Cần tăng cường tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho ngư dân

Thứ hai - 25/07/2016 22:27
Xây dựng và phát triển sản xuất đa ngành nghề cho ngư dân là một hướng đi đúng đảm bảo cho ngư dân có cuộc sống ổn định với nhiều nguồn thu nhập không chỉ dựa vào biển mà còn hỗ trợ để phát triển kinh tế biển bền vững.
Ông Ngô Văn Mùi ở Vịnh Mốc, Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh chăm sóc vườn tiêu
Ông Ngô Văn Mùi ở Vịnh Mốc, Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh chăm sóc vườn tiêu
Tuy nhiên, từ trước đến nay, tập quán sản xuất của ngư dân chỉ hoàn toàn dựa vào khai thác hải sản mà ít có ngành nghề hỗ trợ. Do đó, nếu gặp vụ sản xuất mà tình hình khai thác hải sản kém hiệu quả thì đời sống của người dân vùng biển gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi sự cố môi trường biển làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân thì việc chuyển đổi ngành nghề là vấn đề mà ngư dân tính tới nhiều nhất. Ngoài tiếp tục vươn khơi bám biển, ngư dân đang tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Để phát triển sản xuất nông nghiệp vùng ven biển hiệu quả, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tập trung tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân.
 
Ông Ngô Văn Mùi ở thôn Vịnh Mốc, Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết: “Toàn thôn Vịnh Mốc có 106 ghe thuyền công suất nhỏ từ 8- 12 CV. Ngư dân nơi đây hầu hết sử dụng lưới 2, lưới 3, lưới rủ để đánh bắt cá trích, cá chuồn… Bình quân mỗi năm, một chủ thuyền thu về từ 100- 150 triệu đồng. Từ hơn 2 tháng nay, ngư dân Vịnh Mốc không còn vươn khơi, bám biển được nữa vì thủy sản đánh bắt về không tiêu thụ được. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, người dân đã chuyển đổi nhiều ngành nghề, trong đó có trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, việc người dân vùng biển làm nghề nông gặp nhiều khó khăn do còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên khó triển khai có hiệu quả”. 

Trước đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình sản xuất tại các xã ven biển. Đến nay các mô hình này đã thành công và khẳng định tính thích nghi với vùng đất cát ven biển như: mô hình trồng ném, kiệu, hành trên cát ở Triệu Lăng (Triệu Phong), Hải An (Hải Lăng); trồng các giống khoai lang mới, nuôi xen ghép tôm, cua, cá ở Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), Triệu Phước (Triệu Phong); trồng mướp đắng, đậu đen xanh lòng ở Triệu Vân (Triệu Phong); trồng đậu xanh tằm ở xã Vĩnh Giang, trồng môn ở Vĩnh Thái (Vĩnh Linh); trồng tỏi tía tại xã Trung Giang (Gio Linh); trồng cỏ nuôi bò ở Hải An (Hải Lăng); chăn nuôi trang trại tổng hợp lợn, gà, các mô hình VAC, VACR… là những mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng thu nhập cho nông dân cũng như khai thác tiềm năng, lợi thế ở các xã ven biển. 

Tuy nhiên, đối với người dân vùng biển vốn ít quen sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất trên có hiệu quả chỉ mới ở mức quy mô ít hộ gia đình làm được, nhưng nếu nhân ra diện rộng thì phải thực hiện có bài bản, người dân phải có kiến thức sản xuất mới tự nhân rộng được các mô hình này một cách hiệu quả. Do đó, ngoài vốn đầu tư, người dân cần có sự hướng dẫn kỹ càng của cán bộ kỹ thuật theo hình thức tập huấn, hướng dẫn qua tờ rơi... Trong thời gian tới, các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các nguồn thông tin giá cả thị trường, định hướng sản xuất thực sự cần thiết cho ngư dân. 

Chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, Gio Linh cho biết: “Ở vùng này bây giờ tổ chức sản xuất nông nghiệp thì chỉ triển khai được chăn nuôi vì quỹ đất hạn hẹp. Nhưng chăn nuôi thì phải tính toán kỹ lưỡng, do từ trước đến nay chưa chăn nuôi bao giờ nên tôi muốn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để biết làm chứ bây giờ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhiều may ra mới có lãi. Hơn nữa, nông dân cũng cần được định hướng sản xuất cho phù hợp”. 

Việc tập huấn cho ngư dân phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ đơn thuần là kỹ thuật canh tác mà còn cả việc trang bị chính sách phát triển nông nghiệp để người dân ven biển có các kiến thức trong thâm canh nông nghiệp và hiểu rõ hơn các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, vừa tạo ra giá trị kinh tế, sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập487
  • Hôm nay1,763
  • Tháng hiện tại32,312
  • Tổng lượt truy cập9,581,897
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây