các ngành, vì vậy trong phân công thực hiện tại các địa phương có sự chồng chéo. So với nhiều tiêu chí khác khi thực hiện đôi khi TCMT không đòi hỏi phải đầu tư lớn nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của chính quyền và người dân. Bài học từ nhiều địa phương cho thấy nếu chỉ cần dừng sau thời điểm công nhận là sẽ tụt hậu rất nhanh. TCMT có những chỉ tiêu yêu cầu rất cao (đạt 100%) như cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ bảo đảm về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm nên rất khó để thực hiện ở nhiều địa phương. Ngoài ra TCMT là một tiêu chí không ổn định, luôn thay đổi và chịu ảnh hưởng từ các rào cản của các tiêu chí khác về hạ tầng cũng như thiên tai, dịch bệnh nên sự thành công còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan tác động.
Do vậy, việc thực hiện TCMT trong xây dựng NTM trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn. Tìm kiếm các giải pháp khoa học, công nghệ trong tận thu, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải phát sinh. Tiếp tục mở rộng khu, cụm dân cư xanh, sạch, đẹp…Đặc biệt là nâng cao nhận thức cho cán bộ, cư dân nông thôn về tính hiệu quả, bền vững trong thực thi TCMT. Không ngừng hoàn thiện khung thể chế, chính sách, quy định, hướng dẫn hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện TCMT phù hợp với thực tiễn đời sống. Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút kêu gọi đầu tư. Đồng thời áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết các xung đột về môi trường nhưng phải bảo đảm tính nghiêm minh và ổn định tư tưởng, tâm lý của người dân.
Giải pháp có tính bền vững để xây dựng NTM ở vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Xác định việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi diện mạo vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên Chính phủ đã dành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ. Nổi bật là ưu tiên nguồn lực cho các xã ĐBKK và xã đạt dưới 5 tiêu chí cao hơn 4 -5 lần so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”. Trong đó, bổ sung khoảng 1.400 tỉ đồng để hỗ trợ cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai đề án.
Nhờ nguồn đầu tư lớn, đến tháng 3/2020, cả nước đã có 2.947 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM (bằng 45% tổng số xã). Bình quân mỗi xã đã đạt 14,87/19 tiêu chí. Một số tỉnh vùng DTTS và miền núi đã có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM như huyện Trấn Yên (Yên Bái), thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), huyện Tây Trà (Phú Yên)… Thông qua chương trình, đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện rõ nét. Tỉ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm. Đến nay, vùng DTTS và miền núi đã có 61,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 60,7% số xã hoàn thành tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới, đặc biệt là đảm bảo mục tiêu phấn đấu không còn xã dưới 15 tiêu chí trong giai đoạn 2021-2025, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện chương trình cho các địa phương có đặc thù (bị chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai…). Đồng thời ưu tiên các hạng mục về hạ tầng để giúp các thôn, xã giáp biên giới đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất… Đặc biệt là huy động tối đa nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của chương trình MTQG và các chương trình hỗ trợ khác. Xem xét sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của chương trình MTQG xây dựng NTM để đảm bảo việc phân bổ vốn tập trung, tránh dàn trải, đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về phân cấp, trao quyền, huy động và sử dụng nguồn lực. Bộ tiêu chí về xã NTM được trung ương, tỉnh ban hành đều được phân ra các vùng khác nhau nên mức độ xã đạt chuẩn NTM có sự khác nhau. Do vậy trung ương cần có chính sách hỗ trợ việc duy trì, nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn đối với các xã ĐBKK, biên giới để đảm bảo công bằng giữa các vùng.