Trên cơ sở đó, Quảng Trị đã tiến hành khảo sát 17 hợp tác xã dựa trên các tiêu chí quy định về điều kiện bắt buộc, điều kiện ưu tiên và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với phát triển 03 trục sản phẩm (sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh, sản phẩm OCOP) và lựa chọn ra 05 hợp tác xã có đủ điều kiện và năng lực tham gia đề án với 05 mô hình đó là: HTX Tân Hợp với mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch miền núi; HTX Dược Liệu Trường Sơn với mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị dược liệu gắn với OCOP (HTX đã có sản phẩm OCOP); HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong với mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (HTX có sản phẩm gạo đạt OCOP 4 sao, chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ); HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Văn Quỹ với mô hình Hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản. HTX SXKD DVNN Thủy Ba Tây với mô hình hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.
Để xây dựng thành công các mô hình này, các hợp tác xã phải xây dựng kế hoạch tự hoàn thiện; Chủ động rà soát tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; chủ động giải quyết, khắc phục các khó khăn vướng mắc còn tồn tại; Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa các quy trình để quản trị hợp tác xã một cách hiệu quả. Thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán theo quy định; ưu tiên áp dụng kiểm toán độc lập. Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, thường xuyên và kịp thời cho các thành viên hợp tác xã.Triển khai phương án sản xuất kinh doanh, tập trung vào các nội dung, tiêu chí hoàn thiện theo kế hoạch như: huy động tăng vốn sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hợp tác liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã khác theo chuỗi giá trị; thu hút thêm thành viên tham gia, cung cấp thêm các sản phẩm dịch vụ cho các thành viên hợp tác xã; Chủ động, sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo cơ chế thị trường.
Để thúc đẩy một số hợp tác xã mạnh dạn đi đầu nhằm sớm hoàn thiện các tiêu chí kiểu mới, năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn đã tập trung hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ khâu chế biến sản phẩm cho 02 hợp tác xã là hợp tác xã Tân Hợp với chế biến sản phẩm chanh leo và Hợp tác xã Dược liệu Trường Sơn với chế biến sản phẩm từ dược liệu để hoàn thiện các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Mặc dù đang gặp phải khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động nhưng các hợp tác xã đã mạnh dạn đối ứng để đầu tư mua sắm các loại máy móc, thiết bị phục vụ tốt cho chế biến, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cho sản phẩm.