A Ngo là xã biên giới đặc biệt khó khăn, có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Pa Kô. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, đảng ủy xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo từng năm; chỉ đạo tập trung thực hiện chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đạt các chỉ tiêu, tiêu chí đề ra… “Trên tinh thần các văn bản chỉ đạo của đảng ủy, UBND xã đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; các quy hoạch, kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực phù hợp với thực tế của địa phương như phát triển chăn nuôi, trang trại, vùng chăn nuôi lợn bản, phát triển rừng sản xuất phục vụ chế biến, 3 loại rừng… Đồng thời, quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn”, Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết.
Sau 5 năm triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tổng diện tích gieo trồng toàn xã hằng năm đều tăng về năng suất và sản lượng, đến năm 2020 đạt 727 ha, tăng 74,7 ha so với năm 2015. Để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, xã đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện canh tác lúa, đưa các giống lúa mới chống chịu hạn Thiên Ưu 8, HT1… vào sản xuất; chuyển dần diện tích lúa nước 1 vụ, kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như ngô, rau màu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Trên địa bàn xã có 5 mô hình trồng trọt có hiệu quả như mô hình trồng ngô lai, trồng chuối tiêu hồng, trồng chuối mật mốc… Chăn nuôi phát triển, chuyển dần từ hình thức chăn thả tự nhiên sang hướng có chuồng trại. Hiện toàn xã có tổng đàn gia súc 2.230 con, gia cầm khoảng 7.800 con, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng so với những năm trước; có 42 ao cá với diện tích 1 ha, đem lại thu nhập ổn định cho một số hộ gia đình. Ngoài ra, xã còn có một số mô hình chăn nuôi bò, dê nhốt, ngan đen, gà bản có hiệu quả kinh tế cao.
Việc chuyển đổi diện tích đất bạc màu, đồi trọc sang trồng rừng sản xuất được người dân A Ngo phát triển mạnh mẽ. Diện tích trồng rừng tập trung tăng trên 43,5 ha, trồng cây phân tán tăng 11,3 ha so với năm 2015. Các nguồn lợi từ lâm sản như đót, mây, tre hằng năm mang lại nguồn thu tương đối khá cho các hộ gia đình. Xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo bước đột phá cho cơ cấu lại nông nghiệp, thời gian qua, được sự quan tâm của trung ương, tỉnh, huyện và các chương trình, dự án, nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như giống lúa, phân bón, máy phát cỏ, máy chế biến thức ăn cho gia súc, máy cày, máy sạ hàng... được triển khai trên địa bàn xã mang lại hiệu quả cao. Xã cũng đã tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình sản xuất mới như mô hình nuôi dê nhốt, trồng chuối, trồng cỏ nuôi bò và thực hiện hỗ trợ trực tiếp sản xuất cho hơn 350 lượt hộ hưởng lợi. Chương trình xây dựng NTM đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương. Nhiều người dân trong xã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu thiết yếu của cộng đồng. Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 17.300 m2 đất, hàng nghìn ngày công; từ các nguồn vốn của trung ương, địa phương, chương trình, dự án, xã đã đầu tư trên 32,7 tỉ đồng xây dựng mới 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, nâng cấp trụ sở UBND và trạm y tế xã.
Ông Hồ Tất Huấn cho biết thêm: “Nhờ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của A Ngo đạt 18 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí thôn NTM đạt từ 7 tiêu chí/thôn, không còn thôn dưới 7 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm 2021 có 1 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Thời gian tới, xã tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gắn với thực hiện các chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, xây dựng 1 - 2 sản phẩm OCOP. Tăng cường việc trồng và bảo vệ rừng, hoàn thành việc giao đất khoán rừng. Coi trọng thu hút đầu tư của các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên bê tông hóa đường từ xã đến các thôn bản và khu sản xuất tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân. Tập trung xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến năm 2025 xã đạt chuẩn NTM”.