Trong giai đoạn 2016- 2020, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định rằng các chính sách được ban hành trong thời gian qua trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo ra cú hích, tác động tích cực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Các chính sách đã góp phần giúp ngành nông nghiệp tạo ra “bệ đỡ” cho phát triển kinh tế tỉnh nhà trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết theo chuỗi giá trị. Sản lượng lương thực có hạt đạt 27,5 vạn tấn/năm, vượt 11% so với chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế; trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh, thuộc nhóm đầu cả nước. Kết quả xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra: Toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVI (40 - 50%); toàn tỉnh có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện không có xã đạt chuẩn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các Nghị quyết còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: Việc xác định định mức hỗ trợ đối với cây trồng vật nuôi, định mức hỗ trợ đối với các nội dung xây dựng NTM có một số nội dung chưa sát, chưa phù hợp; nguồn ngân sách bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra; một số nội dung hỗ trợ chưa có tính dự báo, dự tính nên lỗi thời, không phù hợp thực tiễn; quy mô hỗ trợ nhỏ, dàn trải không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia, ngoài ra việc huy động, lồng ghép nguồn lực của các địa phương, sở ngành chưa hiệu quả, chưa tạo được nguồn lực lớn để thực hiện.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các ngành, các địa phương, đặc biệt phát biểu của đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi mở một số vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Hà Sỹ Đồng thống nhất đề nghị HĐND tỉnh bổ sung, điều chỉnh 2 nghị quyết áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 là Nghị quyết 03 ngày 23/5/2017 về Chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 04 ngày 23/5/2017 về Kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020. Đồng thời đề xuất ban hành nghị quyết mới thay thế 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 30 ngày 14/12/2017 về Xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Nghị quyết số 27 ngày 14/12/2016 về Chương trình kiên cố hóa kênh mương tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 03 ngày 18/7/2018 về Định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018- 2020. Đồng chí Hà Sỹ Đồng còn đề nghị trên cơ sở những tồn tại, hạn chế và thực tiễn triển khai các Nghị quyết trong thời gian qua, các ngành, địa phương cần nghiêm túc rà soát, đánh giá, chọn lọc đề xuất những nội dung đưa vào Nghị quyết đảm bảo phù hợp, khả thi và đi vào thực tiễn cuộc sống.