Sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai - 14/10/2019 22:47
Hiện nay, Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu tác động lớn bởi sự biến đổi khí hậu (BĐKH), trở thành mối đe dọa đối với đời sống và sản xuất nông nghiệp, làm cho kết quả sản xuất ngày càng kém đi. BĐKH thậm chí còn tác động nặng hơn đến Quảng Trị do tỉnh có địa hình hẹp, độ dốc từ Tây sang Đông lớn nên thường gây ra các hình thái khí hậu cực đoan như hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng. Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của tỉnh là ứng dụng các tiến bộ KHKT để phát triển sản xuất nông nghiệp sao cho hạn chế những tác động xấu của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp giúp thu hoạch nhanh, rút ngắn thời gian cây trồng trên đồng ruộng dễ tác động bởi thiên tai​
Ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp giúp thu hoạch nhanh, rút ngắn thời gian cây trồng trên đồng ruộng dễ tác động bởi thiên tai​

Tác động của BĐKH tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp là làm cho cây trồng sinh trưởng sai quy luật bình thường, gây thiệt hại lớn về diện tích đất nông nghiệp. Mỗi năm sản xuất nông nghiệp mất đi hàng trăm héc ta cây trồng do khô hạn thiếu nước, do lũ ống, lũ quét, bão tố, lốc xoáy… Trên địa bàn của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, sự thay đổi của khí hậu thời tiết như rét đậm, rét hại kéo dài, lũ lụt, khô hạn đã bắt đầu có sự xáo trộn trong mùa vụ sản xuất các loại cây trồng, nhất là cây lương thực. BĐKH còn phá hủy các công trình thủy lợi, nhất là các hồ đập thủy lợi vừa và nhỏ, hệ thống kênh mương, đường giao thông, nhà cửa, ao hồ, chuồng trại…

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (dự án WB7) đã đầu tư cho 7 tỉnh có điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn nhất cả nước để nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững thích ứng BĐKH trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lí thủy lợi, theo định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quảng Trị là một trong 7 tỉnh được tham gia dự án với 4 hợp phần, hợp phần 3 là “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH” (CSA) được triển khai trên địa bàn qua 11 vụ sản xuất, từ vụ đông xuân năm 2014- 2015 đến nay đã khẳng định được hiệu quả của các phương pháp sản xuất thông minh như: Sử dụng công cụ sạ hàng để giảm lượng giống giúp giảm giá thành sản xuất, hạn chế sâu bệnh do gieo dày, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lúa…đưa đến năng xuất lúa cao hơn, hiệu quả kinh tế hơn gieo sạ bằng tay; sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy gốc rạ ngay trên đồng ruộng tăng chất mùn cho đồng ruộng, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây chai cứng đất, ô nhiễm môi trường; sử dụng bón phân bón nhả chậm (phân đạm hạt vàng có bọc lớp bảo vệ để chậm bốc hơi) giúp cây trồng hấp thụ được nhiều lượng phân hơn, tiết kiệm phân bón; thực hiện tưới tiêu hợp lí dựa vào nhu cầu cần nước của cây trồng theo từng chu kì sinh trưởng để tiết kiệm nước, hiệu quả tưới cao…

Xã Gio Quang, huyện Gio Linh là một trong những địa phương đầu tiên được tham gia chương trình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Cứ mỗi năm có 120 hộ tham gia chương trình, đến nay toàn xã đã có hơn 480 hộ thuần thục các phương pháp sản xuất nông nghiệp tiến bộ phù hợp với sự thay đổi của khí hậu. Mỗi hộ dân tham gia chương trình đều được tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật trồng lúa mới từ gieo sạ, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch và tái sản xuất sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Hộ ông Lê Nghi ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, Gio Linh sản xuất 3,1 ha lúa. Trước đây, mỗi vụ ông Nghi sử dụng 310 kg thóc giống, nhưng từ khi tham gia chương trình, được cán bộ kĩ thuật hướng dẫn ứng dụng phương pháp gieo sạ mới nên ông chỉ sử dụng 217 kg thóc giống cho mỗi vụ. Sử dụng công cụ sạ hàng, vừa tiết kiệm được giống lúa, vừa tạo thành các hàng lúa dễ chăm sóc trong quá trình lúa phát triển. Lúa gieo mật độ vừa phải ít cạnh tranh về dinh dưỡng, đẻ nhánh tốt, sinh trưởng nhanh, cây khỏe, ít sâu bệnh dẫn đến năng suất thu được cao hơn nhiều so với trước đây. Ông Nghi cho biết: “Được dự án hỗ trợ ứng dụng kĩ thuật mới vào sản xuất lúa, gia đình tôi trồng lúa đỡ vất vả hơn và hiệu quả cũng cao hơn. Chi phí sản xuất thấp hơn nhưng giá trị làm ra lại cao hơn nên người dân ở đây ai cũng thích làm lúa theo phương pháp của dự án. Làm rồi thành quen, nhiều hộ chưa đến lượt được dự án hỗ trợ cũng tự học hỏi và đầu tư làm trước”.

Sau 5 năm thực hiện dự án WB7, hợp phần 3 CSA, đã hình thành cho nông dân Quảng Trị những tập quán tốt trong kĩ thuật sản xuất nông nghiệp. Bằng việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, các biện pháp sản xuất thông minh thích nghi với BĐKH và quản lí sản xuất một cách có khoa học đã mang lại hiệu quả cao trong trồng trọt các loại cây trồng. Đánh giá về hiệu quả dự án đưa lại, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Việc ứng dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp theo CSA mang lại giá trị cao hơn sản xuất nông nghiệp truyền thống nhờ một mặt ứng dụng các tiến bộ KHKT, mặt khác lách được những yếu tố bất lợi của khí hậu thời tiết. Với phương pháp sản xuất thông minh và thân thiện với môi trường đang đưa nền nông nghiệp của tỉnh thích ứng dần với BĐKH, có hiệu quả cao và sản xuất bền vững hơn. Nông dân rất phấn khởi”.

Khí hậu, thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sản xuất nông nghiệp là một ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của khí hậu thời tiết nên việc tổ chức sản xuất thông minh với các giải pháp KHKT và hiểu rõ đặc tính cây trồng để đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ làm giảm đáng kể sự tác động tiêu cực của BĐKH, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và sản xuất nông nghiệp nhờ đó bền vững hơn.vvv

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập632
  • Hôm nay3,112
  • Tháng hiện tại33,661
  • Tổng lượt truy cập9,583,246
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây