Chương trình OCOP chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị. Hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX đều có thể tham gia thực hiện chương trình này. Nhà nước quản lí đóng vai trò kiến tạo, ban hành chính sách hỗ trợ, quy hoạch vùng sản xuất, quản lí và giám sát tiêu chuẩn chất lượng, hỗ trợ tín dụng, tập huấn đào tạo, hướng dẫn kĩ thuật, ứng dụng KH&CN, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Quảng Trị có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh dầu lạc, tinh bột nghệ, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các loại sản phẩm từ chăn nuôi… Năm 2018, Sở KH&CN đã hỗ trợ thực hiện thành công dự án xây dựng xác lập, xây dựng và quản lí nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 9 sản phẩm đặc sản địa phương thông qua các tổ chức kinh tế như HTX, doanh nghiệp… Phát huy thành công của dự án và thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN đã xây dựng và triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế ứng dụng KH&CN đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2025 gắn với triển khai chương trình OCOP; chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN hằng năm dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình, trong đó ưu tiên các HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có địa chỉ ứng dụng cụ thể tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác phát triển, đăng kí xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP tại địa phương đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.
Sở KH&CN chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc chương trình OCOP, trên cơ sở đó, kết nối đặt hàng với các nhà khoa học giải quyết vấn đề phát sinh trong sản xuất. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình về ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Tổng hợp các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hằng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp KH&CN cấp tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2019 hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 20 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương trong tỉnh và phát triển mới khoảng 3- 5 sản phẩm. Các sản phẩm hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, có ít nhất 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 4- 5 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm đạt 4- 5 sao cấp quốc gia. Để đạt được các mục tiêu đó, chính quyền các cấp và các ngành hữu quan tiếp tục củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp, phấn đấu đưa càng nhiều càng tốt các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình OCOP; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình khởi nghiệp, ứng dụng tiến hộ khoa học kĩ thuật... Khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch để phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện có hiệu quả chương trình sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm của địa phương, liên kết sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân,góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn