Hướng chuyển đổi sinh kế phù hợp với vùng cát

Thứ hai - 20/03/2017 04:20
Để tìm kiếm sinh kế cho người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển bằng giải pháp khai thác vùng đất cát, Công ty cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty thương mại Quảng Trị) đã triển khai mô hình trồng cây sả ở vùng cát để xuất khẩu nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở vùng biển.
Người dân xã Trung Giang, Gio Linh chăm sóc cây sả
Người dân xã Trung Giang, Gio Linh chăm sóc cây sả

Trên thực tế ở vùng đất Quảng Trị, sả vốn là loại cây dược liệu quen thuộc, được người dân trồng nhiều nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình. Nhưng nếu trồng cây sả với quy mô lớn ở vùng cát là bước chuyển đổi còn mới mẻ. Vậy nên, Tổng Công ty thương mại Quảng Trị phải đứng ra tổ chức mọi khâu từ làm đất, bón phân, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ.

 

Đến nay, đơn vị đã giúp dân triển khai được 4 mô hình trồng sả trên cát ở ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong, mỗi mô hình có diện tích 1 ha. Theo đó, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sả sinh trưởng và phát triển tốt và người dân bỏ công trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn và thu hoạch.

 

Với nhiều ưu điểm là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Ông Trần Văn Phương ở xã Trung Giang (Gio Linh) cho biết: “Từ xưa đến nay nghề chính của người dân là đi biển. Sau sự cố môi trường biển, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nên khi công ty về hướng dẫn trồng cây sả xuất khẩu thì bà con rất mừng. Sau khi đưa cây sả vào trồng thấy đem lại những tín hiệu ban đầu khả quan hơn so với các loại hoa màu khác kém hiệu quả”.

 

Được biết hiện tại Tổng Công ty thương mại Quảng Trị đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm cây sả với giá 3 triệu đồng/tấn. Mặt khác đơn vị cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài với nhiều sản phẩm như sả tươi, sả bột, sả xay và tinh dầu sả… Cây sả có ưu điểm trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều năm như thu hoạch theo tẻ hoặc cắt ngang cây sau đó bón phân chăm sóc tiếp tục thu lứa khác.

 

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Quảng Trị, để trồng mỗi héc ta sả cần đầu tư 7 tấn phân bón, 2,4 tấn giống. Sau 6 tháng cây sả cho thu hoạch với năng suất 10 tấn/ha/ vụ, mỗi năm thu 2 vụ được 20 tấn. Như vậy mỗi héc ta sả cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, đơn vị còn thu mua thêm phụ phẩm như lá sả  với giá 600 ngàn đồng/tấn; mỗi héc ta sả có sản lượng 5 tấn lá. Như vậy ít nhất một héc ta sả, người dân ven biển Quảng Trị thu về tổng cộng khoảng 63 triệu đồng/năm. Không chỉ trồng sả, trên diện tích đất trồng sả, người dân có thể trồng keo lưỡi liềm theo tiêu chuẩn FSC với mật độ 4 x 3m/cây.

 

Hiệu quả kinh tế ở đây không chỉ trồng cây ngắn ngày là cây sả trên đất cát nhiễm mặn, hoang hóa mà còn kết hợp với trồng cây dài ngày trên một diện tích đất để tăng giá trị của đất, góp phần phát triển bền vững.

 

Hiện nay, không riêng gì ở các xã vùng cát ở 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong trồng sả mà ở một số địa phương khác ở huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa người dân cũng đang tích cực trồng sả, nghệ thay cho một số cây trồng kém hiệu quả. Từ đất cát trắng chua mặn, hoang hóa hay đất đồi cằn cỗi, nay người

dân đưa vào trồng sả đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể. Hiệu quả mang lại từ trồng sả là vừa có thu nhập, vừa giải quyết được việc làm cho một lượng lao động rất lớn ở nông thôn.

 

Đánh giá về hiệu quả và triển vọng của cây sả trên vùng đất cát, ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang, Gio Linh cho rằng: “Đúng vào thời điểm địa phương đang loay hoay tìm kiếm nguồn thu cho người dân thì Tổng Công ty thương mại Quảng Trị có chính sách hỗ trợ ngư dân trồng sả. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Do đó địa phương đã có kế hoạch tận dụng hết diện tích đất cát hoang hóa, nhiễm mặn để đưa vào trồng sả. Mặt khác cũng kiến nghị với tỉnh cần có cơ chế xử lý, thu hồi  số diện tích đất trên địa bàn đã cấp cho các nhà đầu tư triển khai dự án nhưng không thực hiện để địa phương có thêm quỹ đất tổ  chức, phân bổ lại cho người dân đưa vào sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập”.

 

 Hiện nay ở Quảng Trị diện tích đất cát trắng hoang hóa rất lớn. Vì vậy có thể tập trung đưa cây sả trở thành cây dược liệu chủ lực, hiệu quả cao. Nhưng theo chúng tôi trước mắt cần tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình ở 3 huyện và quảng bá đến đông đảo người dân, qua đó khuyến khích mở rộng diện tích trồng sả trên đất khô hạn, nhiễm mặn nhằm giúp nông dân vùng thường xuyên chịu đựng thiên tai ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

 

Được biết, Tổng Công ty thương mại Quảng Trị đã có chủ trương nhân rộng mô hình trồng sả ra toàn bộ 16 xã vùng biển bãi ngang của tỉnh Quảng Trị với diện tích 1.000 ha góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

 Ưu điểm nổi bật của mô hình trồng sả trên đất cát, kém hiệu quả không chỉ thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho người dân mà còn xây dựng nên những mô hình chuyển đổi sinh kế phù hợp ở vùng đất cát ven biển.

Tác giả bài viết: Tân Nguyên

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập110
  • Hôm nay12,080
  • Tháng hiện tại158,860
  • Tổng lượt truy cập8,359,157
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây