Kết quả ban đầu từ những mô hình thuần hóa cây tự nhiên ở Cam Lộ

Thứ sáu - 03/06/2016 03:57
Đưa vào trồng thí điểm một số cây vốn chỉ mọc hoang dại trong rừng như cây vằng, cà gai leo, hương bài… là cách mà huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chọn để có cơ sở đánh giá năng suất, hiệu quả giúp người dân chủ động phát triển nguồn nguyên liệu khi các sản phẩm tự nhiên đang dần cạn kiệt.
Kiểm tra mô hình trồng cà gai leo ở huyện Cam Lộ
Kiểm tra mô hình trồng cà gai leo ở huyện Cam Lộ
Nhiều năm nay, sản phẩm cao lá vằng ở vùng Cùa đã trở nên nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Từ một loại cây hoang dại, cây vằng đã được người dân xã Cam Nghĩa chế biến thành sản phẩm mang thương hiệu đặc sản của vùng đất nắng gió Quảng Trị. Cũng nhờ loại cây này mà người dân ở đây có điều kiện cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập nhờ nghề nấu cao lá vằng. Tuy nhiên, việc khai thác chủ yếu dựa vào nguồn tự nhiên sẵn có và người dân khai thác chưa có ý thức cho cây tái sinh đã làm cạn kiệt nguyên liệu. Vì vậy, việc đưa vào trồng thí điểm 1 ha cây vằng ở xã Cam Nghĩa đã mở ra hướng nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế cho loại cây này. Theo anh Phạm Việt Thanh, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ, hiện cây vằng đang sinh trưởng phát triển tốt. Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục theo dõi đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh quy trình, quy hoạch và xây dựng kế hoạch nhân rộng trong thời gian tới. 

Ngoài cây vằng, năm 2015 từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp các địa phương trong huyện xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu với quy mô hộ gia đình, trong đó có 1,9 ha cà gai leo, 1 ha nghệ và 2 ha cây hương bài trồng xen dưới tán rừng 1 tuổi. Kết quả mô hình bước đầu cho thấy, cây cà gai leo cho thu hoạch lứa đầu tiên năng suất tươi 3 - 3,5 tấn/ ha ; tỷ lệ khô/tươi 2,9 - 3,1; giá bán từ 50 - 80 ngàn đồng/kg khô, doanh thu 120 - 150 triệu đồng, công thu hoạch chiếm 20% doanh thu với giá 200.000đ/công. Theo kinh nghiệm khai thác loài cây này ở tự nhiên của người dân cho thấy cây cà gai leo mọc một lần có thể thu hoạch được khoảng 3 năm; một năm từ 3 - 4 lứa. Song chưa có qui trình chăm sóc, năng suất trong chu kỳ khai thác nên cán bộ ngành nông nghiệp huyện Cam Lộ tiếp tục theo dõi nghiên cứu đánh giá mô hình thêm một thời gian nữa trước khi xây dựng kế hoạch liên kết thị trường đầu ra và tổ chức sản xuất trên diện rộng. 

Huyện Cam Lộ có hơn 21.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó gần 17.000 ha đất rừng sản xuất. Đặc biệt, diện tích rừng sản xuất có độ dốc thấp rất lớn với khoảng trên 5.000 ha nhưng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chỉ đạt bình quân 5 - 7 triệu đồng/ha/năm. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế rừng thấp do người dân trồng rừng chủ yếu tự phát, chưa có qui trình trồng, chăm sóc, chưa đánh giá được khả năng thích nghi và sản lượng. Bên cạnh đó, việc phát triển các cây trồng phụ thu xen canh rừng sản xuất độ dốc thấp chưa khép tán để nâng cao giá trị kinh tế rừng chưa được quan tâm. Vì vậy, để có cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá khả năng thích nghi, giá trị kinh tế thu nhập trên đơn vị diện tích rừng, Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ đã trồng thử nghiệm cây hương bài xen canh giữa 2 ha rừng sản xuất tập trung ở thôn Tân Xuân, xã Cam Thủy. 

Ông Tạ Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, địa phương có một số hộ làm hương truyền thống ở thôn Nhật Lệ và cây hương bài là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất hương. Tuy nhiên, từ trước đến nay người dân chủ yếu khai thác loại cây này từ rừng tự nhiên. Năm 2015, dự án của Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị do KOICA hỗ trợ đã chọn mô hình làm hương của địa phương đầu tư vốn cho người dân phát triển sản xuất hương theo công nghệ hiện đại. Vì vậy, trồng thí điểm cây hương bài nhằm đánh giá khả năng thích nghi của loại cây này trên đất trồng rừng sản xuất tập trung, từ đó xác định năng suất, sản lượng, thu nhập và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất trồng rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nhân rộng mô hình, chủ động vùng nguyên liệu cho người làm hương của địa phương. Hiện nay cả cây hương bài và cây keo đang sinh trưởng phát triển tốt. Người dân làm cỏ chăm sóc cho cây hương bài đồng thời cũng tạo độ tơi xốp, tăng dinh dưỡng cho cây rừng. 

Những tín hiệu khả quan trong việc thuần hóa các giống cây tự nhiên ở huyện Cam Lộ đang mở ra hướng chuyển đổi từ tập quán canh tác lạc hậu theo lối truyền thống qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, nâng cao giá trị thu nhập gia tăng của sản phẩm hàng hóa làm ra. Xây dựng các luận cứ khoa học để rà soát, bổ sung giải pháp cho các đề án phát triển kinh tế nông nghiệp đã triển khai. Tạo công ăn việc làm mới cho nhiều lao động, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Dù chỉ mới kết quả ban đầu nhưng huyện Cam Lộ đã cho thấy sự đồng thuận, quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện các mô hình của địa phương, chuyển hướng sản xuất từ tăng trưởng dựa vào khối lượng sang dựa vào giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích; sản xuất theo nhu cầu thị trường và gắn chế biến và thương mại nông sản. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập630
  • Hôm nay3,089
  • Tháng hiện tại33,638
  • Tổng lượt truy cập9,583,223
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây