Một mô hình liên kết chế biến nông sản thành công

Chủ nhật - 28/11/2021 21:42
Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, liên kết là chìa khóa giúp các cơ sở sản xuất thành công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia và huy động được nguồn lực đầu tư để phát triển một nền sản xuất bền vững. Sự liên kết càng đạt hiệu quả cao hơn khi phát huy được thế mạnh của các bên về máy móc, thiết bị, lao động và nguồn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Mô hình liên kết trong chế biến miến của Hợp tác xã nông nghiệp sạch Tây Sơn và cơ sở chế biến miến Loan Hảo mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ biết phát huy tốt lợi thế của mỗi bên.
Sản phẩm miến Tây Sơn được tiêu thụ tốt trên thị trường - Ảnh: T.A.M
Sản phẩm miến Tây Sơn được tiêu thụ tốt trên thị trường - Ảnh: T.A.M
  
Hợp tác xã nông nghiệp sạch Tây Sơn (HTX Tây Sơn) ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đầu tư nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho kết quả tốt, nông sản làm ra đảm bảo chất lượng sạch như gạo, thịt lợn, thịt gà… Sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường cả nước. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX mới chỉ dừng lại ở mức tiêu thụ dạng thô nên giá trị không cao, mức tiêu thụ không lớn và khả năng bảo quản bị hạn chế do trong quá trình sản xuất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả đưa lại chưa đạt như mong muốn. Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX Tây Sơn đã lựa chọn giải pháp chế biến nông sản làm ra đến sản phẩm cuối cùng, vừa tạo được sự đa dạng hàng hóa, vừa đảm bảo khâu bảo quản và không chịu nhiều áp lực trong tiêu thụ sản phẩm. Nhưng trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, HTX Tây Sơn khó tự mình thực hiện được chuỗi sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến sâu sản phẩm. Hơn nữa, HTX cũng chưa đủ khả năng về kỹ thuật chế biến nông sản nên đã chọn phương án liên kết sản xuất trong chế biến nông sản.
 
Cơ sở sản xuất miến Loan Hảo, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh là cơ sở sản xuất miến nhiều năm trên địa bàn, có kinh nghiệm trong chế biến nông sản và cũng là cơ sở được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ đầu tư một số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đã được HTX Tây Sơn lựa chọn để liên kết sản xuất sản phẩm miến hữu cơ. Đôi bên cùng có lợi, HTX Tây Sơn có nguyên liệu, cơ sở sản xuất, miến Loan Hảo có kỹ thuật và máy móc, lao động liên kết để cho ra thị trường sản phẩm miến hữu cơ mang nhãn hiệu Tây Sơn có chất lượng. Hợp đồng hợp tác sản xuất đầu tiên giữa 2 cơ sở với gần 1 tấn miến được hoàn thành và nhanh chóng tiêu thụ hết. Người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành phố đã từng tiêu thụ gạo hữu cơ Vương Tây Sơn nên khi sản phẩm miến của HTX ra đời đã nhanh chóng tiếp nhận.
 
Giám đốc HTX Tây Sơn Nguyễn Đăng Vương cho biết: “Nhờ liên kết sản xuất, HTX đã giải quyết được vấn đề khó khăn về vốn đầu tư máy móc, nhà xưởng, sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn. Trước đây gạo hữu cơ HTX sản xuất chỉ bảo quản được thời gian ngắn nhưng nay hợp tác với cơ sở Loan Hảo sản xuất thành miến dễ tiêu thụ, dễ bảo quản, giá trị sản xuất được gia tăng đến mức cao nhất, mang hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều (tăng hơn khoảng 25% lợi nhuận so với bán gạo) và được khách hàng ưa chuộng vì là sản phẩm sạch, đặc biệt dùng tốt cho người bị tiểu đường. Hiện HTX đã nhận được một số đơn hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… nên thời gian tới HTX sẽ tăng cường hợp tác với cơ sở Loan Hảo để sản xuất đủ lượng hàng cung cấp cho khách hàng. HTX thực hiện liên kết sản xuất tạo ra được nhiều sản phẩm hàng hóa và chủ động hơn trong tiêu thụ nông sản”.
 
Còn đối với cơ sở sản xuất miến Loan Hảo, việc hợp tác gia công sản phẩm miến cho HTX Tây Sơn mang lại khoản lợi về kinh tế. Chị Nguyễn Thị Hảo, chủ cơ sở sản xuất miến Loan Hảo cho biết: “Sản phẩm liên kết chế biến gia công cho HTX Tây Sơn không nằm trong danh mục sản phẩm của cơ sở nên không có sự cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Với liên kết này, hai bên cùng có lợi, phía cơ sở Loan Hảo thì công nhân có thêm việc làm, phát huy tốt công suất máy móc, chủ cơ sở có thêm nguồn thu nhập. Bình quân mỗi tấn sản phẩm miến gia công cơ sở thu về 7 triệu đồng”.
 
Đối với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nông thôn hiện nay, việc tiến hành chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến ra thành phẩm công nghiệp để đưa đến tay người tiêu dùng nếu thực hiện khép kín trong một cơ sở sản xuất thì không đủ năng lực do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu trình độ kỹ thuật... Nhưng nếu biết liên kết các cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở đảm nhận một công đoạn thì sẽ phát huy tốt lợi thế của từng cơ sở để tạo nên năng lực sản xuất mạnh mẽ và tất cả các bên tham gia đều có lợi. Thành công của mô hình liên kết sản xuất của HTX Tây Sơn và cơ sở Loan Hảo đã chứng minh điều đó. Sự liên kết này là những hoạt động kinh tế tự nguyện, cùng có lợi nhằm đạt được mục tiêu của các hoạt động tham gia quá trình liên kết. Tuy trình độ tổ chức sản xuất có khác nhau nhưng sự liên kết này mang tính công bằng và bền vững. Đây là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần được nhân rộng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn và đảm bảo đầu ra tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay6,987
  • Tháng hiện tại14,057
  • Tổng lượt truy cập8,423,699
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây