Trên cơ sở những giá trị kinh tế mà cây đậu xanh mang lại, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) đã chọn cây này làm sản phẩm thế mạnh của địa phương để tiến đến xây dựng thương hiệu. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Giang Phùng Thế Đạt cho biết, năm 2016 địa phương đã chủ động đưa vào sản xuất tập trung 60 ha đậu xanh tại các thôn Tân Mỹ, Cổ Mỹ và Di Loan. So với sản xuất nhỏ lẻ và tự phát trước đây, việc đưa vào sản xuất tập trung cây đậu xanh có áp dụng các tiến bộ KHKT đã đem lại năng suất khá cao (40 kg/sào), người dân rất phấn khởi. Ngoài tiêu thụ tại địa phương, xã Vĩnh Giang đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm đến nhiều nơi, nhờ vậy đậu xanh được tiêu thụ thuận lợi hơn. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2018 xã Vĩnh Giang chuẩn bị cho xuống giống khoảng 90 ha đậu xanh.
Cũng theo ông Đạt, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV nhằm đưa ra thị trường sản phẩm đậu xanh sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Việc chọn được sản phẩm chủ lực và tập trung đầu tư sản xuất sẽ góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, cùng địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Quảng Trị là địa phương có khá nhiều loại sản phẩm đặc trưng với thế mạnh có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh bột nghệ, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các sản phẩm từ chăn nuôi…Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trần Văn Thu thì quá trình thực hiện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như nhận thức của một bộ phận người dân về thương hiệu sản phẩm chưa cao. Đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, sản phẩm chủ yếu có bao bì, nhãn mác, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu ở trong nước. Số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh. Chương trình mục tiêu quốc gia OCOP được triển khai sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra được nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Theo thống kê của Chi cục PTNT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 35 sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm: 21 sản phẩm; nhóm đồ uống: 3 sản phẩm; nhóm thảo dược: 6 sản phẩm; nhóm vải và may mặc: 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí: 3 sản phẩm. Có 11 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, chưa có sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm 268.413 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm chủ yếu trong tỉnh, khu vực Trung bộ, một phần được xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc…
Về chủ thể sản xuất, trong tổng số 34 tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm địa phương có 1 công ty TNHH, 4 HTX, 2 tổ hợp tác, 19 hộ sản xuất - kinh doanh và 8 làng nghề, có trên 3.500 lao động tham gia sản xuất tại các chủ thể sản xuất. Để đẩy mạnh quá trình thực hiện mô hình OCOP trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục PTNT tỉnh) đã tổ chức được 7 lớp tập huấn giới thiệu về OCOP, hướng dẫn công tác điều tra số liệu phục vụ xây dựng đề án cho cán bộ cấp huyện và đại diện lãnh đạo UBND, cán bộ địa chính nông nghiệp xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Hoàn thành công tác điều tra, thu thập số liệu phục vụ công tác xây dựng đề án và hoàn thành việc tổng hợp số liệu hiện trạng sản phẩm của tỉnh, các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực. Dự kiến vào đầu quý III/2018 sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, đơn vị có liên quan để bổ sung số liệu, hoàn chỉnh đề án. Quý IV/ 2018 sẽ tổ chức lớp tập huấn giới thiệu chương trình OCOP cấp tỉnh và triển khai thực hiện đề án OCOP cấp tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thu, quá trình triển khai thực hiện OCOP vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Người dân và tổ chức kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong chương trình OCOP trong khi đó nguồn lực của người dân còn hạn chế, do vậy việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc liên doanh, liên kết “4 nhà” còn nhiều hạn chế, do vậy người dân còn e ngại tập trung đầu tư sản xuất vì chưa yên tâm về khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ những khó khăn đó, để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia OCOP, ông Thu đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn để các cấp, ngành, doanh nghiệp, HTX và người dân hiểu rõ hơn về OCOP. Đồng thời cần có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư cho mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ (các điểm giới thiệu sản phẩm, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến, bảo quản nâng cao sản lượng, chất lượng, tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại…) cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn