Mũi nhọn nông nghiệp sạch
Từ 1 ha sản xuất thí điểm năm 2015 do Tổ chức Tầm nhìn thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ, đến nay huyện Triệu Phong đã có trên 45 ha sản xuất lúa canh tác tự nhiên, tập trung ở các xã Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch. Với những ưu điểm như năng suất tương đương với canh tác thông thường nhưng giá bán cao gấp 1,5-2 lần, đem lại lợi nhuận cao hơn từ 7-10 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên (HTX NSSCTTN) Triệu Phong đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận được sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Không chỉ sản xuất trên cây lúa, HTX còn nhân rộng mô hình canh tác tự nhiên trên gà, lợn với trên 700 hộ nuôi gà quy mô 100 con/lứa, 30 hộ nuôi lợn quy mô từ 3-5 con/lứa được duy trì ổn định. Đây là 2 mô hình con nuôi đảm bảo nguyên tắc sử dụng đệm lót sinh học, các chế phẩm vi sinh để đảm bảo vấn đề môi trường trong chăn nuôi nông hộ; sử dụng thức ăn phối trộn tại địa phương qua đó giảm chi phí chăn nuôi.
Thực tế cho thấy, với mô hình này đã đem lại lợi nhuận cho các hộ tham gia, nhiều hộ chăn nuôi gà, lợn trở thành nghề chăn nuôi nuôi chính, đem lại thu nhập cho gia đình, góp phần đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Giám đốc HTX NSSCTTN Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt cho biết, đây là phương pháp canh tác không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thân thiện với môi trường, trả lại độ phì nhiêu cho đất, hệ sinh thái đồng ruộng dần được hồi sinh, đồng thời cung cấp nguồn lương thực sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho hệ thống siêu thị Coop.mart, hệ thống cửa hàng và các kênh phân phối khác ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung.
Bên cạnh những mô hình canh tác tự nhiên, huyện Triệu Phong còn đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp sạch như mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại HTX An Lợi, xã Triệu Độ với quy mô 3 ha, sử dụng giống lúa ST24; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm tại HTX An Lộng, xã Triệu Hòa với quy mô 10 ha; mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các xã Triệu Độ, Triệu Hòa, Triệu Thuận, Triệu Giang với quy mô 140 ha. Đồng thời, đã tiến hành khảo sát, đánh giá vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP với hơn 1.560 ha đủ điều kiện.
Mở hướng đột phá cho vùng ven biển
Huyện Triệu Phong có 3 xã vùng ven biển gồm Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, thời gian qua, huyện Triệu Phong đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các xã vùng biển phát triển. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2017-2020, các địa phương đã được phân bổ 3,6 tỉ đồng hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi sản xuất, nghề nghiệp. Hằng năm, huyện cũng bố trí mỗi xã 300 triệu đồng để thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển một số mô hình sản xuất, cây trồng, con nuôi, huyện đã hỗ trợ các xã vùng biển 7 mô hình với tổng kinh phí 340 triệu đồng.
Các mô hình đã được công nhận đạt tiêu chí trang trại, hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Có thể kể đến như diện tích nuôi thủy nước lợ, mặn đạt trên 270 ha, sản lượng đạt 3.285 tấn; sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 3.670 tấn… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông ở các xã vùng biển cũng từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng; nhiều công trình giao thông được ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của người dân. Công tác hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm được chú trọng, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm đặc sản của các xã vùng biển có nhãn hiệu, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm.
|
Thu hoạch lúa sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong - Ảnh: L.A |
Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm thông tin, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, UBND xã đã tiến hành rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ phát triển nhiều mô hình kinh tế tổng hợp; xây dựng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời, tiếp cận và lồng ghép được khá nhiều chương trình, dự án và sự đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường ra bến cá với kinh phí 2,2 tỉ đồng, đường giao thông nông thôn với kinh phí gần 5,5 tỉ đồng...
Chuyển đổi nhiều diện tích vùng cát ven biển sang nuôi trồng thủy sản với diện tích 44 ha gồm 37,1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt trên 930 tấn; 6,9 ha nuôi ốc hương, sản lượng đạt 50 tấn. Hiệu quả rõ nét nhất của việc khai thác lợi thế của địa phương đó là giá trị sản xuất nông- lâmngư nghiệp năm 2021 của xã đạt trên 212 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm. Toàn xã đã có 9 trang trại và 37 gia trại chăn nuôi tổng hợp; trong đó có 5 trang trại được cấp giấy chứng nhận, giá trị sản xuất đạt từ 2,5-7 tỉ đồng/năm.
Liên kết bền vững
Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung gắn với chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ.
Trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, thời gian tới, huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích xây dựng cánh đồng lớn, trước mắt phấn đấu đạt 1.900 ha trong năm 2022; đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung chỉ đạo chọn một số cánh đồng lớn có khả năng, điều kiện nước tưới đặc biệt là diện tích đã được khảo sát, quy hoạch năm 2021 để mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP.
|
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng trên cát tại xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong - Ảnh: L.A |
Đối với mô hình canh tác tự nhiên, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích lên 55- 60 ha; duy trì mô hình nuôi gà, lợn theo phương pháp canh tác tự nhiên, đặc biệt là mô hình nuôi lợn do đây là mô hình phù hợp với khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất theo canh tác tự nhiên, đặc biệt là đối với lúa vì tiềm năng thị trường tiêu thụ ngày càng lớn.
Duy trì sản xuất và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; ưu tiên hỗ trợ cho các đơn vị chỉ đạo tốt, có đăng ký và cam kết áp dụng đúng quy trình như sử dụng công cụ sạ hàng, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm Trichoderma, sử dụng phân đơn đặc biệt đạm vàng nhả chậm. Mở rộng diện tích sen-cá ở vùng thấp trũng; phát triển cây ném, kiệu, mướp đắng, đậu đen xanh lòng ở vùng cát ven biển. Đồng thời, tiến hành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như lúa chất lượng cao, lúa canh tác tự nhiên, hữu cơ, VietGAP; sản phẩm tôm nuôi nước mặn, nước lợ; sản phẩm cây có múi, cây dược liệu, gỗ rừng trồng FSC, VFCS...