Gia đình ông Hồ Mã Lai vượt khó làm giàu

Thứ hai - 14/10/2019 22:28
Ngồi trong căn nhà hai tầng khang trang nhất nhì bản vừa được xây dựng, vợ chồng ông Hồ Mã Lai (58 tuổi) và bà Hồ Thị Phong ở bản Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa rất phấn khởi và mãn nguyện. Chính ý chí, khát vọng thoát nghèo và sự cần cù, chịu thương chịu khó đã giúp vợ chồng ông bà vươn lên làm giàu, nuôi dạy các con học hành nên người.
Hai căn nhà 2 tầng khang trang của vợ chồng ông Hồ Mã Lai ở bản Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa vừa mới được xây dựng​
Hai căn nhà 2 tầng khang trang của vợ chồng ông Hồ Mã Lai ở bản Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa vừa mới được xây dựng​

Không chỉ là 1 căn nhà, ông bà một lúc làm đến 2 căn nhà 2 tầng khang trang ngay giữa trung tâm bản Thanh 4 khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ. Trở về từ rẫy chuối rộng hơn 2 ha và rẫy sắn 2,5 ha của gia đình, ông Hồ Mã Lai nở nụ cười tươi khi gặp chúng tôi. Tranh thủ phút nghỉ ngơi, ông kể cuộc đời ông cũng lắm thăng trầm. Ông Lai mồ côi từ nhỏ, mới chỉ vài tuổi thì bố mẹ cùng với một người anh của ông đã bị trúng bom đạn chết trong chiến tranh. Ông được ông bà nội nuôi nấng. Ngoài 20 tuổi, ông tìm được hạnh phúc khi cưới được cô gái xinh xắn, giỏi giang Hồ Thị Phong ở thị trấn Khe Sanh làm vợ. Vợ chồng ông sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Dù hoàn cảnh khổ cực nhưng điều đáng khâm phục là ông bà luôn chăm chỉ lao động, cần cù làm nương rẫy nuôi 4 người con ăn học đầy đủ, tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm ổn định.

Những năm 2000, qua nguồn vốn vay ưu đãi, ông bà vay 5 triệu đồng để mua dê giống nuôi. Sau đó, nhờ dê sinh sôi, ông bà lại chuyển qua nuôi heo, trâu, bò… Sau nhiều năm chắt chiu, tích cóp hai vợ chồng có một số vốn để chuyển sang đầu tư trồng chuối và sắn. Với 4,5 ha đất canh tác, vợ chồng ông dành 2 ha trồng chuối, 2,5 ha trồng sắn. Nhờ biết áp dụng tốt khoa học kĩ thuật vào canh tác, sản xuất nên hiệu quả kinh tế gia đình ông ngày một khấm khá. “Không như nhiều gia đình trồng chuối, sắn cứ thả nhờ trời. Vợ chồng tôi dù trồng chuối hay sắn thì đều làm cỏ thường xuyên; chuối sau thu hoạch đều phải đào vứt gốc, cắt bỏ bẹ thối, bón thêm phân để đạt hiệu quả. Nhờ vậy là chuối hay sắn của gia đình tôi đều có chất lượng tốt, sản lượng cao hơn. Cũng nhờ siêng năng mà gia đình tôi nhiều năm qua luôn có thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/ năm từ rẫy chuối và sắn. Năm nay, vợ chồng tôi đã xây dựng được 2 căn nhà 2 tầng khang trang, trị giá khoảng 800 triệu đồng. Một căn nhà dành cho con trai lớn đang là bộ đội biên phòng; một căn nhà vợ chồng tôi ở với con trai út chưa lấy vợ, hiện đang làm công an tại thị trấn Lao Bảo”, ông Lai tự hào khoe. Ngoài 2 con trai, hai con gái của ông bà hiện cũng đã lập gia đình và có công việc ổn định.

Ngoài làm kinh tế giỏi, vợ ông Hồ Mã Lai là bà Hồ Thị Phong nhiều năm trước đây giữ chức Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Thanh 4. Trên cương vị và sự hiểu biết của mình, bà Phong đã tích cực tuyên truyền, vận động và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm làm ăn của mình cho hội viên. “Khi cuộc sống đã khá sung túc, tôi cũng cố gắng chia sẻ cho chị em. Đối với những chị em có nhu cầu vay vốn làm ăn, tôi đều đứng ra tín chấp cho chị em vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng cho nhiều chị em phụ nữ vay làm ăn không lấy lãi, một số chị có hoàn cảnh quá khó khăn vợ chồng tôi còn tặng 1 triệu đồng để có vốn làm ăn. Trước đây hoàn cảnh vợ chồng tôi cũng khó khăn trăm bề, nếu không nhờ dân bản giúp đỡ thì cũng không được như hôm nay. Nay cuộc sống đã đỡ hơn nhiều, các con đều đã thành công trong học hành, công việc thì mình phải giúp lại bà con. Giúp được chừng nào cho họ, vợ chồng tôi đều cảm thấy rất vui”, bà Phong nói.

Từ hộ nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng với ý chí thoát nghèo, chăm chỉ lao động đến nay vợ chồng ông Hồ Mã Lai được xem là tấm gương sáng của bản Thanh 4 trong làm kinh tế, nuôi con thành tài. “Vợ chồng ông Hồ Mã Lai chính là minh chứng sinh động về khát vọng thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ sự lao động, năng động làm ăn. Qua gia đình điển hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động đến toàn thể người dân để khơi dậy khát vọng vươn lên, nỗ lực lao động, nuôi dạy các con ăn học để tạo dựng được cuộc sống sung túc, tốt đẹp hơn”, anh Hồ Văn Bồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh chia sẻ.

 

Nguồn tin: Sưu tầm Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay17,488
  • Tháng hiện tại95,771
  • Tổng lượt truy cập8,505,413
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây