Chuyện nông thôn mới ở Hải Lệ

Chủ nhật - 10/08/2014 10:41
Theo bờ sông Thạch Hãn, chúng tôi lướt xe êm thuận trên tuyến đường nhựa xuyên qua bạt ngàn sắn ngô xanh mát thẳng tiến tới trụ sở UBND xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).
Con đường nhựa láng, điện đường tỏa sáng ở xã Hải Lệ
Con đường nhựa láng, điện đường tỏa sáng ở xã Hải Lệ
      Cách đây 5 năm về trước, cũng tuyến đường này, mỗi lần về Hải Lệ công tác vào mùa mưa, cánh phóng viên chúng tôi không quên trang bị cho mình một đôi ủng cao tận gối, gói thêm bộ quần áo dự phòng. Đường đất đỏ lầy lội thành nỗi kinh hoàng cho bao người qua lại, đặc biệt các cháu học sinh giữa đường đến trường phải về thay áo quần, mua lại sách vở là chuyện thường nhật. Rồi xe chở người, hàng hóa lật nhào, người ngã phải nhập viện xảy ra như cơm bữa. Hồi đó anh Ngô Truyện còn là Chủ tịch UBND xã, nay anh chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã, đi đâu anh cũng hát bài “Gọi đò”, hát rất hay, mọi người nghĩ chắc bài tủ của anh, nhưng anh nói vui: “ Hải Lệ quê tôi quanh năm đường lầy lội khó khăn, thân tôi Chủ tịch UBND xã vài mươi chuyến xúc tiến kêu gọi hỗ trợ kinh phí làm đường vẫn không có tín hiệu khả quan, thôi thì đường bộ kém ta chuyển sang đường sông, nên phải gọi đò suốt ngày, gọi mãi thành... hát đó chớ”. Anh nói vui như vậy mà ai cũng thấy xót xa trong lòng. 

        Nay tuyến đường ngày trước đã đi vào quá khứ. Nhà nước kêu gọi góp công, góp của nhựa hoá tuyến đường này, người dân đồng tình ủng hộ. Tối nay mới phổ biến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), sớm mai đã có người tự giác chặt cây cối, tháo dỡ công trình của gia đình mình. Tổng đóng góp tuyến đường này tính cũng nghìn ngày công, hiến hàng trăm mét vuông đất. Tuyên truyền gì xa xôi, nông thôn mới là đây chứ đâu, bộ mặt nông thôn mới là đây. Đường nhựa cứng thoáng rộng hơn 9 m chứ ít ỏi gì.

Tôi gặp ánh mắt tự tin của anh Phạm Cường, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ ngồi đợi ở trụ sở UBND xã, tay cầm một xấp báo cáo khoảng 30 trang. Chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn nghe anh nói, tiếng nói của người trong cuộc. Anh chỉ cần phân tích làm thế nào với một thời gian ngắn, số hộ nghèo trên địa bàn giảm nhiều và nhanh đến vậy? (từ 12% năm 2011, đến năm 2013 xuống 3,5%), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 92%, thu nhập bình quân năm 2013 đạt 15,5 triệu/người/năm. Rất mau mắn, anh Cường dùng ngón tay chấm vào ly nước rồi vẽ một vòng trên mặt bàn, tượng trưng cho xã Hải Lệ. Lại chia vòng tròn thành nhiều phần bằng nhau và đánh dấu vào một phần nhỏ trong vòng tròn- sự đói nghèo là đây. 

        Anh bắt đầu: “Chúng tôi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, tìm ra nguyên nhân nghèo, rồi sàng lọc phân loại nghèo vĩnh viễn, nghèo tạm thời, nghèo vì các lý do khác. Đối với nghèo vĩnh viễn như tuổi già neo đơn, thân côi bệnh tật hiểm nghèo, mất hoàn toàn sức lao động thì có chính sách chăm sóc nuôi dưỡng. Còn lại nghèo tạm thời do làm ăn kém hiệu quả, không có vốn sản xuất, chưa an cư để lập nghiệp…chính quyền sẽ tìm cách giúp tháo gỡ dần. Đầu tiên cho học cách làm ăn, sau đó tạo điều kiện tiếp cận với các kênh cho vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Huy động các nguồn vốn xây dựng nhà đại đoàn kết “ba cứng” (móng cứng, mái cứng, tường cứng), đến nay được 38 cái rồi, đối tượng hưởng lợi bắt đầu lạc nghiệp”. 

      Nghe anh Cường trình bày, chúng tôi thắc mắc, cách làm này cũng chẳng mới mẻ gì. Nhiều nơi cũng biết thế, nhưng bắt tay vào thực hiện chẳng mấy thành công. Như anh nói cho đối tượng nghèo vay vốn đầu tư sản xuất, xây dựng nhà đại đoàn kết, thì vốn đâu, nguồn kinh phí đâu ra ?. Anh Cường chậm rãi chỉ vào vòng tròn giải thích: “Vốn đây, kinh phí đây, là những phần chia còn lại. Phần này gồm các tổ chức đoàn thể chính quyền, nhà hảo tâm, là những mô hình làm ăn hiệu quả trên địa bàn. Hiện nay xã Hải Lệ có khoảng hơn 10 mô hình kinh tế hiệu quả cao. Như câu lạc bộ nuôi hươu Tích Tường chẳng hạn. Trung bình một con thu về 15-20 triệu đồng/năm, nhiều gia đình thu nhập 80- 120 triệu/năm. Chỉ cần họ cho mượn vài con giống đã thay đổi bao phận người nghèo rồi. Hay một chủ rừng khác cần thuê nhân công trong vài vụ liên tục thì người lao động đã tích cóp được chút vốn liếng phát triển kinh tế. Trong xã có anh Bình thuộc hộ nghèo, được UBND xã tín chấp để ngân hàng chính sách cho vay tiền mua một chiếc máy cày. Mọi người ái ngại thay khi anh đăng ký canh tác những vùng đất hoang hóa năng suất thấp. Thế mà vụ này, bằng kỹ thuật tiên tiến, vùng đất hoang hóa đó đã mang lại cho anh Bình hơn 200 triệu đồng. Người dân bắt đầu học cách làm ăn của anh, rồi đây chẳng còn đất hoang hóa nữa. Nhìn vào vòng tròn này, nói chia thành nhiều mũi tấn công giặc đói nghèo cũng được, hoặc dùng hình ảnh đẹp hơn chỉ sự bao bọc, chia sớt khó khăn của cộng đồng cũng được. Cốt là người dân đã hiểu, không phải nhà nước bỏ vật lực xây dựng nông thôn mới, mà người dân đóng vai trò chủ công, tự sức dân hết. Phải phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái mới thành công được, và người dân cũng được hưởng lợi hoàn toàn”. 

     Thì ra thế, anh Cường vẽ vòng tròn này để chứng minh nội lực của người dân Hải Lệ, là sức mạnh đoàn kết toàn dân đây mà. Trước đây anh Cường là kế toán của xã, luôn kề vai sát cánh bên anh Truyện, nay anh làm Chủ tịch UBND xã, được bà con tín nhiệm cao lắm. 

     Lại thế này nữa, chia tay với xã Hải Lệ khi trời nhá nhem tối, con đường rực sáng dưới hàng điện cao áp nối dài tít tắp. Chao ôi, các anh thật là, giấu kín chuyện điện thắp sáng đường ở Hải Lệ để tôi có sự bất ngờ thì phải. Và các anh đã thành công, vì nếu không ngước lên nhìn, tôi cứ ngỡ mình đang đi dưới ánh trăng sáng vằng vặc, soi tỏ mấy nương ngô lấp lánh. Bỗng dưng bật cười nhớ lại kỷ niệm ngày đó, trong một lần công tác, cũng đoạn đường này, tôi đèo sau xe một cô giáo thực tập nhờ ra nhà trọ ở thị xã Quảng Trị. Tại trời nhá nhem tối, hay tôi vụng về mà cả người và xe lao ầm xuống hố đất to tướng. Tuy không hề hấn gì, nhưng bộ áo dài trắng thướt tha của cô giáo hoá thành màu đất đỏ. Tôi như hoá đá trước tình cảnh éo le này thì cô đã nhanh nhẹn đứng dậy buộc hai vạt áo dài bết đất rồi nói tỉnh bơ: “Không sao đâu anh, hôm trước em “quá giang” một người khác cũng bị ngã đúng chỗ này, hôm nay còn may hơn. Không biết lúc nào người ta làm một tuyến đường nhựa cho dân bớt khổ anh nhỉ ?”. Mơ ước một giáo viên sao giản đơn đến thế. Cô gì đó ơi, tôi cũng ước giá như hôm nay cô lại xin nhờ xe nhỉ, dưới con đường phẳng phiu này, ánh điện này, cô sẽ thấy mọi chông gai, gập ghềnh đã được bồi lấp bằng tương lai tươi sáng tiến về phía trước. Hải Lệ như một góc thành phố điệu đàng nghiêng soi xuống dòng Thạch Hãn. Và cô sẽ thấy từng bãi lúa, nương dâu tươi tốt, đong đầy.

Nguồn tin: theo Quảng Trị online

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay4,351
  • Tháng hiện tại44,251
  • Tổng lượt truy cập8,244,548
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây