Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở xã Quỳnh Minh

Thứ bảy - 26/07/2014 08:32

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quỳnh Minh đạt chuẩn, xây dựng bằng nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quỳnh Minh đạt chuẩn, xây dựng bằng nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn
Thực hiện kế hoạch tập huấn cho đội ngũ Tiểu giáo viên cấp tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2014, từ ngày 16/7 đến 21/7/2014, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng NTM cho cán bộ chủ chốt làm công tác xây dựng NTM các huyện, thị xã và các xã điểm. Tham gia khóa học gồm 32 học viên là đại diện lãnh đạo và chuyên viên của Chi cục PTNT, Văn phòng Điều phối và các Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thị xã. Đây là lực lượng nòng cốt để tiếp tục triển khai tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ xây dựng NTM cấp xã, thôn/ bản trong năm 2014 và những năm tới.
Khóa học diễn ra trong 6 ngày, trong đó có 3 ngày học lý thuyết với các chuyên đề về các chủ trương, chính sách mới ban hành; về nghiệp vụ lập kế hoạch-tài chính của chương trình và 3 ngày tham quan học hỏi kinh nghiệm. Địa điểm tham quan là xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, một trong 14 xã đạt chuẩn NTM năm 2013 của tỉnh Thái Bình. 

Ngày 18/7/2014, Đoàn làm việc với Đảng ủy, UBND xã và đi thực tế. Ông Lương Khánh Nhịnh, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý xây dựng NTM xã Quỳnh Minh cho biết: Quỳnh Minh là một xã nội đồng, không có quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, không có đường thủy, không có nghề truyền thống; tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ chậm phát triển. Dân số của xã là 4.696 nhân khẩu, nhưng có tới 70% làm nghề nông; diện tích canh tác bình quân đầu người là 648 mvà manh mún (từ 5-7 thửa/hộ); hệ thống giao thông nội đồng, mương tiêu xuống cấp, không đảm bảo phục vụ sản xuất; chưa quy hoạch được vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ canh tác thấp, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế và mang nặng tư tưởng bảo thủ... nên trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn. 

Nhưng từ khi được tỉnh chọn một trong 8 xã điểm thực hiện xây dựng NTM, lãnh đạo xã xác định đây là thời cơ thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng diện mạo mới cho vùng nông thôn. Vì vậy, để Chương trình xây dựng NTM thành công, lãnh đạo xã đã lựa chọn ra những tiêu chí phù hợp nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vị trí quan trọng của chương trình nhằm huy động tối đa sự tham gia đóng góp của nhân dân. Đặc biệt đã thành lập các Tiểu ban thực hiện Chương trình như: Tiểu ban tuyên truyền vận động; Tiểu ban thực hiện quy hoạch, Tiểu ban phát triển kinh tế, Tiểu ban phát triển văn hóa – xã hội. 

Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng trong việc chuyển biến tư tưởng, nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng xã NTM. Cùng với đó, Ban Văn hóa, Đài truyền thanh xã thường xuyên thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú về mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, khuyến khích mọi tầng lớp trong xã hội cùng tham gia. 

Nhờ sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, nên sau hơn 4 năm (2009-2013) thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy và chính quyền xã đã chỉ đạo hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp được Đảng ủy và UBND xã xác định là chìa khóa thực hiện quy hoạch, là việc làm cần thiết ban đầu, mang tính quyết định trong tiến trình xây dựng NTM. Trên cơ sở nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện dồn điền đổi thửa, đã thành lập Tổ công tác dồn điền đổi thửa các thôn, xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết, với quan điểm phải giảm tỷ lệ bình quân số mảnh từ 5-7 thửa/hộ xuống 1-2 thửa/hộ, phải góp đất để làm giao thông nội đồng, vận động nhường đất cho số khẩu sinh ra sau năm 1993 có đất sản xuất sinh sống, đảm bảo diện tích đất theo quy hoạch khu trung tâm... Quá trình thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, công tâm. 

Chính vì vậy trong năm đầu tiên (2009) đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đảm bảo bình quân 2 thửa/ hộ. Nhân dân tự nguyện góp được 10,8 ha đất (26 m2/khẩu) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng mương máng phục vụ sản xuất và nhường được 26,7 ha đất (58 m2/khẩu) cho các khẩu phát sinh có ruộng (bình quân mỗi khẩu được 250 m2). Sau việc dồn điền đổi thửa hoàn tất, việc chỉnh trang đồng ruộng bằng việc mở rộng các tuyến bờ vùng, bờ thửa kết hợp với giao thông nội đồng đã được chỉ đạo thực hiện kịp thời. Mở các thửa ruộng từ 20-25 m lên 50-70 m, mở rộng bờ thửa, bờ vùng đảm bảo từ 3,5-5 m kết hợp với việc cứng hóa bằng đá láng nhựa hoặc bê tông, cùng với việc huy động hàng vạn ngày công với khối lượng đào đắp hơn 90.0000 m3, bảo đảm xe cơ giới cũng như các loại máy nông nghiệp đi lại thuận tiện, phục vụ sản xuất cho nhân dân. 

Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được chú trọng với việc lấy HTX Dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn xã làm nòng cốt, đã tập trung chỉ đạo nhân dân thực hiện được mô hình gieo sạ lúa 16 ha ở vùng thấp trũng bằng giống ngắn ngày trà xuân muộn (TH3-3), xây dựng 3/4 vùng chuyên canh màu mang lại hiệu quả gấp 3-4 lần so với trồng lúa; diện tích vụ đông được mở rộng với đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như ớt, ngô, dưa chuột xuất khẩu và các loại rau màu cao cấp đã góp phần nâng giá trị sản xuất từ 90 triệu đồng/ha/năm lên 135 triệu đồng/ha/năm. 

Phát triển chăn nuôi được coi là thế mạnh của xã theo hình thức trang trại/gia trại. Đến nay toàn xã có gần 20 trang trại chăn nuôi các loại, trong đó có 8 trang trại quy mô lớn, mang lại giá trị hàng hóa cao, thu nhập bình quân từ 2,5 tỷ đồng/trang trại lên 4 tỷ đồng/trang trại vào năm 2012. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh bằng việc đầu tư các loại máy hiện đại vào sản xuất. Đến nay toàn xã có 5 máy gặt đập liên hợp, 17 máy làm đất đa năng, giúp cho HTX Dịch vụ nông nghiệp thực hiện tốt công tác chỉ đạo và điều hành, tổ chức tốt các khâu dich vụ có hiệu quả, đặc biệt là HTX đã thực hiện tốt hợp đồng bao tiêu sản phẩm làm ra cho các thành viên HTX, góp phần nâng cao thu nhập (bình quân đạt 22,2 triệu đồng/người/năm). 

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã được chú trọng. Ngoài nguồn đầu tư hỗ trợ của ngân sách nhà nước, Ban chỉ đạo và Ban quản lý xã đã huy động các nguồn lực từ các dự án, các doanh nghiệp, ngân hàng, ngân sách xã và nhân dân đóng góp. Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trong 4 năm qua của toàn xã là 203,301 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương và tỉnh 46,871 tỷ đồng (chiếm 23,05%), ngân sách huyện 18,137 tỷ đồng (chiếm 8,92%), ngân sách xã 16,897 tỷ đồng (chiếm 8,31%), Ngân hàng Thế giới 8 tỷ đồng (chiếm 3,93%), doanh nghiệp 1,22 tỷ đồng (chiếm 0,61%), ngành điện 6 tỷ đồng (chiếm 2,95%), trái phiếu Chính phủ 0,25 tỷ đồng (chiếm 0,12%) và nhân dân đóng góp 105,926 tỷ đồng (chiếm 52,11%). 

Với nguồn lực trên đã đầu tư xây dựng được 16 tuyến đường giao thông trục thôn với chiều dài gần 7,3 km, 34 tuyến đường nhánh với chiều dài trên 7 km, 7 tuyến đường giao thông nội đồng với chiều dài trên 6 km, cứng hóa trên 7,5 km kênh mương cấp 1 và cấp 2, xây dựng mới 2 trạm bơm, 130 cống đập phục vụ sản xuất, xây mới 7 nhà văn hóa cho 7 thôn, cải tạo và xây mới 18 phòng học đạt chuẩn quy định, xây mới trụ sở UBND xã, trường mầm non đạt chuẩn, khu xử lý rác thải khép kín, xây dựng nhà máy nước sạch tập trung quy mô toàn xã với công suất 400 m3/ngày, sửa chữa trạm y tế đạt chuẩn II năm 2013, hoàn chỉnh hệ thống lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Nhân dân đã đầu tư trên 75 tỷ đồng xây mới và nâng cấp sửa chữa, cải tạo nhà ở và công trình phụ, tường rào, cổng ngõ khang trang, đảm bảo tiêu chívề nhà ở của Bộ Xây dựng... 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Tại thời điểm trước năm 2009, xã được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM thì xã mới chỉ đạt 8 tiêu chí và gặp không ít khó khăn, thử thách. Nhưng đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, là 1 trong 14 xã của tỉnh Thái Bình được công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2013. Đây thực sự là sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Minh. Thành công của Quỳnh Minh hôm nay chính là giữa Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã có sự thống nhất cao trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM. Và khi quyết tâm của Đảng bộ đã cao, khi lòng dân đã thuận, thì khó khăn mấy cũng có thể vượt qua. 

Tham quan xã Quỳnh Minh và được nghe Đảng ủy, UBND xã báo cáo những kinh nghiệm và cách làm hay, có thể xem đây là những bài học thực tế rất bổ ích cho đoàn tham quan trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại Quảng Trị trong thời gian tới. 

Tác giả bài viết: Hoàng Đức Dưỡng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập128
  • Hôm nay19,983
  • Tháng hiện tại166,763
  • Tổng lượt truy cập8,367,060
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây